Dọc đường cứu trợ: Chuyện những “đầy tớ” của dân
Những ngày lũ lụt điên cuồng tàn phá huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, hàng nghìn chuyến xe đổ về miền Trung cứu trợ. Những người làm nhiệm vụ của địa phương tất tả chạy ngược xuôi phân phối thuyền, cano đến vùng bị cô lập. Có hy sinh mất mát và có cả sự hiểu lầm, nhưng họ xác định, sứ mệnh của mình là vì cả vạn người đói khát giữa đỉnh lũ kia.
Trắng đêm làm nhiệm vụ
Cơn mưa tầm tã kéo dài ngày này qua ngày khác, lũ tiếp tục dâng cao nhấn chìm làng mạc, hàng vạn người dân cuống cuồng lên nóc nhà lánh nạn, tiếng kêu cứu vang vọng giữa biển lũ mênh mông đục ngầu. Tính mạng người dân bị đe dọa, đói khát bủa vây, tình hình ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) từ ngày 18-24/10 trở nên cấp bách.
Ông Nguyễn Đình Hòa hướng dẫn đoàn từ thiện đến các điểm rốn lũ
Nối đuôi theo đoàn xe cứu trợ dài nhiều cây số, chúng tôi tiến về ngã ba Cam Liên, xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy sáng 23/10. Âm thanh nhiễu loạn. Tiếng còi inh ỏi của xe tải chở hàng chi viện, tiếng gầm rú rẽ sóng của cano, tàu xuồng đi cứu hộ, tiếng người gọi nhau bốc hàng... Sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Đình Hòa (Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Lệ Thủy) đang trực tiếp chỉ đạo tổ cán bộ cắm chốt cứu trợ tại đây. “Căng thẳng quá, kho hàng dự trữ của huyện đã hết ngày hôm qua, giờ chỉ trông chờ vào sự cứu trợ của đồng bào cả nước. Nhiều thôn xóm ở vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được”, ông Hòa cho biết.
Vuốt những hạt nước mưa đọng trên mặt, ông Hòa rút điện thoại ra nghe. “Dạ anh, cảm ơn anh, tôi đến ngay”. Đáp lời đường dây bên kia xong, ông Hòa nói với chúng tôi: “Có xe hàng ở Hà Nội vào, tôi cần qua đó tiếp nhận rồi phân phối cano, xuồng, chuyển về thôn xóm cứu trợ”. Ông hối hả chạy đi, lẫn vào dòng người, dòng xe đang đậu dưới mưa trắng trời.
Khoảng 20 phút tác nghiệp ghi nhận hình ảnh cứu trợ tại ngã ba Cam Liên, chúng tôi gặp lại ông Hòa đang đứng bên chiếc xe tải cùng một nhóm người khác. “Các anh yên tâm, hàng cứu trợ sẽ đến tận tay người dân, dạ, dạ... Giờ xuồng, cano rất hạn chế và tốc lực dành cho việc cứu trợ người dân bị cô lập. Các anh có thể đi một người để ghi nhận hình ảnh chứ nhiều người cùng đi nguy hiểm lắm và cũng không có chỗ ngồi”, ông Hòa trao đổi với nhóm từ thiện. Thống nhất xong, cán bộ huyện Lệ Thủy cùng nhóm từ thiện mở bạt xe bốc hàng... Đang ôm 3 thùng mì tôm lên xuồng, một cán bộ xã chạy tới báo cáo với ông Hòa: “Bên xã em, đã đưa hàng cứu trợ tới thôn 1, thôn 2, các thôn còn lại chưa có anh ạ”. “Xuồng đâu rồi, cho lại đây ngay, cố gắng nhanh lên chứ không có thời gian nghỉ ngơi đâu”, ông Hòa nói.
Thấu hiểu vì việc chung
Trời xế chiều, ngã ba Cam Liên vẫn nhộn nhịp, khẩn trương, xe ra, người vào không ngớt, sự hỗ trợ của người dân cả nước dành cho rốn lũ Lệ Thủy ngày càng nhiều. Lúc này, chúng tôi đã ngấm nước lũ, gió thổi mạnh khiến ai cũng rùng mình vì lạnh. Để có hàng cứu trợ cho người dân cả huyện được đồng đều, đầy đủ, ông Hòa và các cán bộ khác của huyện Lệ Thủy vẫn dầm mưa làm nhiệm vụ. Chuẩn bị lên xe đến địa điểm khác tác nghiệp, chúng tôi thấy một nhóm người to tiếng với nhau; trong đám đông đó có ông Hòa. Chúng tôi lội nước tiến lại gần thì cũng là lúc họ giải tán.
