Người dân tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tối 25/7, hàng nghìn người dân mặc trang phục đen xếp hàng vào bái biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Nhà tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, nhiều người bật khóc.
Chiều 25/7, tại Nhà tang lễ quốc gia, các đoàn tiếp tục đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có đoàn Trung Quốc, Lào, Singapore, Giáo hội Công giáo Việt Nam. Tại quê nhà xã Đông Hội, Đông Anh, tuyển thủ Đội tuyển bóng đá Việt Nam cùng hàng nghìn người dân đến viếng. Từ 17h45, sớm hơn dự kiến 15 phút, Nhà tang lễ quốc gia bắt đầu đón tiếp người dân vào tưởng niệm Tổng Bí thư. 960 đoàn với gần 40.000 người đến viếng Tổng Bí thư tại quê nhà xã Đông Hội. |
Ngày mai 26/7, người dân vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 7h đến 13h; lễ truy điệu 13h; và lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch.
Quá giờ viếng theo thông báo của Ban tổ chức nửa tiếng, dòng người vẫn xếp hàng dài. Vì thế, Ban tổ chức quyết định mở cửa xuyên đêm, đến khi nào hết người đến viếng mới dừng.
Người dân xếp hàng tới viếng ở nhà văn hóa thôn Lại Đà.
Nhà văn hóa trưng bày một số hình ảnh Tổng Bí thư về thăm quê.
Người trong gia đình Tổng Bí thư cảm tạ những người đến viếng. Ảnh: Nguyễn Đông
22h, hàng nghìn người dân qua phố Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ tiến vào nhà tang lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Video: Võ Thạnh
Đã gần hết giờ viếng Tổng Bí thư, nhưng nhiều người dân TP HCM vẫn tới Hội trường Thống Nhất. Do số lượng người dân đến viếng rất đông, UBND TP HCM quyết định kéo dài thời gian viếng đến 23h thay vì 22h như dự tính, nhằm tạo điều kiện cho người dân. Đến 17h hôm nay, có 539 đoàn và gần 20.000 người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất.
Rất đông người dân xếp hàng ở Hội trường Thống Nhất vào viếng Tổng Bí thư dù trời mưa, tối 25/7. Ảnh: Thanh Tùng
Dòng người vẫn xếp hàng dài hơn 500 m trên phố Lò Đúc chờ đến lượt qua phố Nguyễn Công Trứ, Tăng Bạt Hổ, Trần Thánh Tông để vào Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Các con phố quanh nhà tang lễ vẫn chật kín người dân. Công an được tăng cường hướng dẫn, phân luồng giao thông trên phố Lò Đúc.
Người xếp hàng trên phố Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Phạm Dự
Dù đông người song vẫn trật tự, không có cảnh chen lấn, xô đẩy nhau. Ảnh: Phạm Dự
Người dân tập trung ngày một đông trên phố Hàn Thuyên, công tác an ninh trật tự được đảm bảo. Ảnh: Gia Chính
Mọi người đều kiên nhẫn chờ đến lượt. Ảnh: Giang Huy
Người dân xếp hàng dài trong đêm chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Video: Huy Mạnh - Anh Phú
Cụ ông chống gậy được thanh niên tình nguyện và cảnh vệ dìu vào viếng ở nhà tang lễ. Ảnh: Giang Huy
Ông Tô Cổn (áo vest sáng), 93 tuổi, ở Hà Nội hòa vào dòng người xếp hàng trên phố Trần Thánh Tông chuẩn bị vào viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Võ Thạnh
Cũng đi không vững, cụ bà được người thân và thanh niên tình nguyện dìu. Ảnh: Võ Thạnh
Phố Lê Quý Đôn dài khoảng 500 m, rộng 7 m chật kín người, lực lượng chức năng phải bớt một làn nhỏ hơn một mét cho phương tiện từ bên trong nhà tang lễ đi ra. Phố Trần Thánh Tông cũng chật kín người dân chờ đợi vào viếng.
Dòng người trên phố Lê Quý Đôn. Ảnh: Gia Chính
Dòng người trên phố Trần Thánh Tông. Ảnh: Võ Thạnh
Lực lượng an ninh phải phân luồng, cho người già, tàn tật vào trước. Ảnh: Võ Thạnh
Người dân kiên nhẫn chờ đến lượt vào viếng. Ảnh: Võ Thạnh
Theo Ban tổ chức, đến cuối ngày 25/7, có 960 đoàn với gần 40.000 người đến viếng Tổng Bí thư tại điểm tổ chức tang lễ Nhà văn hóa Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh. Trong đó số đoàn viếng ở Hà Nội là 835, 125 đoàn đến từ nhiều tỉnh thành miền Bắc. Đặc biệt có một số cá nhân từ TP HCM, Cần Thơ, Kiên Giang ra.
Người dân đến nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Nguyễn Đông
Dù trời đã tối song điểm viếng Tổng Bí thư tại nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội vẫn đông kín người dân, chủ yếu là bà con các xã lân cận ở huyện Đông Anh, hết giờ đi làm về cùng nhau đến viếng Tổng Bí thư trên quê hương.
Dòng người xếp hàng buổi tối trên đường vào nhà văn hóa Lại Đà để viếng. Ảnh: Nguyễn Đông
Thời tiết thành phố buổi tối xuất hiện cơn mưa khá lớn, song dòng người vẫn xếp hàng trước Hội trường Thống Nhất, 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Càng về đêm người dân đến viếng càng đông. Nhiều người cho biết ban ngày đi làm nên tranh thủ tối mới sắp xếp đến viếng, thể hiện lòng thành kính với người đã khuất.
Cơn mưa đến bất ngờ nhưng không ngăn được dòng người đến viếng, tối 25/7. Ảnh: Thanh Tùng
Theo thống kê của Ban tổ chức, đến 17h ngày 25/7, có 627 đoàn và 16.210 người đến viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất. Chương trình của Ban tổ chức, người dân sẽ viếng Tổng Bí thư từ 17h30 đến 22h ngày 25/7 và 7h đến 12h30 ngày 26/7.
Anh Lê Thế Trung, nhân viên văn phòng ở quận 5, tranh thủ sau giờ làm việc qua Hội trường Thống nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thanh Tùng
Người dân xếp hàng vào Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tối 25/7. Video: Tuấn Việt
Tăng ni, phật tử chùa Lại Đà cùng nhau cầu siêu cho vong linh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chùa Lại Đà, cách nhà riêng ở quê của ông khoảng 600 m.
Ảnh: Nguyễn Đông
Cả nghìn người xếp hàng kéo dài vài trăm mét tại năm cổng hướng về Nhà tang lễ quốc gia. Đứng lẫn giữa dòng người trên phố Nguyễn Công Trứ, cụ Nguyễn Thị Sinh, 89 tuổi, cho biết xếp hàng từ 17h song vẫn chưa qua được cổng kiểm soát. Vừa được con trai tiếp tế bánh mì, cụ Sinh nói sẽ cố xếp hàng đến đêm để chờ được vào viếng Tổng Bí thư.
Người dân xếp hàng trên phố Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Phạm Dự
Dòng người ngày càng dài, một tình nguyện viên quạt cho người lớn tuổi. Ảnh: Võ Thạnh
Người dân kiên nhẫn chờ đợi. Ảnh: Võ Thạnh
Tăng ni, phật tử chùa Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, đến viếng Tổng Bí thư ở nhà văn hóa thôn. Sau lễ viếng, họ sẽ về lại chùa để tụng kinh, cầu nguyện cho Tổng Bí thư.
Tăng ni, phật tử chùa Lại Đà. Ảnh: Nguyễn Đông
Di ảnh Tổng Bí thư trong chùa Lại Đà. Ảnh: Nguyễn Đông
Đoàn người vào viếng Tổng Bí thư ở Nhà tang lễ quốc gia. Video: Anh Phú
Anh Phạm Ngọc Nam, ở Hà Nội, vẽ chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng nét chì trên nền trắng. Khuôn mặt, áo và cà vạt được khắc họa bằng tên của Tổng Bí thư.
"Hôm nay một trăm triệu trái tim Việt Nam tiếc thương bác. Mỗi chữ viết đại diện cho mỗi tình yêu đó", anh Nam giải thích.
Anh Nam mang bức tranh Tổng Bí thư đến tưởng niệm ông. Ảnh: Võ Thạnh
Bức tranh vẽ chân dung Tổng Bí thư. Ảnh: Ngọc Thạnh
Trong trang phục màu đen, người dân đứng cách xa linh cữu khoảng 5 m chắp tay, nghiêng mình tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều bà, nhiều chị bật khóc, mắt đỏ hoe.
Người dân rơi nước mắt, chắp tay vào viếng. Ảnh: Giang Huy
Trong sân Nhà tang lễ, người dân xếp thành hàng lần lượt vào viếng. Ảnh: Giang Huy
Quang cảnh trong Nhà tang lễ quốc gia khi người dân vào viếng. Ảnh: Giang Huy
Tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, dòng người đổ về nhà văn hóa viếng Tổng Bí thư, kéo dài khoảng một km từ cổng làng đi qua nhà riêng của ông đến đình làng. Các nhà ven đường dừng buôn bán, huy động hết quạt đặt trước cổng để làm mát cho người khắp nơi đến viếng.
Dòng người xếp hàng một km từ cổng làng tới nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội. Ảnh: Nguyễn Đông
Nhiều người khóc khi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Giang Huy
Ban tổ chức lễ tang mở cửa để người dân bắt đầu vào viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Các cửa quét mã QR được mở để kiểm tra an ninh trước khi người dân vào Nhà tang lễ.
Người dân bắt đầu vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Phạm Chiểu
Hàng dài người mang thẻ căn cước hoặc điện thoại có cài đặt ứng dụng VNeID để vào khu vực Nhà tang lễ. Ảnh: Phạm Chiểu
Người đàn ông mất một chân ở Quảng Ngãi được hỗ trợ quét mã QR ở phố Trần Hưng Đạo. Ảnh: Võ Thạnh
Cảnh sát cùng tình nguyện viên hỗ trợ người dân quét mã QR. Ảnh: Phạm Chiểu
Những đoàn người dân đầu tiên vào tiễn biệt Tổng Bí thư trong Nhà tang lễ quốc gia. Ảnh: Giang Huy
Quanh Nhà tang lễ quốc gia, Ban tổ chức tang lễ bố trí 5 điểm để người dân chờ vào viếng Tổng Bí thư là ngã tư Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc - Yec Xanh, Lê Quý Đôn - Nguyên Cao, Trần Khánh Dư - Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo - Tăng Bạt Hổ. Dự kiến từ 18h, Ban tổ chức bắt đầu mở cửa kiểm soát căn cước công dân, cho người dân vào viếng.
Đại diện Đoàn thanh niên mang theo di ảnh Tổng Bí thư chờ đến giờ viếng. Ảnh: Võ Thạnh
Đoàn 14 người ở TP Thanh Hóa đến Hà Nội từ 7h sáng để vào viếng Tổng Bí thư ở Nhà tang lễ quốc gia, song chưa được nên di chuyển sang quê ông ở làng Lại Đà, xã Đông Hội. 13h, sau khi viếng ở quê nhà, đoàn trở về điểm Trần Khánh Dư - Trần Hưng Đạo xếp hàng chờ vào nhà tang lễ.
Trưởng đoàn Đoàn Thị Thanh Hương, 59 tuổi, cho biết dù đến đêm vẫn cố xếp hàng để vào khu tổ chức lễ tang, chạm tay vào linh cữu tưởng nhớ Tổng Bí thư.
Đoàn người ở Thanh Hóa ra viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Phạm Dự
Bà Hà Thị Chầm, quê Phú Thọ, xuống Hà Nội trước hai ngày để chờ vào viếng Tổng Bí thư. Chiều nay bà mua bó hoa cúc mang theo, ước nguyện được nhìn thấy Tổng Bí thư lần cuối.
Bà Hà Thị Chầm. Ảnh: Phạm Chiểu
Người dân xếp hàng trên phố Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ. Ảnh: Phạm Chiểu
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình dẫn đầu đoàn lãnh đạo Tập đoàn FPT và các công ty thành viên đến lễ viếng. Ảnh: Giang Huy
Gần một tiếng nữa mới đến giờ người dân vào Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, song các con phố xung quanh như Trần Hưng Đạo, Lò Đúc chật kín người xếp hàng chờ đợi. Họ chủ yếu là sinh viên, thanh niên, người dân vừa đi làm về.
Do người đổ về đúng lúc tan tầm, cảnh sát giao thông, bảo vệ dân phố phải tập trung điều tiết. Phía trong Nhà tang lễ, các đoàn trong và ngoài nước tiếp tục vào viếng Tổng Bí thư.
Di ảnh Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ quốc gia. Ảnh: Giang Huy
Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ quốc gia. Ảnh: Giang Huy
Người dân đổ về phố Trần Hưng Đạo chờ viếng ngày càng đông. Ảnh: Võ Thạnh
Dòng người xếp hàng chờ viếng. Ảnh: Võ Thạnh
Trên phố Trần Khánh Dư giao với Nguyễn Huy Tự đoàn người chờ viếng xếp hàng dài khoảng 500 m từ hai hướng. Ảnh: Gia Chính
Trên phố Trần Khánh Dư giao với Nguyễn Huy Tự đoàn người chờ viếng xếp hàng dài khoảng 500 m từ hai hướng. Ảnh: Gia Chính
Người dân xếp hàng nối dài trên phố Hàn Thuyên giao với Trần Hưng Đạo chờ đến giờ vào nhà tang lễ viếng Tổng bí thư. Ảnh: Võ Thạnh
Sân bay Nội Bài chiếu bộ phim "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ và mẫu mực" tại màn hình cỡ lớn. Tại nhiều vị trí trang trọng, nhà ga treo bức ảnh Tổng Bí thư mỉm cười vẫy tay chào.
Hình ảnh Tổng Bí thư tại khu vực nhà ga quốc tế T2. Ảnh: NIA
Hình ảnh Tổng Bí thư tại các vị trí trang trọng. Ảnh: NIA
Trong hai ngày, các ga đường sắt trên cả nước đều treo cờ rủ và chiếu phim tài liệu về cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để tưởng nhớ ông.
Ga Sài Gòn chiếu phim tài liệu về Tổng Bí thư. Ảnh: VNR
Người dân đội nắng, đội mưa viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Video: Huy Mạnh - Văn Ngọc - Lê Bá
Di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà. Ảnh: Phạm Dự
Đoàn cựu chiến binh viếng Tổng Bí thư ở thôn Lại Đà. Ảnh: Phạm Dự
Người dân xếp hàng vào viếng. Ảnh: Nguyễn Đông
Anh Nguyễn Văn Hai, hàng đầu, quê Thái Bình cùng người bạn cầm hai bó hoa sen đến viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Nguyễn Đông
Các chị em trong Câu lạc bộ Trống ở Bắc Ninh may đồng phục có cài hoa trắng lên ngực vào viếng Tổng Bí thư tại Đông Hội. Ảnh: Nguyễn Đông
Hai tiếng nữa mới tới giờ vào viếng, song trên phố Lò Đúc, hàng trăm người đã đứng xếp hàng chờ sẵn. Ảnh: Phạm Chiểu
Điểm quét mã QR kiểm tra an ninh trước khi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia. Ảnh: Phạm Chiểu
Cầu thủ Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Tùng xếp hàng cùng dòng người vào viếng Tổng Bí thư ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Đông
Cầu Thủ Quang Hải và Duy Mạnh đều ở cùng quê hương Đông Anh với Tổng Bí thư. Ảnh: Nguyễn Đông
Cầu thủ Quang Hải viết sổ tang tưởng nhớ Tổng Bí thư. Ảnh: Nguyễn Đông
Dòng chữ của cầu thủ Quang Hải trong sổ tang. Ảnh: Nguyễn Đông
Đoàn lãnh đạo cấp cao Lào do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith dẫn đầu, tham dự lễ viếng và lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội.
Trước đó, Chính phủ Lào thông báo sẽ tổ chức quốc tang ngày 25-26/7 để tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn quốc treo cờ rủ và dừng các hoạt động vui chơi.
Lãnh đạo Lào ngày 19/7 đã gửi điện chia buồn, bày tỏ "lòng tiếc thương vô hạn" khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Trong bức điện, lãnh đạo Lào ca ngợi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến hết tâm sức và trí tuệ cho các công tác quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, đưa Việt Nam không ngừng phát triển, vị thế được nâng cao rõ rệt trên trường quốc tế và khu vực.
Đoàn lãnh đạo cấp cao Lào do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith dẫn đầu. Ảnh: Giang Huy
Theo thông báo của Ban Tổ chức lễ tang, từ 18h chiều nay, người dân sẽ được vào viếng Tổng Bí thư tại Nhà tang lễ Quốc gia.
Trên phố Trần Hưng Đạo gần Nhà tang lễ, hàng trăm người đã xếp hàng từ sớm để chờ đợi vào viếng Tổng bí thư.
Người dân xếp hàng trên phố Trần Hưng Đạo chờ viếng Tổng bí thư. Ảnh: Võ Thạnh
Từ đầu giờ chiều, dòng người đổ về thôn Lại Đà ngày càng đông. Họ xếp thành hai hàng, dùng ô che cho đỡ nắng. Hội phụ nữ, đoàn thanh niên trong làng đã tiếp nước mát, quạt, che ô giảm nhiệt cho người vào viếng.
Xếp ở hàng đầu là các cựu chiến binh đến từ Bắc Giang, Hà Nội - những người từng là lính trận với huy chương, kỷ niệm chương treo trên ngực áo. Cựu binh Lại Văn Giai dẫn đầu 12 người, đi từ Bắc Giang lúc tờ mờ sáng, dự định viếng Tổng Bí thư xong thì buổi chiều về quê ngay để chuẩn bị hoạt động ngày thương binh liệt sĩ 27/7.
"Những ngày qua, chúng tôi thấy như đã mất đi một người thân, không tự tay thắp nén hương thì không yên dạ", ông Giai nói về lý do vượt 120 km xuống Thủ đô.
Người dân xếp hàng chờ viếng Tổng Bí thư tại quê nhà Đông Anh. Ảnh: Nguyễn Đông
Cựu chiến binh Lại Văn Giai cùng đoàn Bắc Giang đợi viếng. Ảnh: Nguyễn Đông
Bà Nguyễn Thị Lộc, 88 tuổi, chị họ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngồi xe lăn nhưng muốn ra làng xem người dân đến viếng em. Ảnh: Nguyễn Đông
Người dân thôn Lại Đà làm nước đường chanh đá mời khách thập phương đến viếng Tổng Bí thư. Ảnh: Nguyễn Đông
Người dân thôn Lại Đà tiếp nước cho khách đến viếng Tổng Bí thư. Video: Phạm Ngọc
Đoàn Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 3 vào viếng. Ảnh: Giang Huy
Đoàn Giáo hội Công giáo Việt Nam đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà tang lễ Quốc gia. Ảnh: Giang Huy
Đoàn Singapore đến Nhà tang lễ Quốc gia viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh "Nước Cộng hòa Singapore kính viếng".
Đoàn Singapore. Ảnh: Giang Huy
Ông Vương Hộ Ninh, Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Chính Hiệp Trung Quốc, với tư cách đặc phái viên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, dẫn đầu đoàn lãnh đạo Trung Quốc vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà tang lễ Quốc gia.
Ông Vương Hộ Ninh dẫn đầu đoàn Trung Quốc vào viếng. Ảnh: Giang Huy
Trước đó, ngày 19/7, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc gửi điện chia buồn. "Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc mất đi một người đồng chí tốt, anh em tốt, bạn bè tốt. Chúng tôi vô cùng thương tiếc gửi đến Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhà nước và nhân dân Việt Nam lời chia buồn sâu sắc nhất và lời thăm hỏi chân thành nhất", bức điện có đoạn.
Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc mô tả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đồng chí thân thiết và người bạn chân thành của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, đã kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa hai Đảng, hai nước Trung - Việt, kết nên tình hữu nghị sâu sắc với Đảng Cộng sản Trung Quốc và những người lãnh đạo Trung Quốc.
Đoàn Trung Quốc viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Video: Anh Phú
"Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng Tổng bí thư Tập Cận Bình nâng quan hệ Trung - Việt lên Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt không ngừng tiến lên phía trước. Đảng, nhà nước và nhân dân Trung Quốc sẽ mãi tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng sống mãi với chúng ta!", cơ quan này cho hay.
Chiều 20/7, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bí thư Ban Bí thư Thái Kỳ, Ngoại trưởng Vương Nghị, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Lưu Kiến Siêu, đã đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh viếng, chia buồn sâu sắc và ghi sổ tang khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. "Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng, lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, người bạn vĩ đại của nhân dân Trung Quốc", ông Tập ghi trong sổ tang.
Hàng nghìn người xếp hàng trước Hội trường Thống Nhất chờ đến lượt vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chiều 25/7. Ảnh: Thanh Tùng
Tại TP HCM, từ đầu giờ chiều hàng nghìn người thuộc nhiều đoàn thể, người dân thành phố và các tỉnh phía Nam chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù trước đó trời đổ mưa lớn, nhưng dòng người vẫn kiên nhẫn xếp hàng, nối dài chờ đến lượt đăng ký vào Hội trường Thống Nhất.
Ông Phạm Minh Ban (áo thun đen) cùng vợ xếp hàng chờ vào Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Thanh Tùng
Ông Phạm Minh Ban, 69 tuổi, nhà giáo về hưu cùng vợ Nguyễn Thị Minh đi từ Đà Lạt xuống viếng cố Tổng Bí thư. Ông cho biết đến TP HCM từ hôm qua để chiều nay xếp hàng vào viếng. "Những câu nói cuối đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gây cho tôi nhiều xúc động và luôn muốn tiếp tục thực hiện theo những lời của ông về danh dự và lẽ sống", ông Ban nói.
Giáo sư Harvey, Đại học Nguyễn Tất Thành, TP HCM, cho biết ông rất ngưỡng mộ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên khi hay tin có lễ truy điệu ông cùng đồng nghiệp đến viếng bày tỏ lòng kính mến. Ảnh: Thanh Tùng
Càng về chiều, lượng người xếp hàng chờ vào hội trường Thống Nhất càng đông. Dòng người dài hàng chục mét ai nấy đều với vẻ mặt trông ngóng, mong chờ đến lượt vào viếng Tổng Bí thư. Lực lượng an ninh tất bật điều tiết, hỗ trợ dòng người di chuyển.
Đoàn thể, người dân xếp hàng dài trước Hội trường Thống Nhất chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Video: Tuấn Việt
13h25 khu vực nhà tang lễ Quốc gia trên đường Trần Thánh Tông có mưa to kèm gió. Nhiều người dân chờ viếng Tổng Bí thư phải mặc áo mưa, che ô, đứng trú bên góc đường.
Cảnh sát làm nhiệm vụ dưới mưa. Ảnh: Gia Chính
Người dân đội mưa chờ viếng Tổng Bí thư gần Nhà tang lễ Quốc gia. Ảnh: Gia Chính
Hoa hậu Thùy Tiên, H'Hen Niê, vợ chồng diễn viên Midu, Đen Vâu đến viếng Tổng Bí thư ở TPHCM. Phẩm chất đạo đức và tấm gương sáng của ông mãi là nguồn cảm hứng và niềm tự hào cho các nghệ sĩ.
Nguồn: [Link nguồn]