Điều hiếm gặp: Không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng giữa mùa hè
Hàng loạt điểm đo chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội ghi nhận mức đỏ, tím - tức rất nguy hại cho sức khỏe con người.
Sáng 28/7, có thời điểm Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới. Ảnh chụp màn hình Air Visual.
Sáng 28/7, nhiều người dân tại Hà Nội ra đường thấy một lớp sương mờ trong không khí, trời âm u. Bụi và ô nhiễm không khí khiến nhiều người cảm thấy cay mắt, khó chịu trong người.
Lúc gần 8h sáng nay, trên ứng dụng Air Visual, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội đạt mức 173 - đứng ở vị trí ô nhiễm nhất thế giới thời điểm đó, xếp trên cả Chile, Trung Quốc, Indonesia...
Đến khoảng 10h, trên hệ thống đo chỉ số AQI từ ứng dụng PAM Air, nhiều điểm đo tại Hà Nội vẫn ở ngưỡng đỏ và tím. Đây là mức nguy hại, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người.
Không chỉ Hà Nội, nhiều tỉnh thành ở phía Bắc như: Ninh Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương… cũng đều ở ngưỡng màu đỏ, có nơi lên đến chỉ số 180, tức mức có hại cho sức khỏe.
Nhìn trên biểu đồ biến thiên của 1 điểm thì thấy màu đỏ của ô nhiễm không khí bắt đầu từ ngày 27/7.
Nhiều điểm đo chất lượng không khí tại Hà Nội ở ngưỡng đỏ và tím. Ảnh chụp màn hình PAM Air.
Trao đổi với PV, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, từ ngày 27/7, tình hình không khí ở Hà Nội bắt đầu ô nhiễm trở lại. Sáng 28/7, từ khoảng 4-5h sáng, chất lượng không khí xuống mức rất tệ.
“Đây là điều khá hiếm gặp khi Hà Nội đang là giữa mùa hè. Dự đoán ban đầu của tôi là do thời tiết thay đổi (nhiệt độ, gió ...) nên bụi không khuếch tán, phát tán đi được”, ông Tùng chia sẻ.
Thông thường, nghịch nhiệt thường xảy ra vào mùa đông và mùa xuân khi các đợt không khí lạnh tràn về. Lớp nghịch nhiệt này giống như một cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao.
Bảng thang đo và mức cảnh báo chất lượng không khí.
Bộ Y tế khuyến cáo, khi chất lượng không khí từ ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu) trở lên, người dân nên hạn chế ra đường phố, đi tập thể dục, lao động ngoài trời. Vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý, nhất là sau khi ra đường.
Tra, rửa mắt bằng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ. Người hút thuốc nên hạn chế hút thuốc lá, người không hút thuốc nên tránh xa khỏi thuốc lá.
Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào ở những thời điểm chất lượng không khí xấu, nhất là những gia đình ở gần đường giao thông và khu vực ô nhiễm. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí. Hạn chế sử dụng và thay thế bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ.
Người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mãn tính, người già, người suy dinh dưỡng, người bệnh tim mạch cần thực hiện các biện pháp dự phòng kể trên nghiêm ngặt hơn. Nếu có bất thường cần đến cơ sở y tế kịp thời.
Chiều 13-7, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) đã có Báo cáo về kết quả công tác khắc phục sự cố môi trường...
Nguồn: [Link nguồn]