Ông Hòa nói: “Không có chuyện gì đâu, các anh ạ. Nhóm từ thiện chờ xuồng và cano lâu quá nên họ nóng nảy. Hiện giờ, xuồng, cano thiếu thốn, hạn chế nhất để cứu trợ. Nhu yếu phẩm được chất thành đống cao nhưng cano của quân đội, công an đã đến vùng lũ hết rồi, chưa kịp quay lại”. Là người chỉ huy lực lượng tiếp nhận tại đây, ông Hòa trực tiếp xử lý các vấn đề với người dân và các đoàn từ thiện. Ông Hòa kể, ngày hôm qua, có một đoàn từ thiện về rồi yêu cầu chính quyền cấp xuồng, cano đưa họ và hàng đến địa điểm mà họ mong muốn. Nhưng các địa phương khác cũng bị ngập mà chưa có cứu trợ nên ông Hòa xin họ về đó, thế là ông hứng chịu một tràng nặng lời.
“Chúng tôi tiếp nhận hàng và phân phối cho từng thôn, xã nên biết chỗ nào đã có cứu trợ, chỗ nào chưa. Nhiều người tưởng mình trục lợi, có ý gì khác nên buông lời thậm tệ. Có khi dưới thôn, dưới xã gọi điện lên yêu cầu đồng chí Hòa cho hàng về cứu trợ, tôi lại đến các xe “xin” hàng và tiếp tục bị nói này khác, thậm chí chảy nước mắt với lời lẽ của họ. Nhưng may mắn là sau đó, họ cũng thấu hiểu vì việc chung, có đoàn khó tính thì tôi yêu cầu bớt lực lượng cứu trợ để cho họ đi chứng kiến thực tế. Tuy nhiên, trước khi ra xuồng, tôi cũng căn dặn, giữa lũ mênh mông sóng lớn phải làm theo hướng dẫn của người lái nhằm đảm bảo an toàn”, ông kể.
Ðưa vợ con đi gửi để làm nhiệm vụ
Hàng ngàn ngôi nhà chìm trong lũ, hàng vạn người dân khắc khoải chờ đợi cứu trợ, huyện Lệ Thủy đã huy động tất cả lực lượng làm nhiệm vụ. Ngã ba Cam Liên là điểm quan trọng đặt Trung tâm tiếp nhận hàng cứu trợ trong những ngày cao điểm. Từ đây, cano, xuồng có thể về các xã bị cô lập như Thanh Thuỷ, Hồng Thủy, Hưng Thủy, Dương Thủy, Tân Thủy, Mỹ Thủy... “Gần 20 cán bộ được huyện cử đến tăng cường ở ngã ba Cam Liên vào chiều 19/10. Thời điểm này cũng là đỉnh lũ. Để làm công tác tiếp nhận, khâu nối, chúng tôi trực trắng đêm 24/24 giờ”, ông Hòa cho hay.
Ông Trần Viết Lưu, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lệ Thủy (người trực tiếp trực tại Cam Liên), cho biết: “Người dân Lệ Thủy sống cùng với lũ thành quen nhưng năm nay, trận lụt lịch sử đã nhấn chìm hầu như toàn bộ địa bàn. Những ngôi nhà của anh em làm nhiệm vụ cũng không ngoại lệ. Nhà ngập ít thì 1m, ngập sâu 2m. Nhà tôi bị ngập 1,6m lại ở đúng hướng luồng sóng chính diện, sóng phá tường tràn vào, đập văng cửa, đồ đạc trong nhà nổi lềnh bềnh va liên tiếp vào tường hư hỏng hết. May mắn trước khi đi làm nhiệm vụ, tôi đã gửi vợ con sang nhà khác kiên cố hơn. Nhà mình bị như thế nhưng chưa là gì so với hàng ngàn, hàng vạn người dân đang bị cô lập trong rốn lũ. Anh em ở đây cũng đã xác định tập trung nhiệm vụ rồi”.
Không chỉ ông Hòa, ông Lưu, những cán bộ khác của huyện Lệ Thủy khi nhận được nhiệm vụ về với nhân dân cũng căng mình cống hiến. Họ xác định, “đầy tớ” của nhân dân chính là phục vụ dân. “Tiếp nhận và phân chia hàng cứu trợ là công việc nhạy cảm lúc mưa lũ. Bà con Lệ Thủy đang cần cứu trợ, đoàn từ thiện đến nhiều thì chúng tôi biết ơn, trân trọng, người dân trên những nóc nhà ngoài biển lũ sẽ không bị đói, khát. Mong lũ rút xuống”, ông Hòa nói.
Trong chiều nay, chính quyền địa phương đã đến nhà ông Ăm Diệu để trao tặng số tiền 10 triệu đồng mà trước đó gia...
Nguồn: [Link nguồn]