Đổ tháp truyền hình: Hệ quả của nhiều sai lầm

Tháp ăngten của Đài phát thanh và truyền hình Nam Định bị gãy đổ xuất phát từ nhiều lỗi trong quá trình thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm kỹ thuật PT-TH Nam Định.

Điều này cũng được các chuyên gia của Bộ Xây dựng nghi vấn trong đợt làm việc tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến sự cố này. Ngày 1/11, các chuyên gia Malaysia đã tìm hiểu nguyên nhân sự cố.

Đầu bài không rõ ràng

Dự án được lập vào thời điểm nghị định 52/1999/NĐ-CP về quy chế quản lý đầu tư và xây dựng có hiệu lực nên thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt (cụ thể dự án trên là dự án nhóm B: chủ tịch UBND tỉnh có thể giao sở xây dựng hoặc sở có công trình xây dựng chuyên ngành đứng ra thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật). Còn thiết kế bản vẽ thi công (là thiết kế đưa ra tổ chức đấu thầu, trên cơ sở đó nhà thầu đứng ra chế tạo, xây dựng) thì chủ đầu tư phải thẩm định và phê duyệt.

Khi thiết kế được thẩm định và phê duyệt, chủ đầu tư mới lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà thầu sản xuất, chế tạo, lắp dựng cột. Ở công trình tháp truyền hình Nam Định, chủ đầu tư không coi tháp ăngten - công trình thành phần của dự án - là một hạng mục công trình xây dựng mà coi là một thiết bị và tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hóa. Theo chuyên gia này, đây phải là gói thầu xây lắp chứ không thể coi là gói thầu mua sắm hàng hóa/thiết bị.

Trong khi đó, theo hợp đồng kinh tế giữa Đài PT-TH Nam Định và Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC thì chủng loại vật tư, vật liệu chế tạo tháp không rõ ràng, các tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể không được đưa ra. Như vậy, đầu bài mà bên mua đặt ra là không rõ ràng: thiết kế không có, chỉ dẫn kỹ thuật, hồ sơ đơn đặt hàng không có.

Đổ tháp truyền hình: Hệ quả của nhiều sai lầm - 1

Ngọn tháp truyền hình Nam Định đổ sập vắt ngang đường - Ảnh: Việt Dũng

Thi công chỉ theo bản vẽ lắp đặt

Tại dự án Trung tâm kỹ thuật PT-TH tỉnh Nam Định, Sở Xây dựng Nam Định đã thực hiện thẩm định thiết kế bản vẽ thi công móng tháp ăngten trên cơ sở tải trọng do nhà thầu thiết kế móng cung cấp, không thẩm định thiết kế tháp ăngten. Thực tế, nếu Sở Xây dựng có muốn cũng không thể thẩm định được sự phù hợp giữa thiết kế chế tạo này với thiết kế sơ bộ buộc phải có trong báo cáo nghiên cứu khả thi, vì chủ đầu tư đã không lập thiết kế sơ bộ mà chỉ có “kiểu dáng” của tháp.

Như vậy trong quá trình thực hiện dự án cho thấy việc lập và thẩm định gói thầu, hình thức đấu thầu trong kế hoạch đấu thầu không chặt chẽ. Với quan niệm tháp ăngten là thiết bị nên chủ đầu tư đã không thực hiện phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công tháp ăngten trước khi giao cho nhà thầu thi công xây dựng lắp dựng. Điều này cũng dẫn đến việc đơn vị thi công là Công ty cổ phần công trình Viettel và đơn vị giám sát thi công là Công ty TNHH một thành viên Kiểm định kỹ thuật, an toàn và tư vấn xây dựng chỉ được giao một bản vẽ lắp đặt để làm y chang như vậy.

Cũng theo một chuyên gia kiểm tra hiện trường tháp ăngten gãy đổ, ngoài những bulông bị đứt thì có rất nhiều bulông bị tuột êcu nhưng ren trên bulông và êcu vẫn nguyên chứ không bị cháy. Các chuyên gia nghi ngờ một số vấn đề như bulông không đủ cường độ, bulông bị kéo đứt khi cột đổ, bulông chưa được siết chặt đến lực siết yêu cầu, hoặc đã siết chặt nhưng bị lỏng dần do cột bị chuyển vị do tác động của gió và tuột ra khi gặp gió giật của cơn bão. Như vậy có thể nói tháp bị mất ổn định dẫn đến gãy đổ. Một vấn đề khác được đặt ra là việc sử dụng không đúng tải trọng thiết kế khi treo các thiết bị lên cột, có thể do treo quá nhiều, treo lệch tâm, không treo đối xứng qua trục đứng...

Chiều 1/11, ông Trần Anh Tú, giám đốc Đài PT-TH tỉnh Nam Định, cho biết chuyên gia của LeBLANC (Malaysia), nhà sản xuất tháp, đã có mặt khảo sát, đánh giá hiện trường vụ đổ tháp để có những biện pháp khắc phục.

Để làm rõ nguyên nhân gãy đổ tháp, tỉnh Nam Định đã thuê Công ty tư vấn Đại học Xây dựng xem xét đánh giá, lập hồ sơ sự cố và giúp xác định nguyên nhân, đưa ra giải pháp khắc phục. Ngày 1/11, Sở Xây dựng cũng đã làm việc với Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) để xin hướng dẫn điều tra, đánh giá nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Theo tiêu chuẩn VN về tải trọng và tác động - tiêu chuẩn thiết kế (TCVN 2737-1995) hiện hành, các công trình ở TP Nam Định phải thiết kế với cấp gió IV.B theo phân vùng áp lực gió. Nghĩa là lực gió tác dụng lên cột tối đa 155kg/cm2. Tính theo tốc độ gió, công trình tháp truyền hình phải chịu được áp lực gió gần 48,9m/giây (tương đương cấp 15).

Theo hợp đồng mua tháp ăngten mà Đài PT-TH Nam Định ký với Tổng công ty truyền thông đa phương tiện VTC, tháp ăngten được thiết kế chịu được tốc độ gió 120 km/giờ (tương đương với gió cấp 12 từ 32,7-36,9 m/giây hay 118-133 km/giờ). Còn thực tế cấp gió mạnh nhất mà Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương ghi nhận được tại TP Nam Định thời điểm tháp bị gãy đổ từ trạm khí tượng đặt cách tháp ăngten khoảng 400m là gió giật cấp 11 (28,5-32,6 m/giây).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Phùng - Minh Quang (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN