Đô thị di sản Hoa Lư sau sáp nhập
Ninh Bình - Sau sáp nhập nguyên trạng huyện Hoa Lư vào TP Ninh Bình, thủ phủ của tỉnh Ninh Bình sẽ tăng hơn ba lần diện tích tự nhiên, sở hữu hàng loạt di sản nổi tiếng như cố đô Hoa Lư, Tràng An, Tam Cốc - Bích Động...
TP Hoa Lư sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2025 sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án sáp nhập huyện Hoa Lư với TP Ninh Bình để thành lập đơn vị hành chính mới. Vùng lõi cố đô Hoa Lư có quần thể núi Trường Yên, lăng mộ, đền thờ Đinh Tiên Hoàng.
Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Việt Nam dưới thời phong kiến, tồn tại trong giai đoạn 968-1010 với ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, trước khi vua Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long.
Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không đóng đô ở Hoa Lư nữa vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền chùa, lăng phủ...
Chùa Nhất Trụ còn được gọi là chùa Một Cột, vốn là ngôi chùa cổ thời Tiền Lê, nằm trong khu di tích cố đô Hoa Lư, nơi vốn được bảo tồn đặc biệt. Theo tài liệu lưu giữ tại chùa, vua Lê Đại Hành - Lê Hoàn (941-1005) với lòng thành kính đạo Phật đã cho xây dựng công trình để cầu quốc thái dân an, triều đình vững mạnh. Ngôi chùa hiện lưu giữ cột kinh Phật bằng đá nổi tiếng, đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2015.
Bến thuyền Tràng An, một trong những khu vực sau sáp nhập sẽ thuộc TP Hoa Lư.
TP Hoa Lư với những thế mạnh hiện có sẽ được xây dựng theo định hướng đô thị di sản dựa trên các giá trị về tự nhiên, sinh thái, văn hóa lịch sử. Tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu hoàn thiện các tiêu chí để đơn vị hành chính mới sau sáp nhập được công nhận là đô thị loại một trực thuộc tỉnh, có vị thế trung tâm du lịch vùng và quốc gia.
Quần thể danh thắng Tràng An rộng hơn 6.200 ha, chủ yếu thuộc địa giới hành chính hai xã Trường Yên và Ninh Hải, huyện Hoa Lư, được UNESCO công nhận là Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014. Ảnh: Giang Huy
Cách TP Ninh Bình khoảng 7 km, Tam Cốc - Bích Động thuộc quần thể danh thắng Tràng An với hệ thống hang động, núi non hùng vĩ, uốn lượn phía dưới là những dòng sông rất đẹp. Du khách yêu thích ngắm cảnh Tam Cốc - Bích Động nhất là vào mùa hè, khi những thửa ruộng lúa chín vàng trải dài bên dòng sông Ngô Đồng.
Quần thể chùa Bích Động nằm sâu trong thung lũng núi đá vôi ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư.
Được xây dựng vào năm 1428, ban đầu chỉ là ngôi chùa nhỏ ở trên đỉnh núi cao và mang tên Bạch ngọc thạch sơn đồng - ngôi chùa bằng đá đẹp và trong trắng như ngọc ở chốn thâm sơn cùng cốc. Chùa được xây dựng năm 1428 dưới thời Hậu Lê, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2012.
Bến thuyền Tam Cốc - Bích Động cũng được chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tư kiến thiết với hệ thống điểm vui chơi giải trí và những cơ sở nghỉ dưỡng đạt chuẩn quốc tế.
Mỗi năm Ninh Bình đón khoảng 6-8 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, đa phần sẽ đến lưu trú và tham quan danh thắng Tràng An.
Thành phố thành lập trên cơ sở nhập nguyên trạng toàn bộ diện tích hơn 103 km2, dân số khoảng 83.600 của huyện Hoa Lư và hơn 46,7 km2 diện tích tự nhiên, dân số gần 154.600 của TP Ninh Bình hiện nay. Thành phố Hoa Lư tới đây sẽ có diện tích tự nhiên hơn 150 km2, dân số hơn 238.000.
Ảnh trên là cổng tam quan trên con đường trung tâm thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, ngay cạnh là trụ sở HĐND, UBND huyện Hoa Lư. Theo phương án sau sáp nhập, công sở UBND huyện Hoa Lư hiện nay sẽ là nơi làm việc của khối chính quyền thành phố mới, còn các khối Đảng, đoàn thể sẽ hoạt động tại trụ sở Thành ủy, UBND TP Ninh Bình cũ. Hai khối cơ quan này cách nhau hơn 3 km.
Tuyến đường Trần Hưng Đạo chạy xuyên qua trung tâm TP Ninh Bình, kéo dài đến thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư. Con phố này vốn là đường 1 cũ nên tập trung nhiều đơn vị hành chính của tỉnh Ninh Bình và các cơ sở kinh doanh buôn bán sầm uất.
Sau sắp xếp, TP Hoa Lư sẽ có 20 đơn vị hành chính cấp xã, với 12 phường: Bích Đào, Đông Thành, Nam Bình, Nam Thành, Ninh Giang, Ninh Khánh, Ninh Mỹ, Ninh Phong, Ninh Phúc, Ninh Sơn, Tân Thành, Vân Giang và 8 xã: Ninh An, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Khang, Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Vân, Trường Yên.
Nhà hát Phạm Thị Trân ở phường Thanh Bình. Phường này có mật độ dân cư đông đúc nhất thành phố, cũng là khu vực đang có nhiều công sở của chính quyền thành phố hiện nay.
Thị xã Ninh Bình được thành lập năm 1981, chia tách từ huyện Hoa Lư, là đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh cũ. Năm 1992, khi tỉnh Ninh Bình được tái lập, thị xã Ninh Bình là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh. Từ năm 1982 đến nay, thị xã Ninh Bình đã ba lần được mở rộng địa giới hành chính khi sáp nhập một số xã của huyện Hoa Lư.
Tháng 12/2001, thị xã Ninh Bình được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh. Hiện thành phố rộng hơn 48 km2, dân số hơn 120.000, sinh sống ở 11 phường và 3 xã.
TP Ninh Bình khu vực tiếp giáp với tỉnh Nam Định, nơi ngăn cách bởi dòng sông Đáy.
Địa giới hành chính TP Hoa Lư sắp tới sẽ giáp huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình và huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định ở phía Đông, phía Tây giáp huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan, phía Nam giáp huyện Yên Mô và TP Tam Điệp, còn phía Bắc sẽ giáp huyện Gia Viễn và huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.
TP Ninh Bình có hệ thống giao thông đa dạng, với các loại hình chính là đường bộ, đường sắt và đường thủy. Trong ảnh là cao tốc Bắc Nam đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 qua TP Ninh Bình.
Sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án sáp nhập huyện Hoa Lư với TP Ninh Bình để thành lập TP Hoa Lư.
Nguồn: [Link nguồn]
-24/12/2024 00:00 AM (GMT+7)