Đòi bồi thường 33 tỷ vì tai biến sau mổ: Vụ kiện “Vô tiền khoáng hậu”

Sự kiện: Tin nóng

Chẩn đoán bị “rò động mạch chủ xoang hang”, ông Trịnh Quang Sơn, 55 tuổi, ngụ TPHCM được các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chỉ định mổ. Tuy nhiên, 4 giờ sau phẫu thuật ông Sơn rơi vào trạng thái lơ mơ và một ngày sau thì bị tai biến khiến ông sống gần như thực vật.

Đòi bồi thường 33 tỷ vì tai biến sau mổ: Vụ kiện “Vô tiền khoáng hậu” - 1

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Ảnh: PV.

Sau khi ông Sơn rơi vào tai biến, gia đình ông đã đòi bệnh viện này bồi thường 33 tỷ đồng. Số tiền “khủng” này có lẽ là “vô tiền khoáng hậu” trong một vụ kiện mà nền y tế Việt Nam ghi nhận.

“Cú sốc”

Hơn 1 năm trôi qua, nỗi đau khi nhìn thấy cha nằm trong thế co quắp chân tay, hôn mê trên giường bệnh bà Trịnh Thị Thuỳ Dương, 31 tuổi ở TPHCM, con gái ông Sơn vẫn không cầm được nước mắt. “Đây là một cú sốc với tôi và gia đình”- bà nói trong lá đơn kêu cứu gửi đến báo Tiền Phong.

Theo bà Dương, tháng 7/2015 cha của bà phát hiện ở mắt bị đau, đỏ nên đến Bệnh viện An Sinh ở TPHCM thăm khám. Sau khi khám xong và được tư vấn, bác sĩ ở đây đã hướng dẫn ông Sơn đến Bệnh viện Nhân dân 115 để điều trị đúng theo chuyên môn. Ngày 5/8/2015, sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện nhân dân 115 với hội chứng “rò động mạch chủ xoang hang trái”, ông Sơn được xuất viện để theo dõi điều trị nội khoa.

“Theo sự giới thiệu của người thân, bố tôi đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM để khám lại và điều trị từ ngày 10/8/2015.  Bác sĩ Trần Quốc Tuấn khám và kết luận ba tôi bị “rò màng cứng xoang hang trái” rồi cho về và hẹn lịch mổ vào ngày 21/8/2016”- bà Dương thuật lại.

Theo thỏa thuận với bệnh viện, ông Sơn đã chi 350 triệu đồng để Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM mua toàn bộ các thiết bị phục vụ cho ca mổ mặc dù chi phí ca mổ được phía Bệnh viện thông báo chỉ khoảng 30 triệu đồng. Đúng lịch hẹn, ông Sơn đến làm thủ tục nhập viện và nộp tiền. Lúc 14 giờ ngày 21/8 bác sĩ Trần Quốc Tuấn cùng ê kíp tiến hành mổ cho ông Sơn.

Bà Dương nói, 2 giờ sau ca mổ sức khỏe của bố mình vẫn bình thường và được đưa lên phòng theo dõi nhưng khoảng 4 tiếng sau, người nhà phát hiện bệnh nhân lơ mơ nên lập tức báo bác sĩ trực. “Bác sĩ khám và cho biết sức khỏe của bố tôi vẫn bình thường. Thế nhưng, đến sáng ngày 22/8/2015, gia đình phát hiện bố tôi hoàn toàn mất nhận thức, cơ thể không cử động, mắt không nhìn thấy gì và cũng không nói được”- bà Dương trình bày.

Chiều cùng ngày, theo ghi nhận của bệnh viện qua kết quả chụp MRI cho thấy ông Sơn bị “tổn thương phù cuống- cầu não và đồi thị”, sau đó khó thở phải đặt nội khí quản cho thở máy và theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực. Theo người nhà bệnh nhân, lúc này ông Sơn đã rơi vào hôn mê. Ngay sau đó, bệnh viện chủ động mời bác sĩ từ Bệnh viện Bạch Mai vào hội chẩn.

Các thành viên hội đồng chuyên môn xác định do người bệnh bị trào máu não giữa nặng nên không còn phương án can thiệp. Theo bà Dương, từ đó đến nay, bố của bà được chuyển vào diện săn sóc đặc biệt tại Khoa nội Thần kinh với tình trạng bại não, liệt tứ chi và co quắp 2 tay, bị mù mắt, sống đời sống gần như thực vật.

