Điều tra học thuê, thi mướn: Bộ GD&ĐT vào cuộc

Lên án hiện tượng học thuê, thi hộ ở bậc đại học, lãnh đạo Bộ Giáo dục – Đào tạo cho rằng có thể giao cơ quan chức năng xử lý hình sự nếu sự việc nghiêm trọng.

Khampha.vn vừa thực hiện loạt bài phóng sự điều tra nhập vai về hiện trượng sinh viên bỏ tiền thuê người học hộ, thi hộ đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Đáng chú ý là, hiện tượng tiêu cực này xảy ra ở nhiều trường đại học danh tiếng.

Điều tra học thuê, thi mướn: Bộ GD&ĐT vào cuộc - 1

Thứ trưởng Trần Quang Quý

Thứ trưởng Trần Quang Quý đã đưa ra quan điểm của Bộ Giáo dục & Đào tạo về sự việc này trong cuộc trao đổi với phóng viên.

Thưa ông, điều tra của chúng tôi về hiện tượng học thuê, thi hộ trong sinh viên cho thấy, nhiều sinh viên ở các trường đại học lớn không đi học mà bỏ 30-50 nghìn đồng để thuê người học hộ và bỏ 400 nghìn ra để thuê người khác thi hộ. Nghĩa là, họ chỉ cần bỏ ra một đến 2 triệu đồng là đã có một môn học đạt điểm tốt? Quan điểm của Bộ GD & ĐT về vấn đề này thế nào?

Thứ trưởng Trần Quang Quý: Qua báo chí và các nguồn phản ánh khác, chúng tôi thấy có hiện tượng sinh viên nhờ người khác học hộ, thi hộ. Chúng tôi cho rằng đây là hành động đáng lên án.

Nhờ người học hộ, thi hộ nghĩa là vay mượn kiến thức của người khác để tiến thân. Hành động này có thể so sánh giống như “ăn cắp để tiến thân”. Trong suốt cuộc đời người đó như mang bên mình “án treo”, sau này bị tố cáo, điều tra phát hiện ra thì coi như sự nghiệp tan vỡ. Như vậy cuộc đời của người đó không bao giờ thanh thản.

Ngoài ra, người bỏ tiền thuê người khác thi hộ, học hộ nghĩa là không có kiến thức, sau này có thể tốt nghệp ra trường nhưng sẽ không làm được việc. Chúng tôi khuyên các bạn sinh viên không nên có hành động nhờ người học hộ, thi hộ.

Bộ GD&ĐT sẽ xử lý hành động học hộ, thi hộ như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Quang Quý: Trong các quy chế về học sinh, sinh viên của Bộ GD & ĐT nêu rõ: Học sinh, sinh viên học hộ hay nhờ người khác học hộ sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học.

Những người thi, kiểm tra hộ, hoặc nhờ làm hộ, sao chép tiểu luận khóa luận sẽ bị đình chỉ 1 năm học nếu vi phạm một lần, buộc thôi học nếu tái phạm. Nếu tổ chức học hộ, thi hộ, làm hộ khóa luận tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học, trường hợp nghiêm trọng có thể giao cho cơ quan chức năng xử lý hình sự.

Điều tra học thuê, thi mướn: Bộ GD&ĐT vào cuộc - 2

Sinh viên N.T.T và bạn gái (bên trái) thuê người thi hộ môn Đồ họa kỹ thuật cơ bản (Ảnh chụp tại căng tin Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngày 13/3)

Các chuyên gia về giáo dục đào tạo cho rằng, học theo hình thức tín chỉ là học theo chương trình của từng cá nhân, nên ngay trong một lớp, có thể sinh viên không biết hết nhau. Sinh viên lợi dụng đặc điểm “không biết mặt nhau” này để có thể thuê người trà trộn vào lớp học hộ. Theo ông, đây có thể xem là nhược điểm chung của đào tạo tín chỉ?

Thứ trưởng Trần Quang Quý: Giáo dục hiện nay cần phải phát triển con người toàn diện, thậm chí rút ngắn thời gian học cho những bạn học giỏi... Có thể thấy, học theo hình thức tín chỉ phát huy được phẩm chất, năng lực của người học, làm người học rút ngắn thời gian học tập, nghĩa là làm ra được của cải xã hội nhiều hơn. Hình thức đào tạo tín chỉ có điểm mạnh như vậy.

Tuy nhiên, đào tạo theo tín chỉ cũng có nhược điểm, làm cho công tác quản lý sinh viên khó khăn. Ví dụ như tổ chức lớp học truyền thống bị phá vỡ, việc sinh hoạt đoàn, hội trong nhà trường khó khăn.

Khâu tổ chức quản lý hình thức học này còn có nhiều vấn đề cần được bàn bạc để có giải pháp tốt hơn. Về việc này, Trung ương Đoàn và các trường đại học đã tổ chức nhiều hội thảo, hoạt động, đưa sinh viên vào sinh hoạt tập thể, phát huy năng lực tốt hơn...

Điều tra học thuê, thi mướn: Bộ GD&ĐT vào cuộc - 3

Sinh viên N.T.H rao trên mạng xã hội tìm người đi thi hộ.

Qua tổng hợp ý kiến sinh viên, chúng tôi nhận thấy, một nguyên nhân sinh viên không muốn đến trường là vì“học nhầm lớp”. Vào học ngành mình không yêu thích, đi học nhưng không biết có tương lai sáng sủa không, có việc làm và làm đúng chuyên ngành học không... Thứ trưởng có ý kiến gì về điều này?

Thứ trưởng Trần Quang Quý: Nhiều sinh viên ra trường không có công ăn việc làm, một trong những nguyên nhân xuất phát từ khâu lựa chọn đầu vào không đúng. Trong xã hội có ngành đang “hot” nhưng sau 3,4 năm khi sinh viên ra trường, ngành đó lại bão hòa, không cần lao động.

Do vậy, vấn đề tư vấn tuyển sinh có vai trò quan trọng để thông tin cho các em biết ngành nào đang dư thừa, đang thiếu. Thí dụ, Bộ GD & ĐT đang cảnh báo một số ngành đang dư thừa như ngành ngân hàng, tài chính, kinh doanh... Còn ngành kỹ thuật công nghệ, nông, lâm, ngư... đang thiếu. Hiện nay các trường đều có các phòng tư vấn tuyển sinh, tổ công tác tư vấn, đoàn thanh niên, hội sinh vấn tư vấn, giúp các bạn chọn ngành nghề thích hợp.

Điều tra học thuê, thi mướn: Bộ GD&ĐT vào cuộc - 4

Nhiều sinh viên tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thuê người đi học

Hiện nay, chúng tôi cho rằng, việc giáo dục kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên rất quan trọng. Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường hợp tác qua lại với doanh nghiệp.

Qua hợp tác, doanh nghiệp giúp các em sinh viên có nơi thực tập; doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chương trình, đào tạo; cử kỹ sư trình độ ngành nghề, giảng môn liên quan thực hành, tham gia hướng dẫn sinh viên thực tập; tham gia đánh giá đầu ra sinh viên... Ngược lại, doanh nghiệp có thể được ưu tiên lựa chọn sinh viên xuất sắc để tuyển dụng.

Thưa ông, trách nhiệm của Bộ Giáo dục & Đào tạo trước hiện tượng tiêu cực học hộ, thi hộ trong giáo dục đại học như thế nào?

Thứ trưởng Trần Quang Quý: Từ phóng sự điều tra của báo, Bộ sẽ có văn bản yêu cầu chấn chỉnh hiện tượng này. Nhất là trong bối cảnh sắp đến kỳ thi cuối năm, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng..., chúng tôi nghĩ rằng càng phải sớm chấn chỉnh chuyện này.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, thực tế thì năm nào Bộ GD&ĐT cũng nhắc nhở hiện tượng học hộ, thi hộ. Ví dụ trong quy chế tuyển sinh, trong sinh hoạt ngoại khóa hướng dẫn sinh viên, học sinh đầu năm học bao giờ cũng có cảnh báo và lên án việc học hộ, thi hộ.

Ngoài ra, về phía nhà trường phải có biện pháp quản lý thi cử thật tốt. Như ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sinh viên, làm thẻ điện tử ra vào phòng thi để tránh việc dùng thẻ giả...

Phía người thầy, cũng cần nâng cao trách nhiệm. Ví dụ như theo dõi quá trình học tập của các em, qua đó biết em nào có khả năng học tập tốt, yếu... để có hình thức giúp đỡ sinh viên yếu.

Quan trọng hơn, các bạn sinh viên nên tích cực học tập trau dồi kiến thức, nó là hành trang để xây dựng cuộc sống vững vàng. Nếu cứ đi “vay mượn” kiến thức sẽ không làm được việc, không làm nên sự nghiệp cho bản thân.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Loạt bài điều tra của Khám Phá đã chỉ ra sự việc hết sức nghiêm trọng trong giáo dục đại học. Rất nhiều sinh viên ở các trường danh tiếng như: Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Sư phạm Hà Nội… thuê người đi học hộ và thi hộ. Không chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ, hiện trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều diễn đàn học hộ, thi hộ với số thành viên tham gia lên tới hàng chục ngàn.

Mời bạn đọc xem các kỳ trước và clip điều tra của chúng tôi:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng (thực hiện) ([Tên nguồn])
Bát nháo thị trường học thuê, thi mướn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN