Doanh nghiệp nội địa sẽ tham gia xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ xây dựng chính sách thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phụ trợ để tham gia sâu vào quá trình xây dựng, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Sáng 21/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2024, phương hướng những tháng cuối năm và năm 2025, trong đó có nội dung về hạ tầng giao thông.

Chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc Nam đã được hội nghị Trung ương 10 khóa 13 thống nhất vào giữa tháng 9. Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD), tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm.

Bộ này cũng tính toán việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD, trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác 24,3 tỷ USD).

Đầu tháng 10, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy khẳng định Việt Nam làm đường sắt tốc độ cao sẽ bằng nguồn ngân sách và ít chịu ràng buộc chuyển giao công nghệ nước ngoài. "Nếu có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài, điều kiện tiên quyết là phải sử dụng dịch vụ hàng hóa mà trong nước sản xuất được, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia với giá trị xây dựng lên tới 34 tỷ USD", ông Huy nói, cho biết hiện nay ngành giao thông đã có đội ngũ nhà thầu tự lực làm được phần cầu đường, hầm, cầu dây văng để tham gia dự án.

Bộ Giao thông Vận tải đánh giá với năng lực, trình độ ở trong nước hiện nay, khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ giữa các dải tốc độ 250 km/h, 300 km/h, 350 km/h là tương tự nhau. Nghiên cứu cho thấy nếu được chuyển giao công nghệ và có một số cơ chế chính sách thích hợp, Việt Nam có thể làm chủ toàn bộ công nghiệp xây dựng, tự chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và từng bước nội địa hóa sản xuất một số linh kiện, phụ tùng thay thế.

Dự kiến ngày 13/11, Chính phủ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đến 30/11 - ngày cuối cùng của kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận hội trường về nội dung này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Media Quốc hội

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Media Quốc hội

Thủ tướng cho biết trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia như sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh. Trong năm tới, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM và tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Chính phủ cũng phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù để huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong công tác đầu tư, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Mục tiêu là giao thẩm quyền quyết định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không về cho các địa phương để chủ động cân đối nguồn lực.

Năm qua, bộ ngành và địa phương đã đưa vào khai thác 109 km các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - quốc lộ 46B, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021 km. Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng bảo đảm theo đúng kế hoạch.

Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công rút ngắn thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất 55. Đoạn trên cao tuyến Nhổn - Ga Hà Nội được vận hành vào tháng 8/2024 và phấn đấu đưa vào khai thác tuyến Bến Thành - Suối Tiên tháng 12/2024.

Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đánh giá nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được Chính phủ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và đưa vào khai thác. Năm 2025, cơ quan này đề nghị Chính phủ, Thủ tướng thực hiện quyết liệt các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Ủy ban kiến nghị Chính phủ kiên quyết loại bỏ những dự án không thật sự cần thiết; ưu tiên bố trí nguồn lực của ngân sách trung ương thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, quốc gia, quốc tế. Các địa phương chủ động cân đối nguồn lực để đầu tư các dự án thuộc phạm vi tỉnh. Chính phủ có giải pháp để triển khai được các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức PPP; giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn.

Nguồn: [Link nguồn]

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Hà ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN