Đổi "mại dâm" thành "lao động tình dục"?
Có ý kiến cho rằng, cần công nhận mại dâm là một nghề của xã hội, cho chị em không bị kỳ thị, bởi xã hội có cầu thì mới có cung.
Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết, mới đây cả nước có trên 800 người từng bán dâm được quản lý tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động được trở lại xã hội. Tuy chỉ chiếm khoảng 2-3% tổng số người nghi vấn bán dâm ngoài cộng đồng, nhưng cũng dấy lên hàng loạt câu hỏi nhức nhối: Làm thế nào để họ tái hòa nhập cộng đồng, không "ngựa quen đường cũ", tránh hiểm họa HIV?
Ngày 26/12, tại TP.HCM đã diễn Tọa đàm thúc đẩy các can thiệp giảm hại và dự phòng lây truyền HIV trong mại dâm do Hội Phòng chống AIDS, Ủy ban phòng chống AIDS và Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tổ chức. Cách nhìn nhận về mại dâm, các mô hình về can thiệp giảm hại và phòng chống HIV cho người bán dâm đã được đề cập ở nhiều khía cạnh.
Có nên công nhận mại dâm là một nghề của xã hội? (Ảnh minh họa)
Mại dâm hay "lao động tình dục"?
Chị Ngô Linh - Trưởng nhóm cộng đồng Bình Minh Đêm cho rằng: "Cần thay đổi cách gọi của nghề mại dâm, không nên dùng từ mại dâm mà nên thay bằng lao động tình dục. Cần công nhận mại dâm là một nghề của xã hội, cho chị em không bị kỳ thị, bởi xã hội có cầu thì mới có cung".
Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ tịch Hội Phòng, chống HIV/AIDS TP.HCM, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không nên nhấn mạnh vấn đề hợp pháp hóa nghề mại dâm. Đồng thời bà Thu phản đối việc đưa mại dâm thành một nghề, bởi nếu là một nghề thì nó xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm của người phụ nữ. Tuy nhiên, cần nhìn nhận mại dâm ở nhiều góc độ, không phải ai làm mại dâm cũng là hư hỏng, xấu xa. Đa phần người bán dâm có những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, bị đẩy vào đường cùng và phải đi làm cái nghề mà xã hội cho là “bán thân nuôi miệng”.
Tư vấn góp phần giảm hại và dự phòng lây truyền HIV trong mại dâm
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Can thiệp giảm tác hại, Ủy ban phòng chống AIDS TP.HCM cho rằng, xã hội không cần tập trung vào việc có coi mại dâm là một nghề. Điều quan trọng là khung pháp luật và chính sách liên quan đến giảm hại trong mại dâm. Bà Huệ cho biết hiện tại ở TP.HCM có khoảng 15 nghìn gái mại dâm. Việc giảm tác hại trong mại dâm là việc đáng quan tâm, nếu không, đây sẽ là một nguy cơ cho chính gái mại dâm và cộng đồng. Việc giảm tác hại trong mại dâm là nhằm mục đích thực hành những hành vi an toàn hơn cho người bán dâm, người mua dâm và cộng đồng.
Định hướng nghề nghiệp cho người bán dâm
Bà Hoàng Thị Xuân Lan, Phó Giám đốc Dự phòng và chăm sóc HIV/AIDS ở Việt Nam - Life, điều phối viên dự án toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, đã giới thiệu mô hình giảm hại cho người bán dâm. Bà Lan cho biết mô hình này gồm: dự phòng lây nhiễm HIV cho người bán dâm, tạo sinh kế thay thế bền vững bằng cách dạy nghề theo nhu cầu và tự nguyện, nâng cao kỹ năng sống và tương trợ lẫn nhau trong nhóm và hỗ trợ hướng nghiệp, trợ giúp chuyển gửi tới các dịch vụ xã hội.
Anh Lương Thành Tuấn - trưởng nhóm Cộng đồng cùng tiến cho biết: nhóm có dự án Tiến lên phía trước. Trong đó, nhóm có quỹ tiết kiệm để dùng khi cần hỗ trợ các thành viên. Đã có 42 người (25 nam, 17 nữ) được đưa đi đào tạo học nghề tại trường dạy nghề nhân đạo, có 24 người đã có bằng tốt nghiệp. Anh Tuấn hồ hởi: Ngay sáng 27/12 sẽ có thêm 8 bạn được trao bằng chứng nhận nghề như: trang điểm, nấu ăn, cắt tóc, làm móng… Hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu để họ lập nghiệp trên hướng mới của cuộc đời".
Bà Huỳnh Lan Phương, đại diện UNAIDS khẳng định: Việc giảm tác hại của mại dâm bằng cách giáo dục, tiếp cận nhóm đồng đẳng, tuyên truyền, trao đổi các tài liệu và thông điệp đơn giản là rất cần thiết. Qua đó tăng cường hiểu biết và kỹ năng tự bảo vệ cho người bán dâm, giúp không hình sự hóa nghề mại dâm…