ĐIỀU TRA: Luật ngầm xung quanh chợ Long Thành

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Báo Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi, phối hợp với Công an huyện Long Thành (Đồng Nai) làm rõ hành vi của đối tượng bảo kê. Hiện Công an Long Thành đang tiếp tục đấu tranh làm rõ để xử lý theo pháp luật.

Xung quanh chợ Long Thành ở thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai có rất đông người bán hàng bằng xe lôi, ba gác máy. Họ phải đóng tiền hằng tháng cho một nam thanh niên. Người này cũng hành nghề chạy xe lôi bán rau củ quả ở đây.

Hàng chục xe xung quanh chợ bị “làm luật” với giá từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng cho mỗi xe và “nếu không đóng, xe sẽ bị bắt” - như lời thanh niên này nói.

Chợ mới Long Thành giáp mặt tiền hai đường lớn là Quốc lộ 51 và Lê Duẩn (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai), tập trung rất đông tiểu thương.

Xung quanh chợ Long Thành, tỉnh Đồng Nai có rất nhiều người bán hàng bằng xe lôi, xe ba gác phải đóng tiền “làm luật” hằng tháng. Ảnh trong bài: MINH TRÍ - MINH HẬU

Xung quanh chợ Long Thành, tỉnh Đồng Nai có rất nhiều người bán hàng bằng xe lôi, xe ba gác phải đóng tiền “làm luật” hằng tháng. Ảnh trong bài: MINH TRÍ - MINH HẬU

Xung quanh chợ, dù bị cấm nhưng có rất đông người chạy xe ba gác, xe lôi bán các mặt hàng như rau củ, trái cây… và họ bị lực lượng chức năng đẩy đuổi, thu xe nhưng nếu nộp tiền thì mọi chuyện sẽ yên.

Họp chợ bên ngoài chợ Long Thành

Ngày 15-9, chúng tôi đẩy xe rau ở khu vực cửa Tây số 5, chợ mới Long Thành đi bán. Lúc này có rất đông người bán các mặt hàng rau củ quả, trái cây ở lòng đường quanh chợ.

Cận cảnh Ninh thu tiền của các tiểu thương.

Cận cảnh Ninh thu tiền của các tiểu thương.

Đến khoảng 8 giờ, gần chục người mặc trang phục bảo vệ chợ đi đẩy đuổi, phát loa thông báo người dân không được tập trung buôn bán. Có người nán lại thì các bảo vệ tới tận nơi, yêu cầu di chuyển vì bán hàng ở khu vực cấm. “Trường hợp có ai chống đối thì họ sẽ mời thêm lực lượng tới để xử lý, xử phạt” - ông Hoàng, một tiểu thương bán ở chợ, cho hay.

Trong các ngày ghi nhận ở chợ, chúng tôi phát hiện lực lượng chức năng đi làm nhiệm vụ đẩy đuổi hàng rong, xử lý việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường quanh chợ.

ĐIỀU TRA: Luật ngầm xung quanh chợ Long Thành - 3

Dù có lực lượng giữ trật tự nhưng ông Hoàng tiết lộ: Muốn yên thân bán hàng rong phải biết “làm luật”. Nếu là xe đẩy thì ít nhất 500.000 đồng còn xe ba gác, xe móc lôi tự chế là 1,5 triệu đồng mỗi tháng.

Một số người họp chợ mà không sử dụng xe lôi, xe ba gác, xe tải chỉ có thể buôn bán trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 8 giờ hằng ngày và chợ sẽ thu một khoản phí để những người này kinh doanh. Quá khung giờ trên, những người này sẽ bị đẩy đuổi, không được phép buôn bán. Tuy nhiên, thực tế thì việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường vẫn diễn ra đến trưa.

Thu 1,5 triệu đồng giữa ban ngày

Còn một tiểu thương khác chạy xe lôi buôn bán quanh chợ khẳng định: Phải đóng tiền hằng tháng mới yên thân. “Chúng tôi phải đóng tiền cho nam thanh niên có nhiều hình xăm tên Ninh, mỗi tháng 1,5 triệu đồng”.

ĐIỀU TRA: Luật ngầm xung quanh chợ Long Thành - 4

Khoảng 9 giờ sáng 15-9, một nam thanh niên chạy xe máy xuất hiện. Lúc này, một tiểu thương kéo xe lôi đứng bán ở góc chợ, mặt giáp với đường Lê Duẩn, cười như mếu, gọi: “Ninh, Ninh ơi!”.

Nam thanh niên tên Ninh đi tới và người phụ nữ này đếm, đưa tiền cho Ninh. Người phụ nữ phân trần với người đứng bên cạnh: “Tới 15 Tây đóng tiếp, 1,5 triệu đồng luôn!”. Ninh lúc này vẫn ngậm điếu thuốc, không trả lời, tay thoăn thoắt kiểm đếm số tiền người phụ nữ đưa ra dưới sự chứng kiến của các tiểu thương khác. Sau đó Ninh nghe điện thoại rồi rời đi.

Kế đó, Ninh quay lại thu tiếp 1,5 triệu đồng của một người đàn ông chạy xe lôi, bán trái cây.

ĐIỀU TRA: Luật ngầm xung quanh chợ Long Thành - 5

Khoảng 9 giờ sáng 17-10, Ninh chạy xe máy chở thanh long đi bán lòng vòng ở khu vực chợ rồi tấp vào một góc chợ chỗ giáp đường Lê Duẩn. Lúc này, ông Hoàng - một tiểu thương chạy xe ba gác bán rau củ chuẩn bị sẵn 1,5 triệu đồng đưa cho Ninh…

“Tháng này anh bán đâu có bao nhiêu ngày, bớt tí đỉnh cho anh đi Ninh” - ông Hoàng kỳ kèo. Ninh hỏi: “Bán không bao nhiêu ngày hả?”. “Mày thấy rồi đó, ế thấy mẹ luôn” - ông Hoàng than thở.

“Bớt anh tí đỉnh đi, mày lấy nhiêu, anh đưa luôn” - ông Hoàng nói thì Ninh trả lời: “Đưa triệu hai”. Ông Hoàng đếm đủ 12 tờ 100.000 đồng rồi than tiếp: “Trời ơi, hết vốn rồi, cho tao mượn tiền góp 1 triệu đi Ninh. Ngày góp trăm rưỡi”.

Lúc này, một phụ nữ bán rau củ gần đó cũng tới đưa 1,5 triệu đồng, Ninh nhận rồi trả lời ông Hoàng: “Em làm gì có số tiền lớn như thế”. Người phụ nữ đếm 500.000 đồng đưa cho Ninh rồi hỏi: “Đủ chưa, đủ 500 chưa”. Ninh vờ đếm, nói “400”… rồi cười hề hề.

Đã bán ở đây thì phải đóng tiền!

"Tình trạng thu tiền của người bán hàng quanh chợ bắt đầu từ đợt dịch. Nếu không đóng là bị bắt xe liền. Bán chậm, thu không đủ đóng thì đi nơi khác bán. Đã bán ở đây là phải đóng tiền. Tôi ngày nào cũng phải ra đây bán. Có xin cũng không được", một phụ nữ bán quần áo nhiều năm ở chợ Long Thành nói.

Trong lúc đếm tiền thì người phụ nữ làm rớt tờ 500.000 đồng. Ninh quờ tay tính lấy thì người phụ nữ chửi đùa: “… Tau dụt mày bây giờ”. Kế người phụ nữ đưa thêm hai tờ 500.000 đồng rồi ra vẻ xởi lởi, Ninh cũng toét miệng cười.

Ông Hoàng tâm sự: Tháng rồi bán không được bao nhiêu, tính tiền thì vừa đủ đóng...

Ninh đứng dậy, nhét xấp tiền vô túi, vén áo để lộ hình xăm, nói: “Ráng ra bán, mỗi ngày cũng được vài trăm ngàn chứ ở nhà cũng không làm gì”, rồi rời đi.

Ông Hoàng quay qua người phụ nữ than thở: “Nó lấy anh triệu hai. Anh nói trong tháng bán có mấy ngày nên nó bớt 300”. Người phụ nữ quay qua trách: “Sao anh không nói bớt em”. Ông Hoàng nói: “Em ngày nào cũng ra đây trên từng cây số đâu phải như anh”.

Bán ế, ông Hoàng dời chỗ bán và giải thích với người cùng cảnh bên cạnh: “Dời chỗ bán thôi, nãy giờ bán ế quá, từ sáng mà được 30.000 đồng”.

Ông Hoàng nói rằng mai mốt mình sẽ không bán, nhường chiếc xe cho người cháu ra bán thay và ngỏ ý với Ninh rằng số tiền của mình đã đóng tháng này, nếu người cháu ra thay thì không phải đóng mới. Tuy nhiên, Ninh không chịu, yêu cầu nếu người mới ra thì phải đóng lại từ đầu.

Đến khoảng 10 giờ, Ninh tiến lại một xe bán cam, người đàn ông đứng bán sau đó lôi ra một số tiền thì Ninh giật lấy nhưng người kia giành lại. Cả hai sau đó trao đổi gì đó rồi Ninh cầm tiền rời đi.

Việc Ninh thu tiền “làm luật” ở khu vực chợ như điều tự nhiên và các tiểu thương ở đây mặc nhiên chấp nhận vì không muốn bị thu xe, mất chỗ đứng bán...

(Kỳ sau: Giáp mặt thanh niên chạy xe lôi thu tiền bảo kê)

Báo Pháo Luật TP.HCM đã trao đổi, phối hợp với công an huyện Long Thành và chiều 20-11, chỉ sau nửa tiếng đồng hồ báo Pháp Luật TP.HCM đăng trailer về việc các tiểu thương ở chợ Long Thành, tỉnh Đồng Nai bị thu tiền “làm luật”, kẻ bảo kê này bị công an đưa về huyện làm việc.

Cụ thể, tại căn nhà Ninh thuê để làm nơi ở và tập kết xe lôi, xe kéo và các loại trái cây ở hẻm 208 đường Lý Thái Tổ, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, công an đã đưa Ninh lên xe về Công an huyện Long Thành.

Bước đầu, Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xác định người xuất hiện trong trailer mà báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải tên Hà Thọ Ninh (33 tuổi, quê huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

Công an đang tiếp tục làm rõ hành vi của người này.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất
VIDEO ĐIỀU TRA: Chiêu mộ “cò“ vào đường dây mua bán thận

Trong những ngày thâm nhập vào đường dây mua bán thận, chúng tôi được nhóm này lôi kéo tìm người bán thận, chỉ cách “luồn lách” để khỏi bị pháp luật sờ gáy.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MINH TRÍ - MINH HẬU ([Tên nguồn])
Người bán hàng rong bị "làm luật" Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN