Độc đáo các pho tượng dát vàng trong ngôi chùa gần 300 tuổi ở TPHCM
Chùa Giác Lâm (tổ đình Giác Lâm, đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình) là một trong những ngôi chùa cổ nhất TPHCM với gần 300 tuổi. Chùa có kiến trúc Mandala độc đáo, giao thoa văn hóa kiến trúc giữa Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo và hiện sở hữu 113 tượng cổ thếp vàng.
Chùa Giác Lâm, hay còn gọi là tổ đình Giác Lâm tọa lạc tại số 118, Lạc Long Quân, quận Tân Bình. Ngôi chùa có khung cảnh yên bình, chim chóc quần tụ, cây cối toả bóng mát quanh năm...
Chùa Giác Lâm còn có các tên khác như Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm. Từ khi thành lập cho đến năm 1742, chùa chỉ là một ngôi nhà tranh vách đất, còn gọi là Niệm Phật đường.
Năm 1744, cư sĩ Lý Thuỵ Long đứng ra xây dựng chùa. Từ năm 1774, Thiền sư Viên Quang đã cho đổi tên thành chùa Giác Lâm sau khi tiếp quản. Vào năm 1798, sau nửa thế kỷ xây dựng, chùa được trùng tu lần thứ nhất, diện tích chùa được mở rộng và có nhiều hoạt động hoằng pháp lợi sinh. Chính điện của chùa Giác Lâm được xây theo kiểu nhà dân gian truyền thống: Một gian, hai chái với bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ, nhà giảng với kiến trúc ba gian hai chái
Hình ảnh Bát tiên trên nóc chùa là dấu vết của Đạo giáo trong ngôi chùa Phật giáo. Kiến trúc Mandala độc đáo, giao lưu văn hóa giữa Phật giáo , Nho giáo và Đạo giáo. Phần nóc có điểm đặc biệt là hình ảnh đôi rồng cùng chầu vào một cầu lửa ở trung tâm. Có thể xem đây là dạng rồng chầu mặt trời, phía trên “mặt trời” này là bình tịnh thủy.
Viền của mái là hai hàng trang trí chạy dọc bằng các đĩa men sứ ngày xưa. Những chiếc đĩa trang trí chủ yếu được nung trong lò gốm tại Lái Thiêu (Bình Dương), một số có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản... Những đĩa kiểu trang trí được gắn vào khoảng nửa đầu thế kỷ 20. Với hơn 7.000 đĩa trang trí, chùa Giác Lâm hiện sở hữu kỷ lục: Ngôi chùa có số lượng đĩa kiểu trang trí nhiều nhất Việt Nam.
Đến năm 1909, Thiền sư Hồng Hưng Thạnh Đạo, thuộc đời thứ 40, đứng ra trùng tu lần thứ hai. Lúc này, ngôi chùa có thay đổi một số nét về kiến trúc như: xây vòng rào, lót gạch ở chánh điện, làm lại vách nhà Tổ, trang trí nền viền mái chùa bằng sứ… tất cả đều theo sự sáng tạo của ngài Hồng Hưng Thạnh Đạo, có nhiều ảnh hưởng của văn hóa phương Tây trong lĩnh vực kiến trúc và nghệ thuật.
Hai bên tả hữu chánh điện là hành lang bao bọc kiến trúc gian này gần như vuông, chia làm năm gian, kết cấu sườn mái kiểu tứ tượng và tỏa ra thành tám phần mái dạng bát quái.
Một trong những nét khác biệt của kiến trúc chùa Giác Lâm là cổng nhị quan được xây vào năm 1945, nổi bật với 2 con sư tử chầu ở hai góc cổng theo văn hóa Ấn Độ và đầu rắn Naga đặc trưng trong Phật giáo Nam tông Khmer.
Trong chùa có 113 pho tượng cổ, chủ yếu là tượng gỗ, trong đó có 7 tượng đồng. Có nhiều tượng có giá trị như: Tượng Phật A-di-đà, Phật Thích-ca, Di-lặc Bồ-tát; Thế Chí Bồ-tát, Quan Thế Âm Bồ-tát, Địa Tạng Vương Bồ-tát, bộ tượng Cửu Long (đúc bằng đồng), bộ tượng mười tám vị La-hán, tượng Thập điện Diêm vương, tượng Tổ sư Đạt-ma, tượng Long Vương...
Bộ tượng năm vị của chùa Giác Lâm được xem là bộ tượng đặc biệt nhất, được tạc bằng gỗ mít nài, thếp vàng, cao 80cm. Tượng Thích-ca đặt giữa, ngồi trên tòa sen, cao hơn các tượng khác. Bố cục hình thang nên thế ngồi vững chãi. Bốn tượng còn lại mỗi tượng đều ngồi lên lưng một con linh vật. Bộ tượng năm vị xuất hiện ở Nam Bộ trong giai đoạn đầu thế kỷ XIX, tức giai đoạn mở đầu triều đại nhà Nguyễn.
Bộ tượng có năm vị gồm: Phật Thích-ca Mâu-ni, các Bồ-tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Văn-thù-sư-lợi và Phổ Hiền đều được đặt ngay chính điện
Theo những người hộ tự, các tượng này đều được thếp vàng thật. Chính vì thế, các sư thầy chùa Giác Lâm giữ nguyên hiện trạng, không tác động đến cấu trúc tượng mặc dù theo thời gian, lớp thếp vàng bên ngoài đã dần phai mờ.
"Có thể thấy rõ sự khác biệt giữa gỗ bao lam thếp vàng bên trái và sơn nhũ vàng trên bao lam bên phải. Các hoạ tiết điêu khắc sau này đều được sơn nhũ vàng chứ không được thếp vàng thật như ngày trước" - một người hộ tự giải thích.
Lớp vàng trên phần chữ của câu đối đã phai mờ theo thời gian. Chùa có tổng cộng 86 câu đối.
Các hoạ tiết trang trí ở bao lam giữ nguyên bản, nhiều vị trí vẫn ánh sáng vàng khi ánh nắng chiếu rọi. Chùa có 9 bao lam, 19 bức hoành phi.
Tượng Thích Ca đặt giữa điện thờ, ngồi trên tòa sen làm bệ đỡ rực ánh vàng. Tượng Phật Thích Ca gần như nguyên vẹn các lớp thếp vàng.
Dưới thời Thiền sư Viên Quang, chùa Giác Lâm trở thành trung tâm đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở Gia Định và cả khu vực Nam Bộ.
Từ khi thành lập, chùa Giác Lâm đã trải qua 11 đời trụ trì.
Trong 11 đời trụ trì có nhiều vị như: Tổ sư, Tổ Tông Viên Quang, Tiên Giác, Minh Vi, Minh Khiêm, Như Lợi, Như Phòng, Hồng Hưng, Nhựt Dần, Lệ Sành là Tổ kế thừa phái Lâm Tế, dòng đạo Bổn Ngươn nên chùa còn được gọi là tổ đình.
Nét uy nghiêm của tôn tượng thếp vàng Phật Thích Ca.
Chùa Giác Lâm mùa cây thay lá với gam màu lãng mạn.
Nhiều Phật tử tìm về đây phóng sanh, học đạo, nghe kinh để tìm sự thanh tịnh nơi tâm trí.
Vào năm 1988, chùa Giác Lâm được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia và trở thành điểm hành hương nổi tiếng của nhiều du khách thập phương.
Nguồn: [Link nguồn]
Chùa Phổ Minh (Nam Định) có niên đại trên 800 năm đang lưu giữ nhiều “báu vật” đời Trần với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đặc biệt, bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ...