Độc lạ 4 cặp rồng của làng gốm 500 tuổi ở Quảng Nam
Cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, làng gốm cổ Thanh Hà (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) trở nên tất bật hơn để kịp sản xuất những linh vật rồng bằng đất nung phục vụ du khách thập phương.
Những ngày này, các nghệ nhân trong làng gốm có tuổi đời 500 năm lại hối hả chuẩn bị đất sét, sửa lại lò nung, nhào nặn linh vật rồng để cung ứng thị trường và phục vụ khách du lịch, tham quan.
Anh Lê Văn Nhật, 35 tuổi là một trong 4 hộ được UBND phường Thanh Hà giao trọng trách chế tác những con rồng bằng gốm đất nung để trưng bày dịp Tết Nguyên đán năm nay.
“Năm nay làng có 4 hộ tham gia chế tác linh vật rồng, mỗi cặp rồng đều có nét đẹp riêng. Tác phẩm tôi chế tác là linh vật rồng quấn quanh bùng binh. Rồng là linh vật thiêng liêng, còn bùng binh (heo đất) là truyền thống, nét đẹp lâu đời gắn với làng gốm, nó có ý nghĩa như một năm rồng đầy ấp ấm no, tiền tài đong đầy”, anh Nhật cho biết.
Theo anh Nhật, cặp rồng anh chế tác mất gần 1 tháng mới hoàn thành. Các chi tiết tỉ mỉ từng công đoạn, đặc biệt phần thân rồng phải chú ý kĩ do đất sét ướt, khi dựng lên sẽ bung ra khó ôm sát vào thành bình. Điểm nhấn là đôi mắt rồng được gắn viên ngọc đỏ thể hiện sự cao quý và uy quyền.
Ông Nguyễn Thành Long, 70 tuổi, từng làm quản lý Công viên đất nung Thanh Hà (Hội An) vui vẻ khi được đảm nhận chế tác linh vật rồng phục vụ dịp Tết này. “Tác phẩm của tôi là rồng châu Á mang đậm nét văn hóa người xưa, và cái ‘hồn’ của người nghệ nhân muốn thể hiện vào trong tác phẩm”, ông Long nói.
Khác với những tác phẩm năm nay, linh vật rồng của ông Long với vảy rồng được nặn riêng và gắn lên chứ không chạm khắc trực tiếp, bốn chân rồng phải trụ được trên bình gốm để giữ thân mình.
Là một trong 4 hộ tham gia chế tác linh vật rồng, anh Nguyễn Viết Lâm (27 tuổi) đặt nhiều tâm huyết vào cặp rồng thời nhà Nguyễn mà mình đảm nhận. “Trước khi làm mình phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nguyên bản của con rồng thời Nguyễn. Cặp rồng này hoàn thiện phải mất khoảng 1 tháng, chia ra làm 6 công đoạn. Mỗi công đoạn luôn cần sự chỉn chu, tỉ mỉ từng chút một”, anh Lâm chia sẻ.Tác phẩm linh vật rồng của anh Lâm vừa qua công đoạn phơi gió để ép nước trước khi đem nung. Dự kiến sẽ hoàn thành trong tuần này để kịp phục vụ cho khách du lịch tham quan.
Anh Lê Văn Hoàng (38 tuổi) trực tiếp chế tác cặp rồng đứng, dưới sự chỉ dẫn của cha mình là ông Lê Văn Xê. Phần đầu của con rồng là công đoạn khó làm nhất, vì nó tập trung nhiều chi tiết tạo nên cái "hồn" của linh vật. Tất cả đều phải sắc nét, tinh xảo, toát lên được vẻ đẹp hình tượng thiêng liêng, cao quý, đầy vẻ uy quyền. Với cặp rồng này, anh mất khoảng 20 ngày để hoàn thành và đang trong công đoạn nung.
Các cặp rồng được nghệ nhân chế tác, sau khi hoàn thiện sẽ được trưng bày triển lãm phục vụ khách tham quan. Thời gian dự kiến vào ngày 5/2/2024 (tức 26 âm lịch).
Làng gốm Thanh Hà hiện có trên 30 cơ sở sản xuất gốm thủ công với 3 dòng gốm: sản phẩm lưu niệm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm truyền thống, giữ đặc điểm chung là gốm thô mộc có màu đất nung tự nhiên.
Linh vật là một phần quan trọng của văn hóa dân gian, thể hiện khát khao ấm no, hướng đến hạnh phúc của con người. Những ngày qua, hình ảnh linh vật rồng đón năm mới Giáp Thìn 2024 ở khắp mọi miền Tổ quốc được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Muôn kiểu tạo hình, màu sắc, dáng vẻ, biểu cảm của tượng rồng khiến cư dân mạng thích thú, tuy thế vẫn có tượng linh vật hài hước và gây tranh cãi.
Nguồn: [Link nguồn]