Đổ xuống hơn 1.000 tỉ đồng, kênh Ba Bò vẫn ô nhiễm
Bình Dương điểm danh một số "nghi can" đầu độc kênh Ba Bò khiến dòng kênh này vừa hồi sinh đã ô nhiễm trở lại.
Chiều 6-10, tại Bình Dương, lãnh đạo tỉnh này và TP HCM đã ký kết kế hoạch mới nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò.
Nước kênh Ba Bò đen kịt sau những cơn mưa gần đây. Ảnh: Gia Minh
Tài liệu của cuộc họp cho thấy cách đây 9 năm, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) 2 địa phương này đã ký kết kế hoạch liên tịch và đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng để giải quyết nạn ô nhiễm kênh Ba Bò.
Theo báo cáo, sau khi 2 địa phương mạnh tay đầu tư thì chất lượng nước kênh Ba Bò và cảnh quan môi trường được cải thiện (hàm lượng ô nhiễm hữu cơ trên kênh giảm 80% so với năm 2008). Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, chất lượng nước kênh có dấu hiệu ô nhiễm trở lại. Kết quả quan trắc vào cuối năm 2016 cho thấy hàm lượng amoni vượt quy chuẩn 17-23 lần, hàm lượng COD vượt quy chuẩn 2,6-8,3 lần. Kết quả quan trắc nước kênh 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy chất lượng cũng chưa được cải thiện nhiều.
Theo Sở TN-MT tỉnh Bình Dương, nguyên nhân kênh Ba Bò ô nhiễm trở lại là do nhận trực tiếp nước thải chưa qua xử lý của 3 nguồn: từ các khu dân cư, khu tái định cư ở Thuận An, Dĩ An (khoảng 3.000 m3/ngày); từ các cơ sở may mặc, bao bì, gốm mỹ nghệ nằm xen trong khu dân cư thuộc địa bàn phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An (khoảng 500 m3/ngày) và nguồn xả lén từ một số doanh nghiệp (DN) trong KCN Sóng Thần 1, Sóng Thần 2.
Báo cáo của Sở TN-MT Bình Dương cho biết cơ quan chức năng của tỉnh này đã lên kế hoạch và kiểm tra được 4 DN nghi xả lén nước thải chưa qua xử lý ra cống thoát nước mưa.
Nguồn: [Link nguồn]
Được đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng những công trình như: Kênh Bắc, hào thành cổ, hồ điều hoà… ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An) vẫn trở thành “điểm đen” về ô nhiễm