Diễn tiến mới vụ cô giáo Dung ở Nghệ An bị xử 5 năm tù
Ban Dân nguyện chuyển đơn của chồng bị cáo Dung đến Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao để xem xét, xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Ngày 18-5, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV, cho biết ông đã ký văn bản chuyển đơn gửi tới Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao về vụ án bị cáo Lê Thị Dung ở Nghệ An.
Theo đó, Ban Dân nguyện nhận được đơn của ông Phạm Ngọc Thạch, trú tại khối 5, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, có nội dung kiến nghị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét lại việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và đã quyết định xử phạt bị cáo Lê Thị Dung (vợ ông Thạch) 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo nội dung đơn, ông Thạch cho rằng vụ án của vợ mình có dấu hiệu oan sai, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm không có căn cứ pháp luật, cố tình áp dụng sai luật, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bà Dung.
Cũng theo ông Thạch, những việc làm bà Dung trên cương vị công tác được giao là đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, không vụ lợi cá nhân, không làm trái công vụ, các khoản duyệt chi cho viên chức, nhân viên (trong đó có cả bà Dung) đều có trong quy định của các bản Quy chế chi tiêu nội bộ từ năm 2012 – 2017 có giá trị pháp lý. Quy chế này được soạn thảo, ban hành đúng quy định pháp luật, đã gửi cho Kho bạc nhà nước huyện Hưng Nguyên và UBND huyện Hưng Nguyên để kiểm soát chi, duyệt chi, quyết toán thu chi hàng năm nên không vi phạm pháp luật về tài chính kế toán.
Đồng thời, vụ án không có thiệt hại, không có người bị hại và hành vi không cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ban Dân nguyện chuyển đơn, tài liệu kèm theo của ông Phạm Ngọc Thạch đến Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao để xem xét, xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trả lời công dân và báo cáo kết quả giải quyết đến Ban Dân nguyện để thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo bản án sơ thẩm số 17/2023/HS-ST ngày 24-4-2023 của TAND huyện Hưng Nguyên thì các năm 2012, 2014, 2015 và 2016, với tư cách là chủ tài khoản, bị cáo Lê Thị Dung (khi đó là giám đốc Trung tâm GDTX huyện huyện Hưng Nguyên) đã kê khai một số nội dung thanh toán hai lần đối với một nghiệp vụ tài chính phát sinh.
Cụ thể, năm học 2011-2012, bị cáo Dung có 21 tiết dạy (được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ) từ nội dung đi tập huấn trong ngày làm việc bình thường, đi kiểm tra, tập huấn đổi mới kiểm tra. Số tiền thanh toán là hơn 3,3 triệu đồng. Bản án cho rằng “với những nội dung tập huấn, kiểm tra nêu trên, bị cáo Lê Thị Dung đã được thanh toán tiền công tác phí tại Phiếu kế toán số 140 ngày 28-12-2011 có nội dung công tác phí với số tiền 510.000 đồng”.
Năm học 2013-2014, bị cáo Dung có bốn tiết dạy được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ cho nội dung bí thư chi bộ, tập huấn và học cao học với số tiền 303,052 đồng. Bản án cho rằng các nội dung nói trên bị cáo Dung đã được hưởng phụ cấp cấp ủy hằng tháng, đã được hỗ trợ và được thanh toán rồi.
Tương tự, năm học 2014-2015, bị cáo Dung đã có 171 tiết dạy được quy đổi để thanh toán tiền thừa giờ với số tiền thanh toán hơn 30 triệu đồng (trong khi các khoản này bà đã được hưởng, hỗ trợ); năm học 2015-2016, bị cáo Dung lại nhận hơn 13 triệu đồng…
HĐXX đồng ý với VKS về việc khoản rút một phần truy tố các bị cáo về hai hành vi vi phạm năm 2011-2012 và năm 2013-2014, từ đó cho rằng bị cáo có hai hành vi phạm tội với số tiền 44,7 triệu đồng.
Liên đoàn Luật sư đề nghị TAND Nghệ An xem xét thận trọng vụ án để xác định có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng của cấp sơ thẩm hay không.
Nguồn: [Link nguồn]