Điều tra: Đột nhập vào các 'tụ điểm' nhớt giả ở TP.HCM

Sự kiện: Tin nóng

Khi nhớt thải biến thành các loại nhớt có thương hiệu nổi tiếng như Honda, Castrol, Yamaha thì ngay cả nhà sản xuất cũng khó phân biệt vì tem, nhãn, mã vạch… trên vỏ bình là hàng thật, chỉ có ruột là giả!

LTS: Ngày 8-4, Công an huyện Hóc Môn phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 20 kiểm tra một điểm sản xuất dầu nhớt giả ở đường số 6, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Cơ quan chức năng thu giữ tại chỗ khoảng 200 lít dầu nhớt thải đang đóng vào bình, 16 thùng nhớt thành phẩm, hàng chục ngàn vỏ bình, vỏ can nhớt cũ của các thương hiệu nổi tiếng cùng tem nhãn, niêm đóng ở miệng bình, máy dập nắp bình… Toàn bộ tang vật được cơ quan chức năng mang về kho tạm giữ, phục vụ công tác điều tra mở rộng.

Đây là kết quả mà PV Pháp Luật TP.HCM đeo bám nhiều tháng và cung cấp toàn bộ thông tin để công an xử lý.

Sau nhiều tháng đeo bám, PV Pháp Luật TP.HCM phát hiện ở TP.HCM có nhiều cơ sở thu gom vỏ bình nhớt đã qua sử dụng để dùng vào việc sản xuất nhớt giả. Theo ghi nhận của chúng tôi, hằng ngày có hàng trăm thùng nhớt giả được mang đi tiêu thụ.

Ba nhóm thu mua

Chiều tối một ngày đầu tháng 11-2018, chúng tôi theo chân một người đàn ông thu mua vỏ bình nhớt. Tại một tiệm sửa xe trên đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), ông này lựa chọn những vỏ bình nhớt hiệu Castrol cho vào bao tải màu xanh. Ông này cột ba bao vỏ bình lên xe, phủ bên ngoài mảnh nylon rồi trả tiền cho chủ tiệm, nổ máy chạy đi.

Chiếc xe máy chở vỏ bình nhớt sau đó chạy qua cầu Bến Phân, vượt qua quốc lộ 1A sang phường Thạnh Xuân (quận 12) rồi chạy thẳng vào căn nhà cấp bốn trên đường TX14. Trong lúc cổng chưa kịp đóng, chúng tôi nhìn vào bên trong thấy hàng chục bao vỏ bình nhớt xếp cao ngất trong nhà.

Hôm sau, chúng tôi lại thấy người đàn ông này chở ba bao vỏ bình nhớt cũ y hệt hôm trước chạy trên đường. Sau khi qua KCN Tân Bình, xe chạy thẳng qua KCN Vĩnh Lộc theo đường Thới Hòa rồi quẹo vào đường Quách Điêu… Sau đó xe chạy vào một hẻm nhỏ thuộc ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh và dừng ở một căn nhà cấp bốn.

Một nhóm khác chuyên thu mua vỏ bình nhớt cũ gồm năm người đàn ông, thuê căn nhà trong hẻm nhỏ ở ấp 6, xã Vĩnh Lộc A. Hằng ngày họ đi thu gom vỏ bình nhớt cũ trên địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân rồi tập kết ở đây. Trong khi cửa không kịp đóng, ống kính của PV ghi được bên trong nhà có hàng chục bao đựng vỏ bình nhớt xếp chồng lên nhau.

Ống kính chúng tôi cũng ghi nhận sau khi tập kết vỏ bình nhớt, một xe tải thùng kín đến lấy. Bám theo chiếc ô tô tải này, chúng tôi ghi nhận xe chạy đến một căn nhà cấp bốn trong hẻm thuộc ấp 6, xã Vĩnh Lộc B.

Một nhóm thu mua vỏ bình khác gồm ba người, thuê nhà ở phường Tân Thới Hiệp, quận 12. Nhóm này hằng ngày đi thu mua vỏ bình và gom luôn vỏ thùng để bán lại.

Trong một lần tiếp cận, một trong ba người cho hay số vỏ bình sẽ bán lại cho người khác và nó được dùng để đổ nhớt giả vào mang đi tiêu thụ. 

Điều tra: Đột nhập vào các 'tụ điểm' nhớt giả ở TP.HCM - 1

Lực lượng chức năng thu giữ tang vật nhớt giả và các công cụ làm nhớt giả tại một “cơ sở sản xuất” ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Ảnh: H.NAM

Điều tra: Đột nhập vào các 'tụ điểm' nhớt giả ở TP.HCM - 2

Điều tra: Đột nhập vào các 'tụ điểm' nhớt giả ở TP.HCM - 3

Điều tra: Đột nhập vào các 'tụ điểm' nhớt giả ở TP.HCM - 4

Điều tra: Đột nhập vào các 'tụ điểm' nhớt giả ở TP.HCM - 5

Thu gom vỏ chai nhớt thật mang về tập kết và sau đó mang nhớt giả đi bán vào các cửa hàng. Ảnh: H.NAM

Nhớt giả đi vào các cửa tiệm

Trong các nhóm thu mua vỏ bình nhớt cũ, có một nhóm bán luôn thành phẩm.

Cụ thể, chiều tối một ngày cuối tháng 12-2018, PV Pháp Luật TP.HCM bám theo một người đàn ông chuyên đi thu mua vỏ bình nhớt cũ. Khi đến một tiệm sửa xe ở quận 12, người này bê một bao tải xanh xuống đất, lôi ra hai thùng nhớt Castrol dùng cho xe tay ga và xe số. Chủ tiệm khui thùng nhớt kiểm tra rồi lấy tiền trả cho người đàn ông này. Nhận tiền xong, người đàn ông vội vã phóng xe đi.

Một lần khác, khoảng 8 giờ tối đầu tháng 1-2019, cũng người đàn ông này chở một thùng nhớt hiệu Castrol đến một tiệm sửa xe có bảng hiệu của Castrol ở đường Thống Nhất (quận Gò Vấp). Một người đàn ông tóc bạc ra bê thùng nhớt vào bên trong tiệm.

Không chỉ bán thành phẩm nhớt Castrol, nhóm thu mua vỏ còn bán nhớt có thương hiệu như Yamaha, Honda với giá từ 55.000 đến 65.000 đồng/bình, không hạn chế số lượng. Trong một lần tiếp cận, người này cho hay nhóm bán đi tỉnh rất nhiều, thường đi giao bằng ô tô. “Bán đi tỉnh xa như Cần Thơ thì chủ dùng ô tô chở đi, còn ở gần quanh đây chủ yếu chúng tôi chở đi giao bằng xe máy” - người này bật mí.

Anh L., chủ tiệm sửa xe lớn ở quận 12, chuyên bán dầu nhớt hiệu Castrol, cho biết tiệm của anh ký hợp đồng với hãng Castrol, tiêu thụ dầu nhớt Castrol đã nhiều năm và được chiết khấu 3%. “Còn họ chào bán đồng giá 75.000 đồng/chai hiệu Castrol, 55.000 đồng/bình hiệu Yamaha, Honda cho cả xe số và xe tay ga thì chỉ là hàng giả” - anh nói.

Sáng 28-3, chúng tôi bám theo một thanh niên chạy xe máy từ bên trong căn nhà cấp bốn luôn đóng kín cửa ở khu dân cư Bà Điểm (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), trên xe chở hai thùng Castrol. Xe đến một cửa hàng bán phụ tùng xe Honda trên đường Thới Hòa thì dừng lại. Người bên trong tiệm ra bê hai thùng dầu nhớt vào bên trong.

Chúng tôi vào tiệm này mua bình nhớt loại 1 lít hiệu Castrol với giá 105.000 đồng, khi được hỏi cách phân biệt nhớt giả, người trong tiệm cho hay là “chỉ tụi cháu là thợ mới biết, các chú không biết đâu. Nhưng để phân biệt, các chú cứ nhìn vào bình nhớt, nếu căng thì là hàng thật…”.

Cũng trong vai người mua nhớt mang về thay, PV đến một tiệm sửa xe lớn, có bảng của Công ty Castrol trên đường Thống Nhất. Chủ tiệm cam kết: “Nhớt anh mua ở tiệm có bảng hiệu, bảng giá niêm yết của Công ty Castrol thì yên tâm rồi. Nhớt xịn nhìn trong vắt à, anh nghe chỉ có mùi dầu thôi, còn nghe mùi hăng hăng là nhớt giả”.

Thế nhưng khi PV mang hai bình nhớt này đến đại diện ủy quyền của Công ty Castrol nhờ kiểm tra. Lật qua lật lại, vị đại diện ở đây khẳng định đây là hàng giả!

Bí quyết biến nhớt thải thành nhớt “xịn”

Một công nhân chuyên làm công cho cơ sở nấu nhớt tái chế tiết lộ quy trình pha chế nhớt. Theo công nhân này, nhớt thải mua ở tiệm sửa xe giá 6.000 đồng/lít, mang về cho vào phuy nấu lên cho bay hết nước. Để cho nguội, lúc đó mới đổ acid vào phuy rồi dùng máy đánh đều, đến khi nào toàn bộ cặn màu đen lắng xuống đáy phuy, còn lại phần trong đó là nhớt.

Tiếp tục đổ phần nhớt trong ra phuy khác để chuyển sang công đoạn tạo màu bằng xút công nghiệp. Nếu khách đặt nhớt màu nào, hãng nào, ông chủ hướng dẫn công nhân pha xút công nghiệp đúng liều lượng, lập tức nhớt sẽ chuyển màu do phản ứng hóa học. Số nhớt này ông chủ bán cho nhiều ông trùm chuyên làm nhớt giả, giá 15.000-20.000 đồng/lít.

“Nếu hôm nào quên mà không đổ bỏ cặn ở đáy thùng phuy ra thì chỉ một tuần sau phuy đó bị tụt đáy do acid ăn mòn” - công nhân này cho biết. 

ĐIỀU TRA: Công nghệ làm dầu nhớt giả ở TP.HCM

Cơ quan chức năng vừa kiểm tra một điểm sản xuất dầu nhớt giả ở TP.HCM mà theo điều tra của PLO, mỗi ngày có hàng trăm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Nam ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN