Diện mạo đường đi bộ ven sông Hương
Thừa Thiên - Huế - Sau khi hoàn thành, các tuyến đường ven sông Hương cùng cồn Dã Viên đã làm thay đổi diện mạo một vùng rộng lớn ở TP Huế.
Năm 2021, chính quyền TP Huế xây dựng tuyến đường đi bộ kết hợp kè bờ sông Hương đoạn từ cầu Dã Viên lên đến chùa Thiên Mụ với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng. Tuyến đường dài 2,9 km, rộng 4,5 m, được lót đá granite, bố trí đèn chiếu sáng, ghế đá... để trở thành không gian công cộng dành cho người dân đi bộ và đạp xe.
5 năm qua, chính quyền TP Huế tiếp tục triển khai nhiều dự án để hoàn thiện tuyến đường đi bộ ở hai bên bờ sông Hương tạo không gian công cộng. Hơn 10 km đường đi bộ ven sông Hương cùng nhà vệ sinh công cộng được xây dựng.
Đường đi bộ trong công viên Thương Bạc nằm ở bờ bắc sông Hương, giữa cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân được TP Huế xây dựng từ năm 2019. Tuyến đường dài 600 m, rộng 4,5 m với tổng kinh phí 12 tỷ đồng.
Xưa kia, công viên Thương Bạc được triều Nguyễn xây dựng với nhiều công trình để tiếp đón các sứ thần.
Trên mặt đường, đoạn qua công viên Thương Bạc được kẻ vẽ rõ ràng cho người đi bộ và xe đạp. Đoạn đường này đã được thi công cách đây 5 năm, chất lượng vẫn rất tốt.
Hàng ngày, Trung tâm Công viên cây xanh Huế bố trí nhân viên nhắc nhở người dân không đi xe máy vào tuyến đường.
Đoạn đường xuyên qua gầm cầu Trường Tiền, nối dài về chợ Đông Ba đang được đầu tư xây dựng.
Con đường nằm dưới những tán cây cổ thụ dọc hai bên sông Hương đoạn qua công viên Thương Bạc. Một số điểm dọc sông bố trí nhiều xà đơn, xà kép để người dân tập thể dục.
Hai bên đường đi bộ được bố trí nhiều ghế đá để người dân và du khách ngồi lại nghỉ ngơi ngắm cảnh. Các điểm nối vào đường đều được treo bảng cấm xe máy, ôtô đi vào và lắp camera giám sát.
Đoạn đường từ cầu Phú Xuân lên cầu Dã Viên dài hơn một km đã hoàn thành cuối năm 2022. Hai bên đường đoạn qua công viên Phú Xuân trồng hoa tạo cảnh quan.
Bến Me nằm trong công viên Phú Xuân được TP Huế đầu tư xây dựng trở thành điểm tắm sông Hương cho người dân. Vào mùa hè nắng nóng, khu vực thu hút nhiều người dân ra tắm.
Đường đi bộ đoạn qua công viên Phú Xuân, di tích Nghênh Lương Đình nằm bên sông Hương rợp bóng cây xanh. Nghênh Lương Đình là một trong hai di tích của triều Nguyễn được in trên tờ mệnh giá 50.000 đồng.
Đường đi bộ ven sông đoạn qua phường Kim Long, Hương Long dài 2,9 km, rộng 4,5 m, được lót đá granite từ năm 2021. Tuyến đường đưa vào sử dụng cùng với cầu Kim Long vừa hoàn thành tạo mạch nối dài hơn 5 km từ cầu Trường Tiền lên thẳng chùa Thiên Mụ, tạo thuận tiện cho người dân và du khách chạy bộ, đạp xe.
Nhà vệ sinh công cộng dọc sông Hương từng là ám ảnh với người dân và du khách đã được chỉnh trang và xây mới. Năm nhà vệ sinh xây dựng mới, cải tạo quanh sông Hương với kiến trúc riêng biệt.
Theo kế hoạch, Trung tâm Công viên cây xanh Huế sẽ cho đấu giá các điểm nhà vệ sinh này thành quán cà phê, bán đồ ăn truyền thống. Đơn vị trúng đấu giá sẽ phụ trách việc dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng. Năm 2023, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã chỉnh trang cồn Dã Viên với tổng kinh phí 13 tỷ đồng, đồng thời xây dựng kiốt kết hợp nhà vệ sinh phục vụ nhu cầu của người dân, du khách.
Đường đi bộ ven sông Hương nằm trong công viên Lý Tự Trọng đoạn qua trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lúc về đêm.
TP Huế đang tổ chức thi công đoạn đường từ cầu Trường Tiền về phía sau chợ Đông Ba. Theo quy hoạch, thành phố sẽ xây dựng tuyến đường đi bộ, xe đạp từ chân cầu Dã Viên lên giao đường Huyền Trân Công Chúa ở Phường Đúc. Sau khi đọạn đường này hoàn thành, tuyến đường đi bộ hai bờ sông Hương sẽ hoàn thiện, trở thành điểm đến của người dân và du khách.
Tuyến đường nằm dọc bờ Nam sông Hương với chiều dài 400 m, chiều rộng tuyến đường 4 m, diện tích 2.443 m2.
Nguồn: [Link nguồn]