Đô đốc Mỹ: "Trung Quốc làm mất ổn định khu vực"
Đô đốc Harris cho rằng các hành động của Trung Quốc khiến các nước láng giềng phải lo ngại, làm gia tăng căng thẳng và làm mất ổn định khu vực.
Vào ngày 27.5 tới đây, Đô đốc Harry Harris sẽ trở thành tân Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ đóng ở Trân Châu Cảng, Hawaii, chịu trách nhiệm với toàn bộ các hoạt động quân sự của Mỹ tại khu vực rộng lớn từ California tới Ấn Độ Dương, từ Bắc Cực cho tới Nam Cực.
Là người Mỹ gốc Á (có bố là người Mỹ, mẹ là người Nhật) đầu tiên được thăng hàm Đô đốc trong Hải quân Mỹ, ông Harris nhậm chức chỉ huy Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương trong thời điểm rất quan trọng, khi Mỹ đang thực hiện chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á nhằm đối phó với những thách thức ngày càng lớn từ phía Trung Quốc.
Là người đã từng cảnh báo về việc Trung Quốc đang xây dựng “vạn lý trường thành bằng cát” trên Biển Đông, Đô đốc Harris đã có cuộc phỏng vấn với tờ Time về những quan ngại của ông đối với các hành động của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này.
Trong cuộc phỏng vấn, Đô đốc Harris bày tỏ sự quan ngại đặc biệt đối với những “hành động khiêu khích” của Trung Quốc trong thời gian gần đây, chẳng hạn như đơn phương thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông, đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, cũng như sự mập mờ đến phi lý trong tuyên bố chủ quyền bằng “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.
Ông nói: “Theo tôi, tất cả những hành động trên của Trung Quốc đều không phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Chúng khiến các nước láng giềng của Trung Quốc phải lo ngại, chúng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, và tôi cho rằng chúng đang làm mất ổn định khu vực”.
Đô đốc Harris khẳng định tự do hàng hải trên Biển Đông là “yếu tố rất quan trọng”, bởi đây là tuyến giao thương của khối hàng hóa trị giá 5 ngàn tỉ USD mỗi năm. Bởi vậy, ông Harris cho rằng những gì mà Trung Quốc đang làm ở Biển Đông hiện nay là “rất đáng lo ngại”.
Ông nói: “Họ đã tạo ra khoảng 2.000 hecta đất trên những hòn đảo nhân tạo đó, tương đương với 1.500 sân bóng đá, và nó tiếp tục phình to ra nữa. Họ cũng thực hiện các dự án xây dựng quy mô lớn trên các đảo nhân tạo mà theo tôi là để phục vụ mục đích quân sự, như các đường băng quân sự và hải cảng lớn”.
Khi được hỏi rằng Mỹ có thực sự muốn “tái cân bằng” sang châu Á hay không, ông Harris trả lời: “Chúng tôi đang tăng cường liên minh và đối tác an ninh khắp khu vực. Hải quân đã điều những phương tiện mới nhất, mạnh nhất đến khu vực này, như máy bay trinh sát P-8, tàu chiến đấu ven biển, tàu ngầm lớp Virginia và các tàu đổ bộ loại mới...”
Ông nói tiếp: “Hải quân Mỹ đặt mục tiêu di chuyển 60% lực lượng tới châu Á vào năm 2020, và đến nay chúng tôi đã đạt 55% tiến độ đối với các tàu nổi. Thế nên tôi có thể khẳng định rằng chiến lược tái cân bằng là thật chứ không phải là ‘võ mồm’.”
Khi được hỏi liệu gốc gác Nhật Bản của ông có khiến Trung Quốc không hài lòng và gây khó khăn cho quá trình làm việc hay không, Đô đốc Harris trả lời: “Tôi chỉ là người mang nửa dòng máu Nhật Bản về mặt dân tộc, còn bảo vệ lợi ích của nước Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu của tôi”.
Ông nói tiếp: “Năm ngoái tôi đã được chào đón trọng thể ở Trung Quốc khi tới đó ký kết một thỏa thuận mới giữa hải quân 2 nước về cách thức liên lạc trong trường hợp chạm mặt bất ngờ trên biển... Tôi luôn cố gắng tin rằng phía Trung Quốc sẽ hành xử một cách có trách nhiệm, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như để tăng cường sự ổn định khu vực”.