Điều tra: Điểm làm biển số giả cạnh trụ sở công an
Chỉ cần bỏ ra một triệu đồng là cánh tài xế có ngay một biển số giả mà ngay cả CSGT cũng không tài nào phát hiện.
LTS: Thời gian qua, một số tỉnh, thành xuất hiện tình trạng ô tô trùng biển số và giấy đăng kiểm kiểu “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, trong đó có loại phương tiện hết niên hạn sử dụng, thậm chí xe gian.
Từ rỉ tai của giới tài xế xe container ma và tiết lộ của những “cò” chuyên nhận làm biển số, PV Pháp Luật TP.HCM thâm nhập vào đường dây làm biển số, giấy đăng kiểm giả ở TP.HCM.
Theo chỉ dẫn của giới tài xế xe container và “cò” chuyên nhận làm biển số, PV Pháp Luật TP.HCM bất ngờ với điểm làm biển số giả nằm trên xa lộ Hà Nội vì nó chỉ cách trụ sở Công an quận 9, TP.HCM khoảng 500 m.
Nơi đây được nhiều người biết đến như một địa điểm quen thuộc để làm biển số ma cho các loại phương tiện.
Điểm làm biển số giả cách trụ sở công an quận chỉ mấy trăm mét. Ảnh: TỰ SANG
Chỉ cần đọc biển số là có hàng như thật
Cuối tháng 7, chúng tôi có mặt tại căn nhà của người phụ nữ có tên chị Mười nằm trên xa lộ Hà Nội, quận 9, TP.HCM.
Theo quan sát, điểm sản xuất biển số xe giả này rộng khoảng 20 m2, bên trong treo đủ loại biển số, khung biển số, dưới nền nhà có máy cắt sắt cùng đầy đủ thiết bị dập khuôn… Căn phòng nhỏ nhưng người ra kẻ vô, tiếng dập khuôn biển số luôn nhộn nhịp. Người phụ nữ cùng chồng tất bật nhận làm biển số, đóng khung biển số các loại cho khách.
PV ngỏ ý làm một biển số rơmoóc với lý do biển số đã rớt mất do sụp ổ gà thì người phụ nữ cho hay là nhận làm tất cả loại biển số từ xe máy tới ô tô. Riêng biển số xe container thì có luôn cho cả xe đầu kéo và rơmoóc. “Biển số xe container thì có hai loại, loại có quốc huy và không có quốc huy” - người này chào hàng.
Khi PV tò mò về quy trình làm biển số thì chị Mười hối: “Làm vài tiếng sau là có liền, một triệu đồng/cái có quốc huy, không có quốc huy là 250.000 đồng. Làm thì làm liền, còn không trễ giờ không nhận làm nữa”.
Người này lấy từ trong kệ ra một biển số ô tô không có quốc huy của TP Hải Phòng chỉ vào góc trái giải thích: Nếu có quốc huy là nó nằm ở góc này nè, cái này không có. “Ở đây không có đồng xu để đóng (dấu quốc huy - PV), chỉ làm trơn vậy thôi” - người này nói.
Sau một hồi kỳ kèo giá cả, người này yêu cầu phải đặt trước tiền thì mới nhận làm. “Không cần bất cứ giấy tờ xe hay giấy tờ liên quan nào, chỉ cần đọc biển số cần làm để ghi vào giấy, tới hẹn sẽ có biển số” - người này nói chắc nịch.
Hai vợ chồng chị Mười đang làm biển số giả cho khách. Ảnh: TỰ SANG
Các biển số giả mà điểm của chị Mười sản xuất, giao cho khách. Ảnh: TỰ SANG
Biển số giả khó nhận ra
Đầu tháng 8, PV đi theo một tài xế xe container đường dài đến lò làm biển giả của chị Mười để nhận một biển số rơmoóc xe container đã đặt trước. Khi vào trong, người phụ nữ yêu cầu khách đọc biển số đã đặt làm rồi lấy từ trong kệ ra một biển số mang BKS: 60R-XXX.XX đưa cho khách.
Hiện nay có nhiều tội phạm sử dụng biển số giả để vi phạm pháp luật, đây cũng có thể là một trường hợp trộm cắp ô tô. Phòng PC08 trong khi tuần tra kiểm soát, nếu phát hiện xe nghi gắn biển số giả thì CSGT sẽ yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ, xác minh số khung, số máy…, nếu phát hiện xe gian sẽ lập hồ sơ chuyển qua cơ quan CSĐT Một đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TP.HCM |
Nhìn biển giả, chúng tôi không tài nào phân biệt được nếu không nhìn kỹ vào nơi đóng dấu quốc huy. Cầm biển số giả, tài xế lo lắng “liệu công an có phát hiện hay không” thì người phụ nữ đáp: “Đứng xa thì không, đứng gần thì thấy thôi. Nếu làm loại xịn một triệu đồng/cái thì đảm bảo không biết” - bà nói.
Bà cũng e dè khi tài xế ngỏ ý muốn đặt làm qua điện thoại nhưng sau đó đồng ý với điều kiện đưa tiền trước. “Làm xong rồi qua lấy cũng được, miễn các anh chuyển tiền trước là được rồi” - người chồng đang làm khuôn biển số bên cạnh tiếp lời.
Chiều 3-9, khi chúng tôi gọi điện thoại đến nhờ chị Mười làm gấp một biển số cho xe container, người này hỏi tên và báo giá 250.000 đồng/cái cho loại không có quốc huy và một triệu đồng/cái cho loại có quốc huy.
“Làm thì 10 giờ sáng mai sẽ có, nhanh hơn thì không được vì mang từ Sài Gòn qua, nhắn số qua đi chị làm cho. Em mua thẻ mobile 250.000 đồng gửi qua cho chị là được rồi, nhận được thẻ xong chị sẽ làm” - người phụ nữ nói.
______________________________
Theo dòng sự kiện: + Tháng 1-2019, ô tô hiệu Lexus 350 mang biển số 51F-913.XX đã bị Công an TP Đà Nẵng phát hiện dùng biển số giả. + Tháng 8-2017, tại Hà Nội, ô tô Hyundai Santa Fe đeo biển kiểm soát 30E-777.XX cũng bị phát hiện trùng biển số với một chiếc Porsche. + Năm 2014, cơ quan chức năng Bình Thuận rà soát xe Jeep, phát hiện nhiều xe gắn tem kiểm định giả, còn biển số là của ô tô đã hết hạn ở địa phương khác. Các xe Jeep được kiểm tra phần lớn đã trên 20 năm sử dụng, không đủ điều kiện đăng ký kinh doanh chở khách. + Tháng 10-2014, hai xế hộp Land Cruiser Parado TXL và Camry dùng chung biển số 36A-12.9XX. Qua kiểm tra, Phòng CSGT Công an Thanh Hóa xác định cả hai chiếc xe trên đều đeo biển số giả. + Tháng 9-2018, bà Võ Thị T. phát hiện ô tô Toyota, dòng xe Sienna mang biển số 51A-211.11, giống hệt với chiếc xe của bà đậu trước nhà. Khi bà đến hỏi thì tài xế thừa nhận xe đang xài biển số giả và xin bà đừng làm lớn chuyện và nhanh chóng phóng xe bỏ đi. Có điều là xe bà chủ yếu chạy ở Đồng Nai nhưng bà nhiều lần nhận giấy phạt nguội của Công an TP.HCM. + Cũng tháng 9-2018, anh Nguyễn Sơn Hà ở Quảng Ninh bị từ chối đăng kiểm chiếc Mazda biển số 14A-195.xx vì chưa nộp phạt lỗi chạy quá tốc độ do CSGT Hà Tĩnh lập. Tuy nhiên, xe anh chưa từng chạy vào địa phận Hà Tĩnh! Luật sư Đỗ Trúc Lâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết luật quy định phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, xe gắn biển số, đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ngoài ra sẽ tịch thu biển số xe, đăng kiểm đó và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một đến ba tháng. Riêng hành vi sản xuất biển số trái phép sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với cá nhân và 6-10 triệu đồng đối với tổ chức. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng điều tra xác minh có dấu hiệu tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. “Vi phạm này có mức phạt tiền lên tới 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm. Nếu có các tình tiết định khung tăng nặng theo quy định tại điều luật thì người phạm tội có thể bị xử phạt mức cao nhất lên đến bảy năm tù” - luật sư Lâm nhận định. |
CSGT: Biển số giả rất khó phát hiện được Đến thời điểm hiện tại, Phòng CSGT Công an TP.HCM chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng biển số giả, đăng kiểm giả. Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Đội tham mưu (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP.HCM), cho biết rất khó phát hiện tài xế sử dụng biển số giả, đăng kiểm giả. Biển số phải nhìn vào quốc huy, mà quốc huy rất nhỏ và khó nhìn thấy nên mắt thường nhìn vào khi xe đang chạy hay cả khi dừng mà chỉ đứng nhìn bình thường thì không thể nào phát hiện được. Đăng kiểm thì cũng vậy, bởi rất giống đăng kiểm thật, trừ trường hợp thông qua tuần tra kiểm soát CSGT nghi vấn, tạm giữ giấy tờ, phương tiện kiểm tra với đăng kiểm thật và “soi” quốc huy biển số mới phát hiện được. Theo Trung tá Bình, tính tới thời điểm hiện tại, Phòng CSGT Công an TP.HCM chưa phát hiện được trường hợp nào sử dụng biển số giả, đăng kiểm giả. Ông Phạm Lê Lâm, Phó đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cũng khẳng định rất khó phát hiện tài xế sử dụng đăng kiểm giả. “Đăng kiểm thì do trung tâm đăng kiểm cấp, giả hay thiệt thì đơn vị làm đăng kiểm mới có thể nhận ra, thanh tra giao thông hay cả CSGT rất khó nhận biết thật giả. Trừ trường hợp làm giả quá lộ liễu, không tinh vi thì có trang web để kiểm tra lại, mà thời đại công nghệ hiện đại thì được làm rất tinh vi”. “Thanh tra Sở GTVT TP.HCM chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng đăng kiểm giả” - ông Lâm cho biết thêm. T.SANG |
Trung tá Hà cho rằng có người quen mượn xe hơi mới đi rồi lắp biển số giả vào nhưng do không để ý nên vẫn lái xe đến...