Doanh nhân trẻ cần bao nhiêu tiền để làm sạch sông Tô Lịch vĩnh viễn sau 6 tháng?
Để đưa công nghệ MET vào xử lý ô nhiễm giúp sông Tô Lịch hồi sinh vĩnh viễn, kinh phí ước tính cả ngàn tỷ đồng.
Gần đây, câu chuyện xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch lại tiếp tục “nóng” sau khi doanh nhân trẻ Vũ Tiến Anh (SN 1982, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA) cam kết có thể xử lý ô nhiễm, giúp sông hồi sinh vĩnh viễn chỉ sau 6 tháng.
Để làm được điều ấy, anh Tiến Anh sẽ đưa công nghệ MET (Mechanical Energy Technologies – Công nghệ năng lượng cơ học) do anh sáng chế ra và khẳng định “chưa có trên thế giới”.
Hệ thống xử lý nước thải MET được thiết kế rất đơn giản, gọn nhẹ
Trao đổi với PV, anh Tiến Anh chia sẻ, anh chắc chắn công nghệ của mình sẽ thành công, điều quan trọng là cần sự cho phép của các cấp chính quyền.
Nếu được đồng ý, anh sẽ cho lắp đặt và vận hành hệ thống MET tại các cửa cống xả thải ra sông Tô Lịch. Mỗi cửa cống sẽ đặt từ 1-2 máy. Việc xử lý nước thải ngay từ đầu nguồn tại các điểm cống xả thải khiến nước đổ ra sông đã là nước sạch.
“Khi chặn từ đầu nguồn, không còn nước thải chảy ra sông nữa thì rõ ràng không có lý do nào khiến nước sông còn ô nhiễm. Theo tính toán của tôi, khi đã lắp đặt xong hệ thống, chỉ cần nửa năm nước sông có thể sạch”, anh Tiến Anh cho hay.
Doanh nhân Vũ Tiến Anh cam kết làm sạch sông Tô Lịch sau 6 tháng
Theo ước tính của anh Tiến Anh, sông Tô Lịch hiện tại có khoảng 280 cống lớn và rất nhiều cống nhỏ, lượng nước xả thải vào sông là 150.000m3/ngày đêm. Vì vậy, số máy cần lắp đặt sẽ khoảng 7.500 chiếc.
Diện tích để lắp đặt số máy này khoảng 37.500m2, trải dài dọc 2 bên bờ sông Tô Lịch. Tính tổng chi phí lắp đặt và vận hành ban đầu khoảng 2.000 tỷ đồng.
Trường hợp, nếu nước thải có thể tự chảy vào hệ thống thì không cần dùng đến điện, còn không sẽ phải dùng máy bơm để đưa nước vào. Khi đó, mỗi một module trong hệ thống sẽ tiêu tốn 0.5 số điện/ngày đêm (tức 3.750 số điện ngày đêm/7.500 máy).
Sơ đồ nguyên lý hoạt động của công nghệ MET
“Con số 2.000 tỷ này không hề lớn nếu so với các dự án xử lý khác. Tôi chắc chắn rằng, chỉ sau khoảng 6 tháng từ lúc lắp đặt xong hết các hệ thống, nước sông Tô Lịch sẽ trong trở lại. Nước đổ ra sông đạt chuẩn A – QCVN14.
Trong hệ thống máy xử lý vẫn sử dụng hóa chất nhưng không tiêu tốn nhiều. Hóa chất hoạt động ở cấp độ phân tử và 10 năm mới tiêu tốn hết. Lõi lọc bên trong máy là lõi lọc tự nhiện do tự hệ thống hình thành. Đặc biệt, khi hệ thống đi vào hoạt động không cần người vận hành…”, anh Tiến Anh chia sẻ.
Ngoài vấn đề xử lý nước, đối với bùn của sông Tô Lịch, vị doanh nhân trẻ cho biết, khi xử lý nước sạch đổ ra sông Tô Lịch thì sẽ làm bùn sạch và trôi đi. Lý tưởng nhất là cùng với thời gian lắp hệ thống xử lý MET, sông Tô Lịch sẽ được nạo vét bùn.
Để chứng minh cho công nghệ của mình hiệu quả, anh Vũ Tiến Anh sẵn sàng làm thử nghiệm trên sông Tô Lịch nếu được các cấp có thẩm quyền cho phép. Ở giai đoạn thử nghiệm, anh sẽ cho lắp đặt 10 máy với chi phí khoảng 500 triệu đồng. Kinh phí thử nghiệm sẽ do công ty anh tự chi trả.
Nguyên lý hoạt động của công nghệ MET: Khi nước chưa qua xử lý đổ vào máy, đủ áp lực dòng nước chảy qua van hơi tự do vào khu vực phân tách. Tại đây, dòng nước bị phân tách thành các tia nhỏ. Nước ở dạng phân tử được hòa trộn với oxi không khí tạo kết tủa dạng oxit kim loại lắng lại trên bề mặt cát, phần nước còn lại thấm qua các lớp vật liệu xuống đáy bể. Dòng nước không bị đẩy ra ngoài tiếp tục được phân tách thành dạng bụi nước, rồi xử lý yếm khí trong hệ thống. Dòng nước thấm xuống đáy bể được hút ngược trở lại hệ thống để xử lý nhờ áp lực dòng và áp suất nén do nước thấm. Mất khoảng 7-15 phút để hệ thống cho ra dòng nước sạch tính từ lúc nước ô nhiễm được đưa vào. Bên cạnh nguyên lý cơ học, hệ thống MET còn sử dụng một số hỗn hợp chuyên biệt được tính toán riêng theo từng loại nước thải nhằm xử lý các thành phần ô nhiễm của nước thải đó. |
Doanh nhân trẻ sở hữu công nghệ MET cam kết, công nghệ này có thể làm hồi sinh vĩnh viễn sông Tô Lịch trong vòng 6 tháng.