Điều tra: Đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm - Bài 2- 15 phút, vớt được cả ký tôm trúng thuốc
Người dân sống ven sông phát hiện tình trạng đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm có từ những năm 1994, 1995 nhưng không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù.
Dọc sông Đồng Nai, không chỉ những người đánh bắt thủy sản vào ban đêm mà việc này còn diễn ra giữa ban ngày. Nguồn thủy sản đang dần cạn kiệt, không chỉ tôm mà những con tép bé xíu cũng chung cảnh nhiễm thuốc trừ sâu, nằm chết trên bãi bùn...
15 phút, vớt cả ký tôm dính thuốc dọc bờ sông
Đầu giờ chiều 28-11-2023, tiếp tục bơi ca nô trên sông Đồng Nai, chúng tôi tiếp xúc với nhiều chủ ghe theo nghề lặn xiên tôm càng xanh, nhiều người tỏ ra rất tức giận với những kẻ đổ thuốc trừ sâu xuống sông để bắt tôm.
Những người đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm càng xanh giữa ban ngày.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM khi tranh thủ ăn vội bữa cơm để tiếp tục ca lặn, anh Nguyễn Đình Thụy (ngụ xã Lạc An, huyện Bắc Tân Uyên) cho biết hơn 30 năm theo nghề lặn bắt tôm sông, chưa bao giờ anh và đồng nghiệp lại khó tìm tôm càng xanh dưới sông Đồng Nai như lúc này.
Từ những năm 1990 của thế kỷ trước đến nay, anh và những thợ lặn truyền thống đã ngầm tuân thủ quy ước chỉ xiên những con tôm to, từ loại 3 (40 con/kg) trở lên, còn tôm nhỏ hơn thì không đụng đến và xem như “của để dành”. “Giờ thì rất khó để xiên được những con tôm loại 3 chứ chưa nói gì đến tôm lớn hơn” - anh Thụy chia sẻ.
Cũng theo anh Thụy, việc đổ thuốc trừ sâu xuống sông không chỉ hủy diệt nguồn thủy sản vốn rất trù phú mà đáng lo ngại hơn là nó còn trực tiếp làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu cư dân trong vùng.
Anh Nguyễn Đình Thụy lặn một hơi đã vớt lên nhiều vỏ chai thuốc trừ sâu dưới lòng sông.
“Thả thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai để bắt tôm, cá, không biết bắt được bao nhiêu nhưng chắc chắn làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước” - anh Thụy nói. Chỉ tay về phía một chiếc ghe đang bắt tôm gần bờ, anh Thụy cho nói: “Các anh qua đó mà xem, tôi cam đoan chỉ nửa tiếng là vớt được 2 ký tôm”.
Theo hướng tay chỉ của anh Thụy, chúng tôi nhấn ga ca nô về phía người đàn ông đang vớt tôm ven bờ. Chỉ trong nháy mắt, người này đã cho ghe lao ra giữa dòng sông, trốn mất hút.
Ống kính của chúng tôi ghi lại cảnh tôm, tép “hấp hối” bám vào bờ và nằm la liệt sát bãi bùn.
Tôm càng xanh bị trúng thuốc trừ sâu, nằm thoi thóp trên bờ.
Chỉ trong vòng 15 phút dùng tay không, chúng tôi đã vớt được hơn 1 kg tôm, tép ngấm thuốc trừ sâu.
Khi biết chúng tôi không phải là CSGT đường thủy và nghĩ rằng chúng tôi đang đi “ăn hôi” tôm ngấm thuốc, người đàn ông kia liền quay lại, chạy ghe với tốc độ cao để sóng đánh mạnh vào bờ khiến tôm, tép dạt hết ra ngoài.
Anh Thụy cho hay đó là cách “phá sóng” mà những kẻ đổ thuốc trừ sâu xuống sông thường sử dụng khi có người “ăn hôi”.
Không dám báo vì sợ bị trả thù
Anh Thụy lặn xuống sông Đồng Nai và vớt lên cho chúng tôi xem rất nhiều vỏ chai thuốc trừ sâu mà những kẻ tận diệt tôm, tép đã nhận chìm để phi tang. Nhiều chai trong số đó bị bong mất tem, nhãn.
Chỉ trong vòng 15 phút dùng tay không, chúng tôi đã vớt được hơn 1 kg tôm bị ngấm thuốc độc. Ảnh trong bài: MINH HẬU
Khi đi bộ dọc mé sông để vớt tôm bị say thuốc, chúng tôi đạp trúng bao nylon màu đỏ dưới bùn, bên trong là vỏ của chai thuốc trừ sâu hiệu Sapen Alpha. Anh Thụy cho biết người dân sống ven sông bắt đầu phát hiện tình trạng đổ thuốc trừ sâu để bắt tôm từ những năm 1994, 1995 nhưng không ai dám lên tiếng vì sợ bị trả thù. Việc đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai liên tục tái diễn bất kể ngày đêm khiến bao người dân mưu sinh chân chính trên dòng sông này lo lắng và căm phẫn.
Vi phạm hàng loạt quy định Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Giám đốc Công ty Luật Tri Ân, nói: Hành vi dùng thuốc trừ sâu để đánh bắt thủy sản trên sông là đáng lên án, nó không chỉ làm nhiễm độc nguồn nước sạch cung cấp cho hàng triệu người dân mà còn vi phạm nhiều quy định pháp luật. Theo luật sư Quân, hành vi trên có dấu hiệu hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản hoặc vi phạm đối với hành vi sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ có tính chất hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản. Những hành vi trên sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự về tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản, tùy theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm và còn có thể bị xử phạt bổ sung là buộc khôi phục tình trạng ban đầu. Ông Quân cũng đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm và ngăn chặn triệt để hành vi đầu độc nguồn nước này. |
Anh Hoàng Đình Hà (ngụ xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) cho biết thường xuyên phải ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu mà người ta đổ xuống sông để bắt tôm. “Mùi thuốc xộc lên nồng nặc khiến người dân sống bên bờ cay mắt, huống chi là ăn phải những con tôm ngộp thuốc thì không biết thế nào?” - anh Hà nói.
Cũng giống anh Hà, anh Lê Đăng Hải (ngụ xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu) cho biết nhiều lần thấy người chèo ghe đổ thuốc trừ sâu để bắt tôm ngay sát vườn nhà mình, anh đã nhắc nhở nhưng chỉ vài hôm lại thấy họ cập bờ, đổ thuốc trừ sâu để vớt tôm. “Mình lái ca nô ra đuổi, nhắc nhở nhiều lần nhưng được vài hôm lại thấy họ đánh bắt kiểu tận diệt này. Tôi đề nghị chính quyền vào cuộc quyết liệt để dẹp ngay vấn nạn đáng báo động này, trả lại dòng sông quý giá cho quê hương” - anh Hải nói.
Nạn đổ thuốc đã có hàng chục năm
Cách đây 10 năm, báo Pháp Luật TP.HCM từng có loạt bài phản ánh những người đổ thuốc trừ sâu xuống sông để bắt tôm, cá ngay sát họng hút nước của Nhà máy nước Thiện Tân.
Thời điểm đó, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy nước Thiện Tân, sau khi xem những hình ảnh do PV cung cấp đã bàng hoàng thốt lên: “Hành vi này ghê quá!”.
Nhận diện vỏ của hai chai thuốc trừ sâu hiệu Sapen Alpha và Fastac do người dân đổ xuống sông mà chúng tôi lượm được lúc đó, ông Nguyễn Công Tú, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Hai chất này thuộc nhóm rất độc với tôm, cá và con người (độ độc thuộc nhóm 2, tức rất cao). Chất độc tồn dư của hai loại thuốc trừ sâu này nhiễm trong nước chưa được đánh giá, tuy nhiên, khi con người uống phải nước có tồn dư của hai loại thuốc trừ sâu này thì chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe”.
Trong khi người dân kêu cứu, báo chí nhiều lần lên tiếng, nạn dùng thuốc trừ sâu hạ độc tôm, cá trên sông Đồng Nai vẫn diễn ra.
Trong những ngày đêm rong ruổi trên sông Đồng Nai để thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý...
Công an tỉnh Bình Dương đang quyết liệt xử lý Ngày 10-1, sau khi Pháp Luật TP.HCM khởi đăng phóng sự điều tra “Đổ thuốc trừ sâu xuống sông Đồng Nai bắt tôm”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Mai Công Như, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Bình Dương, về vấn đề này. Thiếu tá Như cho biết lực lượng CSGT đã nắm được thông tin về tình trạng này nhưng vẫn chưa thể xử lý được trường hợp nào. “Hoạt động của những đối tượng này rất tinh vi. Khi thấy lực lượng chức năng từ xa thì họ đã nhanh chóng phi tang vỏ chai xuống sông, rất khó cho công tác xử lý” - ông Như nói. “Chúng tôi đã phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền cho những người dân làm nghề đánh bắt thủy sản, thường xuyên tuần tra để xử lý những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, khi không có lực lượng công an thì những đối tượng này lại lén lút hoạt động” - Thiếu tá Như thông tin. Ông Như cũng thông tin trong thời gian tới, Phòng CSGT sẽ liên tục tuần tra, quyết liệt xử lý mạnh những hành vi vi phạm. Còn theo UBND xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, cơ quan này cũng đã nắm được phản ánh và xác nhận tình trạng đổ thuốc trừ sâu xuống sông để đánh bắt thủy sản là có thật. UBND xã đã có văn bản thông báo nghiêm cấm hành vi săn bắt chim, động vật hoang dã và khai thác thủy sản bằng xung điện, hóa chất. Chủ tịch UBND xã Thường Tân giao cho lực lượng công an đẩy mạnh công tác tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... |
Những người đánh bắt kiểu tận diệt đổ hai chai thuốc trừ sâu vào một bao cát thả xuống sông rồi kéo đi khiến tôm càng xanh trúng độc, mắt đỏ, lừ đừ trôi dạt vào bờ.
Nguồn: [Link nguồn]