Điều gì giúp Philippines “tự tin” đối phó TQ?

Tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 23/5 đăng bài phân tích về các chiến lược mà Philippines hiện đang áp dụng giúp nước này “tự tin” đối phó với tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông khi nhìn nhận lại căng thẳng giữa Philippines và Đài Loan xung quanh vụ tàu tuần tra Philippines bắn chết ngư dân Đài Loan, cũng như lịch sử “đối đầu trên biển” với Trung Quốc.

Điểm lại vụ tranh chấp trên bãi cạn Scarborough cũng như việc Tổng thống Philippines Benigno Aquino thảo luận về vấn đề tranh chấp Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng như đệ đơn kiện Trung Quốc lên tòa án Liên Hợp Quốc, Hoàn Cầu đặt câu hỏi: Điều gì khiến một quốc gia yếu hơn như Philippines có thể “khiêu khích” đến như vậy?

Bài báo nêu ra bốn lý do chính giải thích cho thái độ và các động thái mà Philippines áp dụng đối với Trung Quốc trong tranh chấp trên Biển Đông.

Thứ nhất, thể chế chính trị hiện nay ở hai bờ eo biển Đài Loan tạo nên lỗ hổng để Philippines khoét sâu vào vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Điều đó dẫn tới việc cả Đài Loan và Trung Quốc ít hợp tác hơn trong bảo vệ “quyền lợi chung” ở Biển Đông, vô tình trao lợi thế vào tay Philippines.

Thứ hai, Hoàn Cầu cho rằng Mỹ luôn “ngoảnh mặt làm ngơ” và thể hiện thái độ “nuông chiều” cho “sự hung hăng” của Philippines. Sau khi chính quyền Obama tuyên bố chính sách thay đổi trục chiến lược sang châu Á, việc kiềm chế Trung Quốc trở thành vấn đề chiến lược quan trọng nhất. Và đòn bẩy tốt nhất để thực hiện chiến lược này chính là những tranh chấp lãnh thổ liên tục giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng.

Loại “quan hệ đôi bên cùng có lợi” này khiến cho Mỹ và Philippines trở nên hòa thuận. Hoàn Cầu quy kết rằng đó là lý do tại sao tranh chấp trên Biển Đông trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Obama nhậm chức.

Ngoài ra, kẻ yếu luôn có thể chơi lá bài thông cảm. Philippines không thể nào đọ được với Trung Quốc về sức mạnh quân sự, nhưng họ có lợi thế trong lĩnh vực ngoại giao và dư luận quốc tế.

Đó là do Philippines có thể lôi kéo về phía mình những quốc gia cùng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc hoặc lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một khi xung đột nổ ra, Trung Quốc ngay lập tức bị dán nhãn là quốc gia “cứng rắn”, “độc đoán” và “hiếu chiến”.

Điều gì giúp Philippines “tự tin” đối phó TQ? - 1

Tàu chiến Trung Quốc tập trận trái phép tại Trường Sa

Nguyên nhân cuối cùng là việc thiếu các chiến lược đối phó đã đẩy Trung Quốc vào thế khó khi đối mặt với Philippines.

Manila rất khéo léo đối phó với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng cách sử dụng nhiều chiến lược khác nhau.

Chẳng hạn như Philippines biết cách phải làm thế nào để thu hút sự ủng hộ của dư luận thế giới trong các tranh chấp với Trung Quốc, đồng thời kiểm soát và cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực thông qua ngoại giao đa phương và luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, sự kém hiểu biết về các quy tắc và luật lệ quốc tế đẩy Trung Quốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khiến cho các phản ứng ngoại giao trở nên thụ động.

Thế nhưng, Hoàn Cầu vẫn mạnh miệng tuyên bố rằng Philippines và các quốc gia hậu thuẫn cần phải rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng mới đây, trong khi Trung Quốc và Đài Loan cần phải suy nghĩ về sự thiếu hợp tác giữa hai bên.

Đồng thời Hoàn Cầu còn lên tiếng rằng nếu vụ việc đó không được xử lý tốt, nó có thể leo thang thành một cuộc xung đột ngoại giao còn nghiêm trọng hơn và có thể hủy hoại hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Thành (Theo Hoàn Cầu) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN