Điều gì chờ ông Bá Thanh ở Ban Nội chính?

Thêm nhiệm vụ chuyên trách phòng chống tham nhũng, cộng với người đứng đầu Nguyễn Bá Thanh, lần tái lập này của Ban Nội chính được kỳ vọng hơn rất nhiều so với trước đây.

Từng nhiều năm công tác tại Ban Nội Chính trước đây, hơn ai hết, ông Phạm Quốc Anh, nguyên Quyền Trưởng Ban Nội Chính TƯ, nắm rõ được gánh nặng mà Ban Nội Chính lần này đảm nhiệm:

"Nhiệm vụ khó khăn nặng nề là vậy, đề ra cơ chế đã khó nhưng có thực hiện hay không lại đòi hỏi đội ngũ đủ đức, đủ tài. Song, quan trọng nhất vẫn phải phụ thuộc người đứng đầu. Tôi nghĩ với tố chất mạnh mẽ dám nghĩ, dám làm, nói thẳng, nói thật thì ông Nguyễn Bá Thanh là người xứng đáng!

Nói đi cũng phải nói lại, tố chất lãnh đạo của Nguyễn Bá Thanh đã được khẳng định ở Đà Nẵng, còn với vị thế mới, quy mô mới, muốn biết có hiệu quả hay không thì còn phải chờ xem đã..."

Theo ông, so với trước đây, trong lần “tái xuất” này Ban Nội Chính có những chức năng nhiệm vụ gì nổi bật?

Trước đây nhiệm vụ của Ban Nội Chính đã nặng nề, song lần này tái thành lập lại càng nặng nề hơn. Hai mảng được coi là nặng nhất của Ban là theo dõi giám sát các vụ án và tham mưu, giám sát xây dựng chính sách pháp luật. Tuy nhiên, lần này Ban còn được phân công thêm nhiệm vụ chuyên trách hàng đầu nữa là chủ trì nghiên cứu đề xuất chính sách chủ trương về phòng chống tham nhũng.

Ngoài ra, Ban Nội chính cũng là cơ quan kiểm tra, giám sát hoạt động lãnh đạo cơ quan Bộ ngành, thối còi những hành vi, văn bản vi hiến.

Điều gì chờ ông Bá Thanh ở Ban Nội chính? - 1

Ông Phạm Quốc Anh, nguyên Quyền Trưởng Ban Nội chính TƯ

Phòng chống tham nhũng được coi là nhiệm vụ quan trọng của Ban Nội chính lần này, như vậy cũng có nghĩa Ban Nội chính có thể can thiệp vào những vụ án tham nhũng nghiêm trọng?

Đúng như thế, tham nhũng hiện đang phổ biến tràn lan, hễ ai có chức có quyền là có thể tham nhũng. Chính vì vậy, khi xử lý đã có sự phân loại theo từng cấp. Tuy nhiên, đối với nhưng những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vụ án tiêu cực do cố ý làm trái chủ trương, chính sách, cần phải có ý kiến chỉ đạo chặt chẽ của Đảng và nhiệm vụ này do Ban nội chính đảm nhiệm. Với sự phân công này, hy vọng những vụ án nghiêm trọng sẽ được giám sát chặt chẽ, đảm báo tính chính xác, nghiêm minh.

Vậy theo ông, khi Ban Nội Chính đi vào hoạt động liệu có chuyện “ đá lấn sân” của các cơ quan phòng chống tham nhũng đã được thành lập trước đó?

Về nguyên tắc Ban Nội chính không thay thế các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng của Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra Chính phủ, mà đóng vai trò chỉ đạo đạo đôn đốc kiểm tra giám sát thực hiện theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng. Trước đây, vẫn để diễn ra hiện tượng bị lọt người, lọt tội thậm chí bỏ quên vụ án…

Thời gian Ban Nội chính cũ bị giải thể, ông nhận định thế nào về hoạt động giám sát những vụ án tham nhũng nghiêm trọng?

Khi giải thể Ban Nội chính, việc giám sát xử lý những vụ án đã được giao lại cho những cơ quan chuyên trách để đề cao tinh thần trách nhiệm của từng ngành… Tuy nhiên vừa qua nhiều vụ án động chạm tới cán bộ lãnh đạo cấp cao, các ngành cũng khó giải quyết thì lại phải chuyển sang ý kiến của Đảng.
Thực tế, giao mảng nội chính để cơ quan hành pháp điều hành đã khiến phần nào sụt giảm vai trò lãnh đạo của Đảng. Rõ ràng, trong hoàn cảnh này nói là giải thể để tinh gọn nhưng thực chất lại là bỏ sót công việc.

Thực tế đã chứng minh, trong thời gian giải thể Ban Nội chính, đã có nhiều vụ án ngay cả khi các ban ngành cùng vào cuộc, phải làm đi làm lại mà tới bây giờ vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Chẳng hạn vụ PMU 18, Uỷ Ban Kiểm tra TƯ, Thanh Tra Chính phủ cùng các cơ quan bộ ngành liên quan đã vào cuộc nhưng giải quyết vẫn không triệt để, có những cán bộ sau khi bị xử lý lại được phục chức gây dư luận không tốt… Hay vụ Vinashin cũng là một vụ án lớn động chạm nhiều lãnh đạo bộ ngành, mặc dù đã giao cho Ủy Ban Kiểm tra TƯ làm nhưng với chức năng nhiệm vụ không chuyên nên cuối cùng cũng chưa đi tới đâu.

Về phần mình, tôi tin rằng khi đã có Ban Nội chính TƯ thì những vụ án phức tạp như thế, chắc chắn sẽ được giải quyết triệt để hơn!

Điều gì chờ ông Bá Thanh ở Ban Nội chính? - 2

Với sự hiện diện của Ban Nội Chính TƯ, những vụ án tiêu cực phức tạp như PMU 18 sẽ được giải quyết triệt để hơn

Để đảm nhận được chức trách quan trọng như vậy, theo ông Ban Nội Chính TƯ cần phải có cơ chế làm việc như thể nào?

Trước đây những vụ việc lớn thì Ủy Ban Kiểm Tra TƯ sẽ tổng hợp từ cơ quan kiểm tra các cấp ủy để báo cáo lên Ban Bí thư, Bộ Chính trị. Tuy nhiên vẫn còn để sót vụ việc, đôi khi chỉ là vụ nhỏ nhưng để du di lâu ngày sẽ phình ra thành vụ lớn. Khi Ban Nội Chính được tái lập, sẽ là kênh giám sát nhanh nhạy, phản ánh kịp thời tới Đảng, nhằm xử lý triệt để hành vi vi phạm, tiêu cực từ khi còn là mầm mống.

Để làm được điều này, Ban Nội chính TƯ phải xây dựng được cơ chế làm việc có quan hệ chặt chẽ với bộ ngành, phân công, phân cấp nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng từ cấp chuyên viên tới phó, trưởng ban.

Trao đổi với PV, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra Trung Ương bày tỏ: "Mong mỏi lớn nhất của dư luận đối với Ban Nội chính lần này có thể xây dựng cơ chế, nền nếp kỷ cương sao cho cả xã hội, mọi người có điều kiện, đã, đang và sẽ tham nhũng thì không thể, không dám, không muốn tham nhũng. Vấn đề quan trọng là ban này cần tập hợp những người không tham nhũng, kiên quyết chống tham nhũng, có dũng khí, mưu trí, không ngại khó ngại khổ, luôn xác định không có vùng cấm..."

Nhắc lại những lần kết hợp giữa Ban Nội Chính với Ủy Ban Kiểm tra TƯ trong xử lý các vụ án lớn từng liên quan tới nhiều cán bộ đảng viên cấp cao như: Thủy cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh, vụ án Năm Cam… Ông Hùng nhận định, hai cơ quan này luôn sát cánh bên nhau và có quan hệ khăng khít như răng với môi. Trong mỗi vụ án, Ban Nội chính đóng vai trò chủ công làm rõ đúng sai vụ việc, theo dõi giám sát vụ án, còn Ủy ban đóng vai trò nắm tình hình, xử lý và báo cáo đề nghị xử lý những cán bộ cao cấp thuộc diện Trung Ương quản lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai (thực hiện) ([Tên nguồn])
Ông Nguyễn Bá Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN