Điều tra: Chiêu trò phá xe của khách trên các quốc lộ - Bài 3: Rút dây mobin sườn rồi 'vẽ bệnh' cho xe tay ga
Ngoài chiêu trò phá xe như rạch vỏ xe, chọc cao su đùm…, các thợ sửa xe còn phá, làm cho xe tay ga không thể khởi động rồi “vẽ bệnh”, thay thiết bị cũ rồi lấy giá cao.
Sau nhiều thời gian theo dõi, PV xác định trên Quốc lộ (QL) 1, TP.HCM và QL51 đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai xuất hiện các nhóm chuyên tổ chức phá xe của khách rồi giả vờ hỗ trợ, giúp đỡ… nhưng thực ra là “vẽ bệnh”, thay phụ tùng trôi nổi cho khách rồi lấy giá cao.
Chiêu trò phá xe tay ga tinh vi
Trên QL1 đoạn gần cầu vượt Quang Trung (phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM) có một tiệm để bảng sửa xe Nguyễn Hiền, chuyên sửa chữa tay ga, Honda, thay nhớt… Tiệm này khá lớn, bề ngang hơn 5 m, bên ngoài khá nổi bật.
Tiệm sửa xe Nguyễn Hiền trên Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn quận 12 có một thợ chuyên phá xe khách, vẽ bệnh rồi lấy số tiền lớn. Ảnh: NHÓM PV
Đây là tiệm sửa xe mà trước đó PV nhận được phản ánh về chiêu trò phá xe của khách, “vẽ bệnh” lấy tiền của một thợ sửa xe khoảng 40 tuổi.
Khoảng 16 giờ 30 ngày 29-6, chúng tôi chạy xe máy ghé vào tiệm để bơm xe. Lợi dụng lúc chúng tôi không chú ý, thợ sửa xe luồn tay vào phía trong xe, rút dây mobin sườn ra khỏi khớp nối. Diễn biến của hành vi này chỉ trong vòng vài giây.
Liếc mắt canh chừng, người đàn ông nhanh chóng đưa tay vào tháo sợi dây mobin sườn xe Vision. Ảnh: NHÓM PV
Việc rút sợi dây mobin sườn được người này thực hiện trong khoảng 1 giây tạo nên sự cố khiến xe không thể khởi động. Ảnh: NHÓM PV
Sau khi tháo tung chiếc xe, người đàn ông này mới "vẽ bệnh" rồi gắn lại dây mobin sườn cho chúng tôi. Ảnh: NHÓM PV
Sau khi bơm xe, chúng tôi thanh toán tiền và rời đi thì xe không thể khởi động. Lúc này thợ sửa xe ngỏ ý kiểm tra giúp, hỏi các bệnh của xe và tìm cách đề, đạp nhưng xe vẫn không nổ máy. Cuối cùng, ông này mở cốp xe ra như để kiểm tra rồi thản nhiên phán: “Xe chết phun xăng rồi”.
Khi chúng tôi hỏi về chi phí sửa chữa, ông này báo giá: “Thay loại tốt hay loại thường? Tốt thì hơn 800.000 đồng, thường thì hơn 600.000 đồng”. Chúng tôi đồng ý với loại thường và trong lúc thay thiết bị, ông này nhanh chóng gắn dây mobin sườn lại như cũ.
Chúng tôi phải trả 680.000 đồng cho việc thay thế này và than vãn: “Thế là mất cả hai ngày công đi làm thuê”. Nghe vậy, ông này cười, tỏ vẻ đồng cảm.
PV đã đem thiết bị phun xăng do ông này tháo ra tới một tiệm khác để kiểm tra. Thợ ở đây thông báo phun xăng này vẫn còn hoạt động tốt. Trong khi kim xăng được thay thế có giá khoảng 250.000 đồng.
Thay đồ cũ rồi “chém” giá cao trên QL51
Từ năm 2019, chúng tôi tiếp nhận thông tin có một số tiệm cà phê võng, quán ăn… dọc QL51 đoạn gần ngã ba Nhơn Trạch hướng đi Vũng Tàu và hướng về lại TP.HCM xuất hiện nhóm phá xe, lấy tiền của khách.
Ở cả hai chiều đường từ TP.HCM xuống Vũng Tàu và ngược lại đều có các tiệm cà phê võng, quán ăn, sửa xe chuyên phá xe, vẽ bệnh. Ảnh: NHÓM PV
Khu vực này có rất nhiều tiệm cà phê võng, sửa xe của một nhóm người trong gia đình thực hiện hành vi phá xe khách. Chỉ cần khách vào nghỉ chân, uống nước, bơm xe là bị nhóm này thực hiện hành vi phá xe Ảnh: NHÓM PV
Chiều 5-7, chúng tôi dẫn xe máy vào một quán để bảng sửa xe Honda, vá ép, thay nhớt và bán các loại nước giải khác ở QL51, đoạn cách ngã ba Nhơn Trạch khoảng 700 m, hướng về TP.HCM để nhờ bơm xe.
Một thanh niên khoảng 30 tuổi, tay có hình xăm mà sau này chúng tôi xác định tên là Trương Văn Tuấn (quê huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) làm chủ tiệm ra bơm xe.
Trong lúc chúng tôi không chú ý, Tuấn luồn tay vào bên trong, rút dây mobin sườn dù lúc này có một khách sửa xe đứng gần đó.
Tiệm của Trương Văn Tuấn, quê Thanh Hóa nằm trên Quốc lộ 51 theo hướng từ Bà Rịa - Vũng Tàu về TP.HCM cũng thực hiện hành vi phá xe, vẽ bệnh, lấy tiền số tiền lớn. Ảnh: NHÓM PV
Khi PV vào bơm xe, người này chỉ trong một giây đã đưa tay vào, rút sợi dây mobin sườn, khiến xe không thể khởi động. Ảnh: NHÓM PV
Thấy xe không khởi động được, Tuấn nhanh chóng tiếp cận, nói để kiểm tra, xử lý giúp nhưng thực ra là vẽ bệnh. Ảnh: NHÓM PV
Sau khi trả 2.000 đồng tiền bơm xe, chúng tôi dẫn xe ra khởi động thì xe không nổ máy. Lúc này nam thanh niên liền tới “giúp đỡ, kiểm tra giúp”.
Tuấn nhấn thử đề, nói “Xe bị hụt hơi” và sẽ xử lý. Chúng tôi trình bày xe đang chạy bình thường, chỉ xẹp bánh thì Tuấn nói: “Hay hư phần xăng, hư nồi, cái này bó nồi à? Sợ đứt dây curoa cuốn vào đấy, không kéo được luôn”.
Tiếp theo, Tuấn tháo cốp xe, tháo nồi rồi thông báo: “Không được rồi, chết motor trong này rồi. Giờ có hai phương án, một là thay cả bộ, hai là thay motor. Thay cả bộ thì mắc, motor thì rẻ hơn tí. Cả bộ 1,4 triệu đồng, motor thì 960.000 đồng”.
Tuấn sau đó tháo tung xe ra để vờ kiểm tra. Ảnh: NHÓM PV
Tháo hết xe xong, người này vẽ bệnh "hư mô tơ bơm xăng" rồi thản nhiên gắn lại dây mobin sườn đã tháo trước đó. Ảnh: NHÓM PV
Sau khi tháo motor bơm xăng và thông báo đã hư, Tuấn thản nhiên gắn lại dây mobin sườn vào chốt vang lên một tiếng “cạch” khô khan lúc chúng tôi đang ngồi ngay cạnh.
Chúng tôi than đi đường xa, không đủ tiền, liệu có phương án nào giá thấp nhất không thì Tuấn cho biết “motor này mắc”. Chúng tôi tiếp tục than khổ, hết tiền, trong khi xe đi mượn thì Tuấn giảm giá: “Một bộ 1,2-1,4 triệu đồng. Nguyên sợi dây đã là 800.000 đồng”.
Thấy chúng tôi nhăn mặt, bứt tóc vì giá cao, Tuấn tiếp tục nói: “Để xem có motor đời cũ nào không, đời cũ nó rẻ”. Sau một số lần giảm giá và hỗ trợ, cuối cùng Tuấn đồng ý thay motor với giá gần 700.000 đồng. Thay xong, Tuấn liếc nhìn vào dây mobin sườn, thấy đã gắn vào chắc chắn nên bóp thắng, nhấn đề thì xe nổ giòn giã.
PV nói: “Vầy là đúng bệnh, mà xui quá, xe mượn, vừa đi đã hỏng”, Tuấn ra vẻ thông cảm: “Hơi đen tí”.
Dạy nhau cách phá xe Khoảng 17 giờ ngày 5-7, PV vào thay nhớt tại tiệm để bảng chuyên sửa xe các loại, Honda, tay ga… trên QL51 (xã Long An, huyện Long Thành, Đồng Nai) do ông Nguyễn Văn Đông (có họ hàng với Trương Văn Tuấn) làm chủ. Ông Đông đang thay nhớt thì có ông Nguyễn Đình Hưng (cùng quê huyện Nga Sơn, Thanh Hóa) tới nói chuyện. Hai người này ngồi sát vào nhau rì rầm. Đông và Hưng dạy nhau cách phá xe của chúng tôi. Ảnh: NHÓM PV Lúc này, ông Hưng hỏi: “Biết chỗ dây chưa?”. “Cái gì?” - ông Đông trả lời. “Khỏi cần cúi, thò tay vào, thế là rồi…” - ông Hưng hướng dẫn. “Dứt không?” - ông Đông hỏi. “Dứt đi” - ông Hưng trả lời. Ông Đông nói tiếp: “Tí làm hai cái, sạc bình và cái kia, hai cái (ý là vẽ hai bệnh cho xe)”. “Đứng lên thò tay vào, khỏi cần cúi xuống, cúi chi” - ông Hưng bày tiếp. Sau một quãng im lặng, ông Đông thò tay vào hông xe tìm cách rút dây mobin sườn, tuy nhiên do “mới học nghề” nên hơi luống cuống và do tay to nên rút không thành. Ông Hưng tưởng ông Đông đã rút xong nên đứng dậy. Cả hai mau chóng rời khỏi chiếc xe… Người tên Trương Văn Tuấn phá xe nêu trên cũng là họ hàng của ông Đông và ông Hưng. |
........................
Có dấu hiệu tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản Hành vi của các chủ tiệm sửa xe, thợ sửa xe cố ý làm hư hỏng thiết bị của xe, buộc người vào sửa xe phải thay bằng các thiết bị, phụ tùng trôi nổi nhằm trục lợi. Đây là hành vi trái pháp luật, cần phải bị lên án và phải được xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi phá xe có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tại khoản 1 Điều 178 BLHS, các hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản chỉ bị coi là phạm tội khi giá trị tài sản từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc giá trị tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây: + Đã bị xử phạt hành chính về hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản mà nay lại có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng. + Bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. + Phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản do gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đây là trường hợp thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng gây ra ảnh hưởng xấu (rất xấu hoặc đặc biệt xấu) đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. + Phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản do tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. + Tài sản là di vật, cổ vật. |
Các chủ tiệm phá xe liên tục giở các trò lấy tiền của khách, trường hợp bị phát hiện thì xin lỗi, nhờ bỏ qua.
Nguồn: [Link nguồn]