Doanh nghiệp phản ứng kết quả “bún bẩn”

Sau thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) về bún nhiễm hóa chất Tinopal được đăng tải trên các phương tiện truyền thông; nhiều doanh nghiệp, sở ngành đã phản ứng lại kết quả kiểm tra của trung tâm này.

Ngày 25/7, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức cuộc họp với một số sở ngành và doanh nghiệp liên quan trước thông tin bún nhiễm hóa chất Tinopal. Đa số các ý kiến trong cuộc họp đều không thừa nhận tính hợp pháp của các mẫu mà Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng đã đưa đi kiểm nghiệm, và cũng không thừa nhận kết quả mà trung tâm này công bố.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Co.op, bày tỏ: “Theo quy định của pháp luật Việt Nam, khi lấy mẫu phải có sự chứng kiến và xác nhận của đơn vị bị lấy mẫu nhưng trung tâm đã “âm thầm” lấy mẫu và đem đi kiểm nghiệm là không đúng quy định. Do đó, các mẫu mà trung tâm này cho rằng đã lấy từ hệ thống siêu thị Co.op Mart, chúng tôi có quyền không công nhận là mẫu của chúng tôi”.

Ông Nhân cho biết thêm: “Chỉ với một mẫu được kiểm nghiệm chưa biết có đúng quy trình hay không mà kết luận chúng tôi không làm tròn trách nhiệm của một đơn vị phân phối thì chúng tôi không đồng tình”.

Nhiều đơn vị kinh doanh khác như Big C, Maximark,… bày tỏ, họ rất ủng hộ có một trung tâm độc lập làm công tác giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm như Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng bởi doanh nghiệp làm ăn chân chính, không ngại gì sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, họ yêu cầu các hoạt động giám sát phải đúng luật và phải phối hợp với các cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp phản ứng kết quả “bún bẩn” - 1

Kết quả công bố bún, bánh phở, bánh canh 100% chứa chất gây ung thu bị doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phản ứng (Ảnh: Quốc Thể)

Sở Công thương TP.HCM rất ủng hộ các cảnh báo từ các hội, các cơ quan liên quan về các vấn đề xã hội. Nếu Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng thu thập được những thông tin như công bố mà thông báo lại với cơ quan quản lý nhà nước thì các sở ngành liên quan sẽ tổ chức kiểm tra ngay. Tuy nhiên, việc trung tâm này tự lấy mẫu, tự đi kiểm tra, công bố đích danh của đơn vị vi phạm thì chưa đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, khi đã công bố đích danh từng doanh nghiệp thì phải hết sức thận trọng và phải đảm bảo tính chính xác bởi nếu thông tin không chính xác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của doanh nghiệp.

Hiện nay, Sở Công thương TP.HCM đã tổ chức các đoàn thanh tra ở từng quận, huyện và kiểm tra rất quyết liệt về chất lượng các loại bún, từ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đến doanh nghiệp lớn và các đơn vị phân phối,… Sắp tới Sở cũng sẽ có cuộc gặp gỡ với Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng để làm rõ các thông tin mà trung tâm đã công bố.

Dự kiến, chiều thứ hai tuần sau, 29/7, Sở Công Thương TP.HCM sẽ cùng với Sở Y tế TP.HCM tổ chức một chương trình để các nhà sản xuất cam kết sản xuất đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và khuyến khích doanh nghiệp sản xuất bún phải có đóng gói, bao bì, nhãn mác khi đưa ra thị trường để đảm bảo an tâm cho người tiêu dùng.

Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 400 cơ sở sản xuất các loại sản phẩm tươi chế biến từ gạo dùng để ăn liền như: bún, bánh canh, bánh phở, bánh hỏi,… UBND TP.HCM cũng chỉ đạo ở mỗi quận huyện phải có nhân viên về an toàn thực phẩm có chứng chỉ kiểm nghiệm để thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị trường.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm Sở Y tế TP.HCM đề nghị Sở Công thương thành phố tăng cường kiểm tra tận gốc tại các đơn vị sản xuất chứ không chỉ ở các đơn vị phân phối vì hóa chất trong thực phẩm rất khó nhận biết bằng mắt thường, chỉ có những đơn vị sản xuất mới biết rõ họ đã bỏ hóa chất gì vào thực phẩm, không ít trường hợp đơn vị kinh doanh, phân phối cũng bị đơn vị sản xuất “đánh lừa” mà không thể nào nhận biết được.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tây Đô ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN