Đội bắt chó thả rông ở Hà Nội: Đem chó về, xử lý ra sao?

Sự kiện: Tin nóng

"Bắt chó thả rông về phường rồi, phải xử lý ra sao, không có chỗ nào để nuôi nhốt, chẳng lẽ để giữa sân ủy ban?..." - một lãnh đạo phường ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nói với PV Báo Sức khỏe & Đời sống.

Để tăng cường biện pháp phòng chống bệnh dại trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 563/UBND-KGVX, chỉ đạo các đơn vị, địa phương của thành phố chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại và hoạt động có hiệu quả của các đội bắt chó thả rông trên địa bàn.

Văn bản của UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã trên địa bàn chỉ đạo phải thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả của các đội bắt chó thả rông, có cơ chế, chính sách cho các đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị...

Chó không rọ mõm trong công viên hồ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) chiều 30/3. Ảnh: Người dân cung cấp.

Chó không rọ mõm trong công viên hồ Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) chiều 30/3. Ảnh: Người dân cung cấp.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề thành lập các đội bắt chó thả rông, một lãnh đạo phường (đề nghị không đưa tên) thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội cảm thán: "Bắt chó thả rông về phường rồi, phải xử lý ra sao, không có chỗ nào để nuôi nhốt, chẳng lẽ để giữa sân ủy ban? Trước khi chủ nuôi đến nhận chó, Đội bắt chó thả rông phải chăm sóc, cho ăn, cho uống, dọn vệ sinh chứ có tiêu hủy luôn được ngay đâu. Đây cũng là vấn đề rất phiền toái, nhiều chó cảnh, đắt tiền ăn đồ ăn riêng, không ai "phục vụ" được. Chẳng may, chó chết chủ đến đòi, phải làm sao?! Đó là chưa tính đến yếu tố con người phải có cán bộ chuyên môn, có kỹ năng, cắt cử công an trật tự hay khu vực và kinh phí chi trả tương xứng cho hoạt động bắt chó thả rông".

Cũng theo vị lãnh đạo phường này: "Thực tế các đội bắt chó của chúng tôi có triển khai ra quân, thực hiện nhiệm vụ đầy đủ theo quy định, theo thông báo nhưng chủ yếu là tuyên truyền người dân nuôi thả chó theo đúng quy định, giữ an toàn và vệ sinh chung. Nếu ở đâu xuất hiện chó thả rông, gọi thành viên tổ dân phố ra xem chó của nhà ai đến bắt về chứ không bắt chó đưa về ủy ban".

"Đây là thực trạng chung, phường nào ở địa bàn quận Hoàng Mai cũng đều như nhau cả thôi" – vị lãnh đạo phường quả quyết.

Hình ảnh bắt chó thả rông trên đường phố.

Hình ảnh bắt chó thả rông trên đường phố.

Cùng chung quan điểm với cán bộ phường của quận Hoàng Mai, một nữ lãnh đạo phường thuộc quận Đống Đa (đề nghị không đưa tên) cũng chia sẻ: "Chúng tôi thành lập, ra quân, tập huấn, trang bị bảo hộ, dụng cụ đầy đủ, thậm chí tại trụ sở cũng bố trí lồng nuôi nhốt chó… nhưng thực tế sau các lần ra quân phường cũng chưa "tóm" một con chó nào đưa về nhốt ở trụ sở. Vì khi đưa chó về trụ sở, quy trình trải qua nhiều bước, thủ tục rất rườm rà trong khi cán bộ kiêm nhiệm nhiều công việc không ai có thể lo hết được".

Về hoạt động của đội bắt chó thả rông, vị nữ lãnh đạo cho biết: "Chúng tôi đã thành lập nhóm zalo riêng cho các thành viên đội bắt chó thả rông. Việc triển khai chủ trương, kế hoạch, quy định của TP về phòng chống bệnh dại, chó thả rông… được tuyên truyền, xử lý các sự cố phát sinh đều thông qua nhóm zalo này".

Đồng thời vị nữ lãnh đạo phường cũng cho rằng: "Tại địa bàn không có chó lạ, chỉ có chó nhà dân nuôi, đôi lúc có ra ngoài hay đi vệ sinh thì nhắc nhở họ tuân thủ các quy định nên việc bắt chó thả rông đem về trụ sở nhiều lúc là không thực sự cần thiết".

Lồng nhốt tại trụ sở một UBND phường để không.

Lồng nhốt tại trụ sở một UBND phường để không.

Hiện nay, tình trạng tử vong do bệnh dại có chiều hướng tăng cao. Theo TS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại, nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, số mắc và tử vong vì bệnh dại lại tăng vọt lên 27 ca (tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023).

Trong khi đó, Cục Thú y chỉ rõ tình trạng quản lý đàn chó mèo, lập kế hoạch tiêm/tiêm vaccine phòng dại trên động vật và truyền thông vẫn còn yếu kém ở nhiều địa phương.... Điều này khiến cho nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người rất đáng lo ngại.

Theo Nghị định 90/2017, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Trường hợp chủ nuôi không tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo cũng chịu mức phạt tương tự như trên.

TP HCM - Xã, phường ủng hộ chủ trương nuôi chó, mèo phải đăng ký bởi việc này sẽ giúp chính quyền địa phương dễ xử lý tình trạng để vật nuôi phóng uế, không rọ mõm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Minh ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN