ĐIỀU TRA: Đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm - Bài 1 - Xuyên đêm tận diệt thủy sản

Những người đánh bắt kiểu tận diệt đổ hai chai thuốc trừ sâu vào một bao cát thả xuống sông rồi kéo đi khiến tôm càng xanh trúng độc, mắt đỏ, lừ đừ trôi dạt vào bờ.

LTS: Sông Đồng Nai, nơi cung cấp nước sạch cho khoảng 20 triệu dân của TP.HCM và con sông này đang bị một số người đầu độc bằng việc đổ thuốc trừ sâu xuống sông để bắt tôm.

Trong nhiều ngày đêm theo chân đi đánh bắt tôm, chúng tôi ghi nhận rất nhiều tôm càng xanh mắt đỏ quạch, lờ đờ bơi ven bờ sông vì “dính” thuốc trừ sâu cực độc mà một số người đánh bắt đổ xuống.

Sau thời gian truy quét, xử lý mạnh tay của cơ quan chức năng, những người đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt trên sông Đồng Nai bằng kích điện giảm hoạt động.

Thay vào đó, người ta dùng thuốc trừ sâu đổ thẳng xuống sông để bắt tôm càng xanh, vừa tận diệt thủy sản, vừa đầu độc nguồn nước sinh hoạt cho hàng chục triệu dân của TP.HCM và tỉnh Đồng Nai.

Tôm sông thoi thóp ven bờ

Trong những ngày đêm theo thuyền đi đánh bắt trên dòng sông, chúng tôi ghi nhận nhiều người đổ thuốc trừ sâu xuống sông để bắt tôm.

Tối 27-11, chúng tôi theo chân một chiếc thuyền đánh cá xuôi dòng sông Đồng Nai, thuyền có mang theo một ca nô hỗ trợ.

23 giờ, xuất phát từ cầu Thủ Biên, thuyền xuôi về hướng bến đò Bà Miêu nối hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, chúng tôi bắt gặp hàng chục chiếc ghe đang hành nghề trên sông.

Sông Đồng Nai đang bị những người đánh bắt thủy sản đầu độc bằng việc đổ thuốc trừ sâu xuống sông bắt tôm. Ảnh: MINH HẬU

Sông Đồng Nai đang bị những người đánh bắt thủy sản đầu độc bằng việc đổ thuốc trừ sâu xuống sông bắt tôm. Ảnh: MINH HẬU

Lúc 1 giờ 30 sáng 28-11, chúng tôi phát hiện một chiếc ghe đang đánh bắt mé sông thuộc địa bàn ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai có dấu hiệu không bình thường.

Theo anh Nguyễn Trung T (người dân xã Lạc An, huyện Tân Uyên, Bình Dương), những người đánh bắt tôm bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ luôn cảnh giác. Chỉ cần phát hiện có ca nô hướng về mình, các ghe đánh bắt kiểu tận diệt sẽ bỏ chạy ngay.

Chúng tôi mở dây ca nô, nổ máy và tăng tốc, pha đèn hướng về phía chiếc ghe ở mé sông thuộc địa bàn ấp Ông Hường nói trên. Khi ca nô còn cách ghe khoảng 100 m, người đàn ông trên ghe lập tức điều khiển ghe lao nhanh ra giữa lòng sông bỏ chạy.

Anh T cho biết thêm: Trước đây họ đổ thuốc trừ sâu từ trong chai thẳng xuống sông, nay mỗi con nước, họ đổ hai chai thuốc trừ sâu loại 480 ml vào một bao cát. Khi đến những luồng nước có đàn tôm càng xanh, họ thả bao cát đã ngấm thuốc trừ sâu xuống sông rồi cột dây vào ghe, kéo đi.

Điều 242 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản.

1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc một trong các trường hợp sau đây, gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản;

(...)

g) Vi phạm quy định khác của pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản...

Thuốc trừ sâu từ trong bao cát ngấm ra khiến tôm càng xanh trúng độc, mắt đỏ, lừ đừ trôi dạt vào bờ. Lúc này, những người này chỉ cần bơi thuyền sát bờ, pha đèn rồi dùng vợt vớt tôm lên.

Thuyền đánh bắt tôm bỏ chạy khi tưởng ca nô của phóng viên là CSGT đường thủy. Ảnh: MINH HẬU

Thuyền đánh bắt tôm bỏ chạy khi tưởng ca nô của phóng viên là CSGT đường thủy. Ảnh: MINH HẬU

Đúng như lời anh T nói, sau khi chiếc ghe trên bỏ đi, chúng tôi tắt máy ca nô, dùng chèo tay bơi chậm xuôi theo mé bờ nơi chiếc ghe vừa bỏ chạy. Lúc này mùi thuốc trừ sâu xộc lên nồng nặc. Ống kính của chúng tôi ghi nhận chỉ khoảng 100 m bờ sông thuộc địa bàn ấp Ông Hường, hàng chục con tôm càng xanh lớn nhỏ nổi lên, nhiều con nằm phơi thân trên bãi bùn do trúng độc...

Một hơi lặn, vớt lên bốn vỏ chai thuốc trừ sâu

3 giờ sáng 28-11, rời bờ sông địa phận tỉnh Đồng Nai, chúng tôi chạy ca nô qua phía đối diện thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương.

Xa xa xuất hiện ánh đèn pin quét qua quét lại tìm kiếm, chúng tôi nhận ra một chiếc ghe nữa cũng đang đánh bắt sát bờ sông. Khi chiếc ca nô đến giữa dòng thì người đàn ông trên ghe vỏ lãi đã vội vàng “bỏ của chạy lấy người” về hướng Tân Uyên.

Đến khu vực bờ sông nơi chiếc ghe vừa bỏ chạy, chúng tôi muốn choáng váng đầu óc, cay mắt vì mùi thuốc trừ sâu bốc lên nồng nặc.

Tôm trúng thuốc nằm thoi thóp ven bờ. Ảnh: MINH HẬU

Tôm trúng thuốc nằm thoi thóp ven bờ. Ảnh: MINH HẬU

Bịt khẩu trang tẩm nước, chúng tôi bơi chèo cập theo bờ, đập vào mắt chúng tôi vẫn là hình ảnh hàng loạt tôm, tép mắt đỏ quạch, lừ đừ trôi dạt bám vào các bụi cỏ, lau, hiện ra rõ mồn một dưới ánh đèn pin.

Chúng tôi cũng thấy chiếc nắp nhựa màu đỏ còn rất mới trôi sát bờ, anh T khẳng định: Đó là nắp của chai thuốc trừ sâu mà người đánh bắt tôm ban nãy bỏ lại.

“Thường người ta sẽ tìm cách giấu hoặc hủy những vỏ chai thuốc rất kỹ để tránh bị phát hiện hoặc bắt quả tang. Có lẽ khi thấy có người đến nên không kịp hủy” - anh T nói.

Cũng theo anh T: Có hai loại thuốc trừ sâu mà những người đánh bắt tôm càng xanh sử dụng là Fastac 5EC và Sapen Alpha 5EC. “Hai loại thuốc này cực độc, nếu tôm trúng thuốc thì ít nhất cũng bị nhiễm trong bảy ngày” - anh T nói.

Tiếp tục tìm kiếm, chúng tôi phát hiện vỏ một chai thuốc trừ sâu hiệu Sapen Alpha ngay vị trí chiếc ghe đánh bắt trước đó. Cầm trên tay vỏ thuốc trừ sâu cực độc, chúng tôi rùng mình liên tưởng những con tôm bị đánh bắt theo cách này đến với mâm cơm các gia đình, quán nhậu cũng như nguồn nước cung cấp cho hàng chục triệu người bị đe dọa...

 Chai thuốc trừ sâu cực  độc mà kẻ đổ thuốc bắt tôm bỏ lại ven bờ

Chai thuốc trừ sâu cực độc mà kẻ đổ thuốc bắt tôm bỏ lại ven bờ

“Họ không những tận diệt nguồn tôm, cá mà còn đầu độc nguồn nước của bà con” - anh Nguyễn Trung Thành (ngụ xã Bạch Đằng, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương), người theo nghề lặn xiên tôm càng xanh, bức xúc nói.

Ngày 7-12, anh đưa chúng tôi ra bờ sông, bảo chúng tôi ngồi chờ trên ca nô còn anh ngậm ống hơi, đeo mặt nạ lặn xuống lòng sông.

Hơn 3 phút sau, anh Thành trồi lên, trên tay cầm bốn vỏ chai thuốc trừ sâu mà người đánh bắt tôm bằng thuốc bỏ lại.

“Làm sao bắt hết những người này, tịch thu hết tàu bè, dụng cụ và phạt thật nặng thì họ mới bỏ kiểu đầu độc sông Đồng Nai” - anh Thành nói và vứt mạnh những vỏ chai thuốc trừ sâu lên bờ.

Bỏ ghe, lao lên bờ trốn phóng viên

Theo những người làm nghề sông nước ở khu vực bến đò Bà Miêu - cầu Bạch Đằng - bến phà Ông Hường, hai người tên T và Th nổi danh trong giới lặn sông vì dùng kích điện và đổ thuốc để bắt thủy sản.

Người đánh bắt tôm bằng thuốc trừ sâu bỏ ghe chạy lên bờ. Ảnh: MINH HẬU

Người đánh bắt tôm bằng thuốc trừ sâu bỏ ghe chạy lên bờ. Ảnh: MINH HẬU

Sáng 7-12, chúng tôi chạy ca nô từ xã Bình Lợi về hướng cầu Bạch Đằng. Lúc này, hai bên bờ sông, T và Th đang chạy hai ghe sắt, men sát bờ để vớt tôm. Khi thấy chúng tôi hướng về phía ghe của mình, T lập tức tăng ga bỏ chạy, đem ghe về giấu ở bè nổi của mình phía bờ tỉnh Bình Dương.

Sau khi T bỏ chạy, chúng tôi lái ca nô sang bờ đối diện phía tỉnh Đồng Nai, lúc này Th cũng đang chạy ghe sát bờ. Khi ca nô cách ghe 40 m, Th tăng ga lao vút. Chúng tôi cố ý cho ca nô bám theo thì Th ngoặc chiếc ghe của mình lao vào một con rạch cạn, vứt ghe rồi lao lên bờ bỏ chạy.

Dưới sông, chiếc ghe vẫn ùng ục máy nổ, cánh quạt vẫn xoáy trong nước, sục bùn đen ngòm một khoảnh.

Cận cảnh “nước mắt“ chim trời hoang dã sa bẫy ở Thanh Hóa

Những con chim trời hoang dã giãy giụa trong tuyệt vọng khi bị sa bẫy, trong khi những con cò, vạc mồi đứng co ro, thu mình giữa cánh đồng ở phường Quảng Hùng, TP Sầm Sơn, Thanh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo MINH HẬU ([Tên nguồn])
ĐIỀU TRA: Đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN