Đô đốc Mỹ ngồi phi cơ trinh sát mới nhất tuần tra Biển Đông
Tân Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift có mặt trên chiếc P-8A Poiseidon, một trong những máy bay trinh sát mới nhất của Mỹ trong chuyến bay giám sát Biển Đông kéo dài 7 giờ cuối tuần qua.
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift nhìn ra cửa sổ khi ngồi trên phi cơ trinh sát P-8A Poiseidon tuần tra Biển Đông
Theo hãng tin AP, Hạm đội Thái Bình Dương cho biết, ông Swift đã trực tiếp tham gia chuyến bay tuần tra vào ngày thứ Bảy (18.7) để kiểm tra các khả năng của loại máy bay do thám mới nhất này của Mỹ.
Một hình ảnh được đăng tải trên website của Hạm đội cho thấy, Đô đốc Swift chăm chú theo dõi khi các sĩ quan Mỹ "trình diễn" các khả năng của chiếc máy bay trinh sát P-8A. Một hình ảnh khác cho thấy, ông đeo tai nghe có gắn micro, nhìn ra ngoài cửa sổ.
Theo ông Charlie Brown, một quan chức phụ trách quan hệ công chúng của Hải quân Mỹ, người cũng có mặt trên chuyến bay tuần tra, Đô đốc Swift đã tỏ ra "rất hài lòng với những khả năng của máy bay Poseidon". Tuy nhiên, ông Brown không tiết lộ thêm chi tiết về chuyến bay.
Tư lệnh Swift tham gia chuyến tuần tra Biển Đông ngay sau khi trở về từ chuyến thăm Philippines và gặp gỡ các quan chức quân sự nước này. Sau đó ông tới thăm Hàn Quốc vào cuối tuần và dự kiến thăm Nhật Bản trước khi trở về Hawaii, Mỹ - nơi đặt "tổng hành dinh" của Hạm đội Thái Bình Dương. Ông Swift được bổ nhiệm làm Tư lệnh của Hạm đội vào hồi tháng 5 mới đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin đã hoan nghênh chuyến bay của Tư lệnh Swift và cho rằng điều đó thể hiện các cam kết hỗ trợ nước này trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc của Mỹ.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với các phóng viên tại Manila vào thứ Sáu (hôm 17.7), Đô đốc Swift nhấn mạnh rằng, Hải quân Mỹ được trang bị tốt và sẵn sàng phản ứng với bất cứ tình huống bất ngờ nào ở Biển Đông.
Theo ông, Mỹ vẫn giữ nguyên lập trường trung lập, không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ nhưng phản đối hành động hăm dọa và sử dụng vũ lực đồng thời sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giúp đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông.
Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam và Philippines.
Bắc Kinh cũng nhiều lần lên tiếng yêu cầu Mỹ đứng ngoài các tranh chấp và nhận được đáp trả kiên quyết từ Washington rằng, vì lợi ích quốc gia, Mỹ sẽ tiếp tục nỗ lực để đảm bảo tự do hàng hải trong vùng biển tranh chấp đồng thời khuyến khích các bên giải quyết xung đột một cách hòa bình.