Diện mạo siêu cảng trung chuyển quốc tế hơn 5 tỷ USD ở Cần Giờ trong tương lai
Theo đề án nghiên cứu, khi đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ đóng góp cho ngân sách từ 34.000 - 40.000 tỷ đồng/năm, thông qua thu thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM đã có văn bản trình UBND TP về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo đề án nghiên cứu, sau khi đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước thông qua thu thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, khoảng 34.000-40.000 tỷ đồng/năm.
Đồng thời, cảng cũng sẽ tạo ra 6.000-8.000 việc làm cho nhân viên, lao động làm việc tại cảng và hàng chục nghìn lao động khác làm dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan.
Vị trí dự kiến của cảng được đặt tại Cù lao Phú Lợi ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải (huyện Cần Giờ), gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông. Vị trí cảng được đánh giá là tốt nhất Việt Nam hiện nay, có độ sâu khoảng 14m, đảm bảo tiếp nhận thành công tàu trọng tải đến 232.494 tấn (sức chở 24.188 Teu) giảm tải.
Ngoài ra, khu vực này có chế độ thủy văn ổn định, khí hậu thuận lợi, ít khi chịu ảnh hưởng của bão, đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác cảng.
Vị trí đặt cảng nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển này.
Theo đề án, việc bổ sung quy hoạch, phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2021-2030 là rất cần thiết nhằm hỗ trợ cho hệ thống cảng biển thành phố, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế biển cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.
Dự án có tổng chiều dài mặt sông khoảng 7,2 km, trong đó 6,8 km là bến tàu mẹ (bến chính) và khoảng 1,9 km bến sà lan. Cảng được thiết kế cho phép tiếp nhận tàu mẹ với kích thước lên đến 250.000 tấn (tương đương sức chở 24.000 teus). Tổng diện tích bến cảng khoảng 571 ha và diện tích mặt nước khoảng 477,63 ha với công suất khoảng 16,9 triệu teus.
Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng hơn 5 tỷ USD (tương đương 128.000 tỷ đồng) và phân kỳ làm 7 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1, dự kiến khai thác năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045.
Theo đề án, cảng nằm ở vị trí cù lao độc lập, hiện tại chưa có hệ thống giao thông kết nối đường bộ đến cảng.
Phương án đường giao thông kết nối với dự án (khu vực phía trên bên phải).
Để kết nối giao thông đến khu vực cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TPHCM cần xây dựng cầu cạn kết nối, cầu vượt sông Lòng Tàu, đường kết nối và nâng cấp mở rộng đường Rừng Sác, xây nút giao tuyến này kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Về nguồn vốn đầu tư, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Khu công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, Trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (nhà đầu tư). Ngoài ra, các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng sẽ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP) hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.
Với công suất dự kiến 15 triệu TEUs, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được kỳ vọng vượt qua cả năng lực trung chuyển của cảng Pasir Panjang.
Nguồn: [Link nguồn]