“Trước khi xuất hiện dấu hiệu bệnh, ông Sơn có các bệnh lý nền như đường huyết; cholesterol; triglycerides bị vượt quá giới hạn chỉ số bình thường, ngoài ra không có bệnh hiểm nghèo. “Không ngờ bố tôi lại ra nông nỗi này”- bà Dương nghẹn ngào.

Đòi bồi thường 33 tỷ vì tai biến sau mổ: Vụ kiện “Vô tiền khoáng hậu” - 2

Ông Sơn trước khi bị bệnh.

Đòi bồi thường 33 tỷ đồng

Quá đau đớn vì sức khỏe của người thân bị ảnh hưởng, nguyên nhân bệnh viện đưa ra không đủ sức thuyết phục khiến bà Võ Thị Cẩm Loan, vợ ông Sơn gửi đơn kiện ra toà án nhân dân quận 5 (TPHCM), yêu cầu Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM phải có trách nhiệm với người bệnh. Số tiền đòi bồi thường được phía gia đình bệnh nhân Sơn đưa ra là 33 tỷ đồng.

Con số bồi thường “khủng” này theo Luật sư Nguyễn Minh Tường- Đoàn Luật sư TPHCM, người đại diện pháp lý cho gia đình bà Loan là “đã được thống kê chi tiết gửi cho toà án quận 5”. Hôm qua 5/5, Tòa án Nhân dân quận 5 TPHCM xác nhận đã thụ lý vụ kiện hy hữu này, đồng thời nói thêm ngày 9/5 tới Tòa sẽ mời phía nguyên đơn là bà Võ Thị Cẩm Loan và bị đơn là Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM đến để tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải vụ kiện theo quy định.

“Sau sự việc xảy ra, tôi đã nhiều lần đề nghị Bệnh viện công khai cho biết nguyên nhân và phải có trách nhiệm giải quyết hoàn trả lại toàn bộ tiền viện phí và bồi thường thiệt hại hợp lý cho gia đình. Nhưng đại diện Bệnh viện chỉ đề xuất hỗ trợ 600 triệu đồng và đề nghị gia đình đưa chồng tôi về lo hậu sự đồng thời yêu cầu không được khiếu nại hay khởi kiện gì bệnh viện”, vợ ông Sơn nói.

Theo người thân của ông Sơn nguyên nhân khiến ông Sơn gặp biến chứng là do “Lãnh đạo bệnh viện Đại học Y dược đã phân công bác sĩ Trần Quốc Tuấn, mới chỉ là chuyên khoa 1, cũng mới được cấp chứng chỉ hành nghề được mấy năm nay nên không đủ kinh nghiệm để phẫu thuật trường hợp này”.

Ngoài khoản viện phí tính đến thời điểm hiện nay đã nộp cho bệnh viện khoảng 2 tỷ đồng, bà Loan cho biết: “Tôi và gia đình hiện đang phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho các đối tác của công ty khi thực hiện dự án nghỉ dưỡng ở Côn Đảo do chồng tôi đã ký hợp đồng nhưng không thể thực hiện một cách trọn vẹn hoặc một số trường hợp buộc phải thanh lý và chấp nhận bồi thường. Ngoài ra, dự án khu nghỉ dưỡng với giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng cũng buộc phải tạm dừng thi công”.

Ông Sơn là thành viên sáng lập Công ty TNHH Việt Nga có trụ sở tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Ông cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty, giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc Công ty.

Theo bà Dương, năm 2012, ông Sơn đã đầu tư khoảng 800 tỷ đồng để thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Việt Nga. Khi dự án đang thi công giai đoạn cuối, thì ông Sơn vào Bệnh viện Đại học Y Dược và gặp nạn đến nay.

Đòi bồi thường 33 tỷ vì tai biến sau mổ: Vụ kiện “Vô tiền khoáng hậu” - 3

Bệnh nhân Sơn sống thực vật sau khi được phẫu thuật tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Làm đúng quy trình?!

Phóng viên Tiền Phong đã liên lạc với bà Nam Phương, phụ trách truyền thông của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, đồng thời gửi các câu hỏi liên quan đến sự việc. Sau đó, người này email cho biết đã chuyển câu hỏi đến Ban giám đốc Bệnh viện nhưng đến nay chúng tôi chưa nhận được phản hồi.

Trong khi đó, trong một văn bản trả lời tố cáo với gia đình ông Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM Trương Quang Bình ký, thông tin “Đây là ca bệnh khó”. Văn bản trên cho biết Hội đồng chuyên môn kết luận nguyên nhân gây tai biến cho bệnh nhân do: Tổn thương não vùng sâu gồm đồi thị và thân não hai bên, xảy ra do ứ máu tĩnh mạch sau khi bít xoang hang bởi tĩnh mạch dẫn lưu đổ về một cách bất thường vào xoang hang”… “Đây là tai biến không mong muốn nằm trong tỉ lệ 4-5% nguy cơ khiếm khuyết thần kinh không hồi phục  theo y văn”- văn bản nêu.

Về khiếu nại yêu cầu làm rõ tính pháp lý về mặt chuyên môn của bác sĩ Trần Quốc Tuấn của bà Dương, bệnh viện đã viện dẫn nhiều bằng cấp của ông Tuấn và hiện là giảng viên bộ môn Ngoại thần kinh của Đại học Y Dược, có chứng chỉ hành nghề do Bộ Y tế cấp năm 2012.

Công văn trả lời của Bệnh viện cho rằng không có cơ sở trong việc bồi thường theo yêu cầu của người nhà ông Sơn và kết luận: “Đã thực hiện đúng Luật khám chữa bệnh khi tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Trịnh Quang Sơn.

Ê kíp thực hiện thủ thuật theo đúng quy trình kỹ thuật chuyên môn của bệnh viện, phù hợp với bệnh lý người bệnh. Do đó, nội dung đơn tố cáo của bà Thùy Dương cho rằng, ê kíp can thiệp không có chuyên môn, vi phạm quy trình khám chữa bệnh là không đúng. Khoản tiền gia đình yêu cầu bồi thường là không có cơ sở, bệnh viện không chấp nhận”.

Theo bà Trịnh Thị Thùy Dương, việc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM yêu cầu gia đình phải đóng trước 350 triệu đồng để mua toàn bộ các thiết bị phục vụ riêng cho ca mổ của ông Sơn là “không đúng quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh”.

Có thể thủ thuật viên chưa có kinh nghiệm

Trao đổi với Tiền Phong chiều 5/5, một chuyên gia đầu ngành về can thiệp nội mạch của Việt Nam cho biết, đã biết đến ca bệnh này trong một hội nghị can thiệp thần kinh ở Hà Nội mới đây. Theo ông, về chỉ định điều trị là có nhưng không khẩn cấp vì triệu chứng bệnh nhân đến khám là không nặng do họ vẫn đi đứng sinh hoạt bình thường. Về phương pháp điều trị, các bác sĩ có thể chọn lựa nhiều cách như Xạ trị gamma knife là nhẹ nhàng nhất cho bệnh nhân, gần như an toàn tuyệt đối chỉ có mất thời gian chờ để đạt kết quả khỏi hoàn toàn, thay vì phải dùng can thiệp nội mạch gây tắc (nút mạch) động mạch rò và can thiệp nội mạch gây tắc (nút mạch) bằng đường tĩnh mạch. Về mặt lý thuyết khả năng chữa khỏi hoàn toàn cao hơn đường động mạch, tuy nhiên khá phức tạp, nguy cơ tai biến là cao nhất trong các phương pháp nêu trên, và nếu có xảy ra thường là rất trầm trọng với nguy cơ tàn phế và tử vong cao. Do đó cách này trước khi thực hiện nên cân nhắc kỹ và đòi hỏi bác sĩ thực hiện phải có rất nhiều kinh nghiệm, phải giải thích rất kỹ với bệnh nhân và thân nhân của bệnh nhân.

“Đa số các trung tâm chỉ thực hiện phương pháp này khi không còn chọn lựa nào khác. Đây là ca tai biến điển hình do thủ thuật can thiệp khi bác sĩ đã làm tắc (nút mạch) hoàn toàn xoang hang. Có thể do thủ thuật viên chưa có kinh nghiệm nhận ra các tĩnh mạch lành cần bảo tồn, nên đã vô ý làm tắc chúng”- chuyên gia này nhìn nhận. 

Kỷ luật bác sĩ đứng nhìn bé trai co giật rồi tử vong

Khi bệnh nhân lên cơn co giật và chuyển viện, bác sĩ không có động tác nghiệp vụ mà chỉ... đứng nhìn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lâm (Tiền Phong)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN