Đô thị Huế thay đổi sau 100 năm
TP Huế - Từng là Kinh đô dưới triều Nguyễn, sau 100 năm Huế đã "lột xác", thêm nhiều đường lớn, đồng ruộng thay thế bằng nhà cửa, không còn xóm vạn đò trên sông.
Kinh thành Huế nhìn từ trên cao những năm 1920-1930. So với thời nhà Nguyễn (1802-1945), đến nay một số công trình kiến trúc trong kinh thành xưa như điện Cần Chánh, cung Khôn Thái, Đại Cung môn đã không còn. Nhà cửa của người dân trong nội thành dày đặc, nhiều tuyến phố được xây dựng.
Khu vực phía tây của kinh thành Huế xưa kia là đồng ruộng, nơi vua triều Nguyễn làm lễ tịch điền, tế đàn Tiên Nông. Ngày nay, khu vực này đã trở thành đô thị, san sát nhà cửa.
Trường Tiền, cầu đầu tiên bắc qua sông Hương, kế bên kinh thành Huế là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây với kết cấu thép.
Sau 100 năm, cảnh quan hai bờ sông Hương đã thay đổi, kế bên cầu Trường Tiền còn có cầu Phú Xuân. Hai bên bờ sông Hương xưa là những bãi bồi trồng lúa, rau màu, chăn thả trâu, nay là đường, cầu đi bộ bằng gỗ lim, khách sạn, nhà cao tầng.
Chợ Đông Ba nằm bên bờ sông Hương là chợ lớn nhất của Thừa Thiên Huế, được vua Gia Long xây dựng ở bên ngoài cửa Chánh Đông. Năm 1899, vua Thành Thái cho dời chợ về vị trí hiện nay.
Trải qua thời gian, chợ Đông Ba đã nhiều lần tu sửa. Chợ rộng 47.614 m2 từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền, một mặt là sông Hương, một mặt là phố Trần Hưng Đạo.
Sông Đông Ba từng là nơi sinh sống của hàng nghìn hộ dân vạn đò. Để chỉnh trang đô thị và ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân, Thừa Thiên Huế đã đưa dân vạn đò lên bờ, tái định cư trên đất liền ở phường Phú Hiệp, Phú Hậu, xã Phú Mậu và phường Hương Sơ.
Ngày nay, sông không còn cư dân vạn đò sinh sống, TP Huế thường tổ chức đua thuyền trên sông.
Sân vận động Tự Do nằm ở bờ nam sông Hương giữa trung tâm TP Huế được xây dựng vào năm 1934 thời vua Bảo Đại. Sân này ban đầu được người Pháp gọi là sân vận động Olympic Huế, sau đó đặt theo tên hoàng tử Bảo Long.
Sau cách mạng tháng Tám, sân được đổi tên là Tự Do. Đây là sân vận động đầu tiên và duy nhất của Việt Nam cũng như Đông Dương có hệ thống lòng chảo dành cho đua xe đạp và môtô bằng bêtông. Nhiều giải đua xe đạp lòng chảo, đua xe môtô được tổ chức tại đây.
Xưa kia, khu vực xung quanh sân Tự Do là đồng ruộng. Ngày nay, đây là trung tâm của TP Huế với nhiều tuyến đường lớn như Lê Quý Đôn, Bà Triệu. Nhiều khu dân cư, nhà cao tầng, khách sạn được xây dựng khu vực này.
Đường Trần Hưng Đạo bên dòng sông Hương xưa kia là đại lộ Paul Bert dưới thời Pháp thuộc. Ngày nay, tuyến đường có 6-8 làn xe, là tuyến đường chính ở bờ bắc sông Hương.
Khu vực phường Vỹ Dạ, phường Thủy Vân bên dòng sông Như Ý xưa thưa thớt nhà cửa, đồng ruộng cò bay thẳng cánh. Ngày nay, khu vực này đã đô thị hóa, nhiều khu dân cư hình thành.
Sông An Cựu, còn gọi là sông Lợi Nông chảy qua phường Vĩnh Ninh, Phước Vĩnh, An Cựu, An Đông được đào năm 1814 dưới thời vua Gia Long. Dưới triều Nguyễn, con sông giúp thuận tiện đi lại, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.
Xưa kia, khu vực sông có nhiều hộ dân vạn đò sinh sống. Ngày nay, sông An Cựu được đầu tư xây dựng hệ thống kè đá, trồng cây xanh hai bên sông. Hai bên sông xưa kia là đồng ruộng được thay thế bằng các nhà cao tầng, khu dân cư.
Khu vực nhà thờ Chính tòa Phủ Cam xưa kia được bao bọc bởi rừng cây, rất ít nhà dân. Ngày nay, quanh nhà thờ dày đặc nhà cửa, nhiều tuyến đường được đầu tư, mở rộng.
Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc phường Phước Vĩnh, TP Huế. Đây là một trong những nhà thờ lớn, nổi tiếng và lâu đời tại Huế.
Trường Quốc học rộng hơn 10.000 m2 nằm bên bờ sông Hương được thành lập ngày 23/10/1896. Đây là trường Pháp - Việt chính yếu của toàn xứ Đông Dương. Lúc mới thành lập, trường chỉ là những dãy nhà tranh vốn là trại lính thủy quân được cải tạo lại. Tường rào phía trước mặt trường được xây bằng gạch đỏ sậm. Năm 1915, trường Quốc học được xây dựng lại, những dãy nhà tranh được phá bỏ thay thế vào đó là hai dãy nhà lầu xây gạch, lợp ngói kiên cố theo kiểu Tây Âu.
Hơn 120 năm thành lập, trường Quốc học vẫn giữ được kiến trúc xưa với không gian nhiều cây xanh, kiến trúc cổ kính, thu hút nhiều khách du lịch tìm đến tham quan vào dịp hè.
Khu vực bờ nam sông Hương được xem là đô thị hiện đại của TP Huế. So với trước đây, hạ tầng khu vực này đã ổn định với nhiều công trình hiện đại, bao gồm các trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế, thương mại, dịch vụ du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Huế.
Dự kiến năm 2025, sau khi lên thành phố trực thuộc trung ương, TP Huế được chia tách thành hai quận Phú Xuân và Thuận Hóa. Diện mạo Huế vì thế sẽ còn thay đổi.
Sau 70 năm giải phóng, Hà Nội xây dựng được sân bay Nội Bài, hai tuyến đường sắt đô thị, nhiều tuyến vành đai, trục hướng tâm và cao tốc kết nối với...
Nguồn: [Link nguồn]