Đôi bạn nguy kịch sau bữa rượu ngâm củ ấu tẩu
Hai người đàn ông 49 tuổi và 53 tuổi sau khi cùng nhau uống rượu ngâm củ ấu tẩu đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch
Trung tâm Chống độc Bệnh viện, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết tại đây đã tiếp nhận 2 bệnh nhân bị ngộ độc rượu ngâm củ ấu tẩu (hay còn gọi là củ ấu tàu), 1 người 49 tuổi và 1 người 53 tuổi, đều ở tỉnh Hải Dương.
Trước đó, 2 người cùng uống rượu với nhau, sau đó có biểu hiện vã mồ hôi, tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim, hoa mắt, chóng mặt... trong đó 1 người bị tím tái, ngừng thở, phải sốc điện, đặt ống nội khí quản thở máy.
Cấp cứu cho một bệnh nhân ngộ độc rượu. Ảnh minh họa
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết cả 2 bệnh nhân đều có biểu hiện loạn nhịp tim, sốc, tụt huyết áp nên được truyền thuốc chữa loạn nhịp, thuốc nâng huyết áp… Xét nghiệm nước tiểu phát hiện aconitin, một chất gây loạn nhịp tim có trong củ ấu tẩu. Cả hai được đưa đến viện cấp cứu, điều trị kịp thời.
Giới chuyên môn khuyến cáo củ ấu tẩu được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc nếu được bào chế cẩn thận, đúng cách. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tẩu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc. Không tự chế biến củ ấu tẩu làm thức ăn.
Theo Đông y, củ ấu tẩu thường được dùng làm rượu thuốc để xoa bóp chữa các chứng đau, tê, nhức, mỏi. Tuy nhiên, trong thành phần của nó chứa aconitin là một chất rất độc. Sau khi uống, chất aconitin ngấm rất nhanh qua niêm mạc dạ dày, ruột để vào máu gây nên các triệu chứng: Rối loạn cảm giác tại chỗ, cảm giác kiến bò ở lưỡi rồi mất hết cảm giác dẫn tới tê môi, lưỡi, họng và mặt... tiếp theo là các rối loạn thần kinh thực vật: Buồn nôn, nôn mửa, vã mồ hôi, chảy nước dãi, co giật thớ cơ, có thể ngất, hạ thân nhiệt. Rối loạn hô hấp như khó thở, thậm chí ngừng thở. Do đó, khi có biểu hiện ngộ độc cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để xử trí kịp thời.
Bác sĩ cảnh báo nguy cơ ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tẩu. Ảnh: Internet
Tiến sĩ - bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, cho biết rượu ngâm thuốc bao gồm 2 loại ngâm dược liệu và ngâm động vật. Các loại động vật hay được ngâm phổ biến là rắn, tắc kè, bìm bịp, hải mã, lộc nhung... Các loại thảo mộc thường được dùng như sâm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, các loại sâm, hà thủ ô, chuối chát...
Bác sĩ Sơn cho biết trong y học cổ truyền, nhiều loại rễ, củ cây rừng có tác dụng chữa bệnh rất tốt khi được sử dụng bởi người có kiến thức chuyên môn và sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Tuy nhiên, nếu không biết thật rõ tác dụng của từng loại rễ cây, củ cây rừng hoặc thậm chí động vật, người dân tuyệt đối không được dùng để ngâm rượu uống, hoặc chế biến làm thực phẩm.
Hiện có nhiều gia đình ngâm nhiều loại con còn nguyên con, nguyên lông, điều này rất nguy hiểm. Với các loại động vật ăn thịt sống như rắn chuột, nhái, ếch, thì trong lông và bụng con vật này đều chứa nhiều ký sinh trùng. Việc dùng những động vật này để ngâm rượu nguyên lông nguyên cánh sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm các vi khuẩn và ký sinh trùng vào cơ thể.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm gây ngộ độc rượu tại Mê Linh, Hà Nội.
Nguồn: [Link nguồn]