ĐIỀU TRA: 'Hô biến' khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt - Bài 2: Nhuộm đất, dán nhãn, không ai phân biệt được

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

(PLO)- Người của vựa cho hay để người mua tin khoai tây Trung Quốc là nông sản Đà Lạt thì phải nhuộm, đóng thùng, dán nhãn mác…

Trong thời gian tìm hiểu việc “phù phép” khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt, ngoài vựa khoai tây Toàn Luyện ở huyện Đức Trọng, chúng tôi còn phát hiện vựa rau củ Huyền Thủy Trang ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương cũng có chiêu thức tương tự.

Vựa rau củ Huyền Thủy Trang là vựa rau củ lớn của tỉnh Lâm Đồng. Vựa do hai phụ nữ tên Huyền và Hương làm chủ.

Muốn giống khoai tây Đà Lạt thì phải nhuộm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vựa nông sản Huyền Thủy Trang cung cấp rau củ cho các khu vực lân cận. Hai chủ vựa cho hay trước đây họ từng có hàng chục năm làm thuê cho vựa nông sản lớn nên thuộc nằm lòng quy trình “phù phép” hàng Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt.

Trong thời gian dài theo các xe tải chở hàng nông sản biên giới Trung Quốc về huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương, chúng tôi nhiều lần ghi nhận các xe này chở khoai tây Trung Quốc mang về cho vựa Huyền Thủy Trang.

Theo quan sát của chúng tôi, vựa Huyền Thủy Trang rộng cả ngàn mét vuông, tập kết nhiều loại rau củ Trung Quốc, trong đó nhiều nhất là hành tây và khoai tây.

Người của vựa nông sản cùng các công nhân dán tem khoai tây Đà Lạt lên thùng khoai tây Trung Quốc để bàn giao cho khách. Ảnh trong bài: MINH HẬU - TỰ SANG

Người của vựa nông sản cùng các công nhân dán tem khoai tây Đà Lạt lên thùng khoai tây Trung Quốc để bàn giao cho khách. Ảnh trong bài: MINH HẬU - TỰ SANG

Vựa này còn là nơi phân phối khoai tây và hành tây cho nhiều vựa nông sản lớn khác ở tỉnh Lâm Đồng và khu vực lân cận. Vựa có hàng chục công nhân làm việc và sẵn sàng trộn đất, dán tem để “phù phép” hàng Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt.

Ngày 27-6, trong vai khách tìm mua hàng, PV đến vựa nông sản Huyền Thủy Trang đang lúc cơ sở có nhiều công nhân tất bật làm các công việc lựa và đóng gói khoai tây, hành tây.

Khi biết chúng tôi tìm đến xem hàng nông sản, bà Huyền ra tiếp chúng tôi và chỉ vào hàng trăm bao hành tây được xếp ngay ngắn thành đống, nói: “Hàng Trung Quốc thôi, hàng Đà Lạt không còn nữa”.

Chúng tôi ngỏ ý muốn mua khoai tây Trung Quốc để mang sang tỉnh khác bán lại, bà Huyền hỏi: “Em muốn đóng bị (nylon) hay nguyên bao, hành không lựa chị bán 7.000 đồng, hành lựa chị bán 7.200 đồng vì chị còn mất tiền bao bì. Chị toàn bán cho các vựa, các vựa làm lại xong mới bán”.

Nam thanh niên chuẩn bị đất đỏ và rắc lên khoai tây Trung Quốc để thành nông sản Đà Lạt.

Nam thanh niên chuẩn bị đất đỏ và rắc lên khoai tây Trung Quốc để thành nông sản Đà Lạt.

Riêng khoai tây Trung Quốc, bà Huyền thông báo: “Khoai trung là 7.500 đồng/kg, khoai bự là 8.000 đồng/kg”.

“Khoai Trung (Trung Quốc - PV) là loại khoai cát, giá 7.500 đồng/kg. Khoai Đà Lạt, khoai hồng thì 12.500 đồng/kg, là khoai đất đỏ màu mỡ nhưng hết mùa rồi, nhà chị không bán đâu” - bà Huyền cho biết khoai tây Đà Lạt hiện đã hết mùa và muốn mua khoai hồng thì phải nhuộm để giống hàng Đà Lạt.

Bày cách nói dối thành hàng Đơn Dương

Còn theo bà Hương, việc khoai tây Trung Quốc và khoai tây được trồng ở đồi cát huyện Đơn Dương rất giống nhau, nếu không phải dân trong nghề thì rất khó nhận ra.

Bà Hương khuyên chúng tôi nên lấy khoai tây cát Trung Quốc và bày chúng tôi nói dối người tiêu dùng là khoai tây được trồng ở đồi cát tại huyện Đơn Dương.

“Đừng nói hàng Đà Lạt, cứ nói là hàng đất cát Đơn Dương. Cứ nói là của Lâm Đồng nhưng ở dưới huyện chứ không phải trên TP” - bà Hương hướng dẫn chúng tôi cách nói dối người tiêu dùng và khuyên chúng tôi yên tâm, sẽ không ai phân biệt được hàng Trung Quốc và hàng Đà Lạt.

Vì sợ quản lý thị trường phát hiện nên nơi nhuộm đất đỏ cách vựa Huyền Thủy Trang khoảng 5 km

Vì sợ quản lý thị trường phát hiện nên nơi nhuộm đất đỏ cách vựa Huyền Thủy Trang khoảng 5 km

Cũng theo bà Hương, để người mua tin là khoai tây Đà Lạt thì phải đóng thùng, dán tem nhãn mác Đà Lạt. Tuy nhiên, muốn đóng thùng thì phải tính thêm tiền thùng và phải chuyển tiền đặt cọc trước.

“Mà muốn giả hàng Đà Lạt tốt nhất là phải nhuộm thôi, phải cọc trước cho chị 50% tiền, mai chị đi lấy đất, mốt chị mới làm cho em được. Chị sẽ đóng thùng, làm tem dán cho em, ghi là vựa của chị ở Đà Lạt - Lâm Đồng” - bà Hương tiếp.

Trong nhiều ngày có mặt tại đây, chúng tôi chứng kiến các công nhân luôn hối hả lựa và đóng hàng cho khách. Trong đó có làm hàng để chuyển về Đồng Tháp.

Bà Huyền cũng nhiều lần cho chúng tôi xem tem nhãn mà bà đã chuẩn bị để dán lên thùng hành tây và khoai tây Trung Quốc giả thương hiệu khoai tây, hành tây Đà Lạt.

“Mình làm như vầy dán lên mới được… Để chị cho đóng thùng và dán lên cho em. Làm nhanh mà!” - bà Huyền nói.

Khoai tây Trung Quốc trước khi rắc đất đỏ (nhỏ) và sau khi nhuộm bằng đất đỏ Đà Lạt.

Khoai tây Trung Quốc trước khi rắc đất đỏ (nhỏ) và sau khi nhuộm bằng đất đỏ Đà Lạt.

Bà Huyền thông tin giá hành tây sau khi đóng thùng, dán tem giả Đà Lạt là 9.000 đồng/kg, còn giá khoai tây là 10.000 đồng/kg. “Giá khoai khi dán tem, đóng thùng là mười lẻ hai, chị bớt cho em còn lại mười ngàn” - bà Huyền nói thêm.

Cũng theo bà Huyền, khi đóng gói khoai tây và hành tây sẽ đóng vào các loại thùng giấy 10 kg và 20 kg. Sau đó bà Huyền yêu cầu bà Hương hối các công nhân dừng tay lựa để đóng cho chúng tôi ba thùng hành tây và năm thùng khoai tây.

“Khoai tây chị chỉ bán của Trung Quốc thôi, có 9.000 đồng” - bà Huyền nói và cho hay trước đây đi làm cho vựa rau củ, chủ vựa mua hai máy trộn đất hàng trăm triệu đồng để làm hàng.

Nam thanh niên chuẩn bị đất đỏ và rắc lên khoai tây Trung Quốc để thành nông sản Đà Lạt.

Nam thanh niên chuẩn bị đất đỏ và rắc lên khoai tây Trung Quốc để thành nông sản Đà Lạt.

Lúc này, bà Hương chạy xe máy đi lấy tem giả thương hiệu khoai tây Đà Lạt vừa về đến và đưa ra hỏi chúng tôi “tem đẹp không” rồi cầm xấp tem đi thẳng vào bên trong cắt ra từng miếng nhỏ rồi dán lên thùng khoai tây và hành tây.

Những ngày sau đó, bà Hương liên tục gọi điện thoại cho chúng tôi hỏi về việc có lấy thêm hàng để bán không. Bà Hương cũng cho biết nếu muốn lấy khoai tây nhuộm đất Đà Lạt thì vựa sẽ chuẩn bị đất để trộn.

Trộn đất nơi vắng vì sợ quản lý thị trường

Ngày 8-7, chúng tôi trở lại vựa nông sản Huyền Thủy Trang, bà Hương tiếp thị muốn mua hàng nhuộm đất thì phải mua số lượng nhiều.

“Làm hàng nhuộm đất phải rửa rồi nhuộm, làm 1 tạ mệt lắm, em phải lấy 1 tấn trở lên thì chị mới làm. Mấy khoai nhuộm này chị làm một lần mấy tấn, sau khi bán máy trộn thì chị phải làm gia công lại” - bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, công đoạn tốn thời gian nhất để nhuộm khoai tây là chuẩn bị đất. “Em muốn làm màu như nào, đậm thì nhiều đất, nhạt thì ít đất. Em phải đổ đất vào sàng, ray rất tốn công. Vì phải mua cái ray, ray như rây bột cho em bé ăn ấy, ray cho thật mịn” - bà Hương mô tả cách biến khoai tây Trung Quốc thành hàng Đà Lạt.

Bà Hương cũng tiết lộ việc trộn đất được thực hiện ở nơi khác chứ không làm tại vựa vì sợ quản lý thị trường phát hiện. “Phải vô nhà làm chứ không dám nhuộm ở đây đâu. Chứ nó vô nó thấy nó lại kêu mình giả hàng Đà Lạt là chết” - bà Hương nói.

Đến cuối giờ chiều, bà Hương yêu cầu một thanh niên tên A dẫn chúng tôi đến một căn nhà tại một khu vực khá vắng người cách vựa Huyền Thủy Trang khoảng 5 km (ở huyện Đơn Dương) để xem cách thức nhuộm (trộn đất) đất đỏ cho khoai tây Trung Quốc.

Tại đây chúng tôi chứng kiến nhiều túi khoai tây, bao nylon, đống đất, vòi nước, rổ… là công cụ, vật dụng phục vụ cho việc trộn đất vào khoai tây đã được chuẩn bị sẵn. Cũng theo quan sát của chúng tôi, vật dụng này có vẻ được sử dụng thường xuyên cho việc trộn đất vào khoai tây Trung Quốc.

Theo A, khi khách có nhu cầu đặt hàng trộn khoai tây Trung Quốc thành hàng Đà Lạt thì sẽ phải chuẩn bị đất đỏ. “Phải lên núi lấy đất đỏ, sau đó dùng vật dụng cán cho nhuyễn đất, lấy cái ray bột ray ra lấy đất nhuyễn và lấy khoai tây cho thấm nước, xong rắc đất lên trộn và lắc cho thấm đều đất. Tiếp đó để khô cho đất bám chắc vô khoai rồi đóng thùng” - A vừa nói vừa thực hiện các bước trộn đất vào khoai tây Trung Quốc cho chúng tôi xem.

Cũng theo A, trước đây là nhân viên chính đảm nhiệm vai trò trộn đất cho khách theo chỉ đạo của một cơ sở lớn. “Mỗi ngày trộn hàng tấn khoai bằng máy, lúc đó tôi lên núi lấy đất bán thêm cho bà này là 200.000 đồng/bao” - A khoe thâm niên làm nghề trộn đất vào khoai Trung Quốc của mình.

Nguồn: [Link nguồn]

Đang hết mùa khoai tây và các chủ vựa ở Lâm Đồng “phù phép” khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt, lừa người tiêu dùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MINH HẬU - TỰ SANG ([Tên nguồn])
'Hô biến' khoai tây Trung Quốc thành nông sản Đà Lạt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN