Cách ly F1 tại nhà đang vướng ở đâu?
TP.HCM đã lên phương án thí điểm cách ly F1 tại nhà song đã gần nửa tháng trôi qua, phương án này vẫn trong tình trạng “đưa lên, nhấc xuống”...
Phương án lắp đặt camera theo dõi từ xa đối tượng cách ly từng phát huy hiệu quả tại Bắc Giang song lại không phù hợp với TP HCM hiện nay
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, TP HCM đã lên phương án thí điểm cách ly F1 tại nhà, song đã gần nửa tháng trôi qua, phương án này vẫn trong tình trạng “đưa lên, nhấc xuống”, ngay cả khi Bộ Y tế có hướng dẫn.
Có hướng dẫn của Bộ Y tế vẫn… chưa đủ
Vừa trở về nhà sau hơn 1 tháng đi cách ly tập trung, 7 lần xét nghiệm Covid-19, chị Nguyễn Thị H. (thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ hành trình “gian truân” của mình: “Ngay sau khi F0 được đưa vào viện, tôi được đưa đi cách ly tập trung tại Sơn Tây.
Vậy mà tới khi F0 khỏi bệnh được về nhà, tôi vẫn phải tiếp tục chuỗi ngày cách ly bởi khu tập trung xuất hiện 35 ca lây nhiễm chéo. Quá tải, chúng tôi lại phải chuyển qua khu cách ly mới tại Hòa Lạc dù đã qua 6 lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính…”.
Cả nước hiện có hơn 170 nghìn người đang phải cách ly y tế, trong đó khoảng 40 nghìn người cách ly tại bệnh viện và cơ sở tập trung. Điều này đang tạo áp lực cho việc quản lý cách ly, tăng nguy cơ lây nhiễm chéo, cũng như gánh nặng về tài chính, nhân lực cho các địa phương.
Cách đây không lâu, chính Bắc Giang đã phát sinh hàng nghìn ca lây nhiễm trong khu cách ly. Mới đây, tại tâm dịch TP HCM, cao điểm từ 24 - 25/6 thành phố ghi nhận 667 ca nhiễm Covid-19, cao nhất từ trước đến nay.
Trong đó, có 99 người được phát hiện bị nhiễm trong khu phong tỏa, 538 trường hợp tại khu cách ly…, nâng tổng số ca nhiễm tại TP HCM lên hơn 2.300 ca trong riêng đợt dịch thứ 4 này, kéo theo hàng chục nghìn F1 khác.
Cụ thể, tính tới 27/6, TP HCM đang thực hiện cách ly hơn 38 nghìn người, trong đó gần 12 nghìn người cách ly tập trung, gần 27 nghìn người cách ly tại nhà/nơi lưu trú.
Trước tình trạng trên, TP HCM phải mở rộng công suất các khu cách ly tập trung trên địa bàn. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thừa nhận, tình hình cách ly tại các khu cách ly tập trung của TP HCM đang quá tải, nhiều nhân viên y tế, lực lượng chức năng đang trực tại đây đã quá sức. Vì vậy, ông Sơn đề xuất thành phố cần phải cách ly các trường hợp F1 ít có nguy cơ tại nhà.
Trưa qua (27/6), Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho các đối tượng thuộc diện F1 để TP HCM xem xét, áp dụng thí điểm.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, điều kiện cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F1 là có nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập). Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng: “Địa điểm cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19”.
Người được cách ly (F1) phải có phòng riêng, khép kín và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình. Nếu nhà có nhiều tầng thì sử dụng một tầng riêng biệt.
Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe (bố trí bàn, ghế, dung dịch sát khuẩn tay chứa ít nhất 60% cồn, thùng đựng chất thải lây nhiễm, thùng đựng chất thải sinh hoạt).
“Bộ Y tế chỉ ban hành hướng dẫn còn thực hiện cụ thể thí điểm tại đâu và như thế nào sẽ tùy thuộc vào từng địa phương”, ông Sơn cho biết.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không có chế tài đầy đủ, các địa phương khó “tự quyết”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS. Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho hay: “Việc cách ly y tế F1 tại nhà để đảm bảo an toàn cần phải xây dựng những quy định chặt chẽ và các đối tượng phải nghiêm túc thực hiện.
Theo đó, người cách ly phải thực hiện nghiêm túc theo quy định của Bộ Y tế và nếu thực hiện không nghiêm, để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng phải chịu chế tài của pháp luật. Yêu cầu gia đình, đối tượng F1 phải làm cam kết và quy trách nhiệm về từng cá nhân”.
Tương tự, BS. Trương Hữu Khanh, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho biết: “Đã đến lúc cần cách ly F1 có nguy cơ thấp tại nhà, trong đó cần nhấn mạnh trách nhiệm của chính F1 và người nhà trong việc thực hiện, thậm chí có thể xử lý hình sự nếu vi phạm”.
Giữa tháng 7 có thể thực hiện đồng loạt cách ly F1 tại nhà?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Việt Hải, chuyên gia tại Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia cho biết, việc giám sát cách ly từ xa đã được thực hiện từ cuối tháng 5, thông qua lắp đặt và kết nối tích hợp 3.000 camera giám sát tại các khu vực cách ly thuộc các tỉnh phía Bắc. Riêng Bắc Giang đã được lắp đặt thêm 1.000 camera tại 130 cơ sở cách ly.
“Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia hiện đang giải quyết 2 bài toán lớn và cấp thiết nhất gồm hệ thống mã QR khai báo y tế và truy vết dịch. Song song với đó là số hóa tiêm chủng giải quyết bài toán quản lý chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 trên cả nước. Đây cũng là thách thức đối với năng lực công nghệ và triển khai trong bối cảnh các địa phương vênh nhau về điều kiện KT-XH cũng như trình độ quản lý. Ông Trần Việt Hải, chuyên gia tại Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia” |
“Toàn bộ dữ liệu hình ảnh từ camera được tích hợp lên hệ thống quản lý tập trung tại Trung tâm điều hành giám sát.
Hệ thống ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, cho phép Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chỉ đạo tại tỉnh và Bộ phận quản lý tại khu vực cách ly giám sát hình ảnh 24/7 theo phân cấp, hạn chế tối đa các diễn biến có thể làm trầm trọng hơn tình hình dịch bệnh trong điều kiện địa phương đã huy động tối đa nhân lực, vật lực”, ông Hải cho biết.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng khẳng định, giải pháp gắn camera theo dõi từ xa chỉ phát huy hiệu quả trong trường hợp vùng xuất hiện F1 có nguy cơ cao trở thành F0.
Còn tại TP HCM, câu chuyện lại hoàn toàn khác, dù đối tượng F1 rất lớn, nhưng thành phố có đủ năng lực xét nghiệm nhanh, phân loại nhóm có nguy cơ cao nên cần có biện pháp công nghệ đảm bảo giám sát F1 tại nhà phù hợp, tránh quá tải cho cách ly tập trung.
Theo ông Hải, Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 Quốc gia đang phát triển giải pháp công nghệ, dự kiến tới 15/7 sẽ ra mắt phương án có khả năng triển khai đồng loạt.
“Song song với công nghệ, cần quy trình phối hợp từ cơ chế chính sách tới việc tuân thủ, thực hiện quản lý, xử lý thông tin tại các cấp địa phương… hay hệ thống chăm sóc hỗ trợ cách ly tại nhà…”, ông Hải nói và nhận định: “Vấn đề cơ bản không phải nằm ở công nghệ mà mệnh lệnh hành chính đủ nghiêm mới có thể giải quyết bài toán cách ly F1 tại nhà triệt để. Suy cho cùng, công nghệ chỉ mang tính chất hỗ trợ, nếu không tổ chức tốt thì ngay cả có công nghệ cao cũng vẫn có nguy cơ bị lây chéo giữa các đối tượng cách ly”.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý cho Đồng Nai thực hiện thí điểm cách ly tại nhà đối với F0 không có triệu chứng...