Điện hạt nhân Ninh Thuận an toàn "gần như tuyệt đối"?

Ông Sergey Boyarkin, Giám đốc các Chương trình Đầu tư cơ bản của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Nga (Rosatom), đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) đầu tiên tại Việt Nam đã khẳng định một cách chắc chắn như vậy trong cuộc tiếp xúc với phóng viên chiều 26/10 vừa qua.

Trao đổi các phóng viên trong một cuộc tiếp xúc khá vội bên lề Triển lãm Quốc tế Điện hạt nhân 2012 (báo giới được gọi điện thông báo về việc đại diện Rosatom muốn gặp gỡ báo chí trước đó đúng 15 phút), người đại diện của Rosatom tại Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh về ưu thế về công nghệ cũng như kinh nghiệm của Rosatom trong việc triển khai các dự án điện hạt nhân so với các đối thủ cạnh tranh.

Điện hạt nhân Ninh Thuận an toàn "gần như tuyệt đối"? - 1

Ông Sergey Boyarkin, Giám đốc các Chương trình Đầu tư cơ bản của Tập đoàn Rosatom. Ảnh: L.V.

Theo ông Boyarkin, Rosatom là đơn vị có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc xây dựng và vận hành các tổ hợp máy thuộc thế hệ 3+. Hai tổ hợp máy mà Rosatom đã xây dựng tại Trung Quốc đã vượt qua 30 cuộc kiểm tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và được cơ quan này đánh giá là một trong những tổ hợp máy an toàn nhất thế giới.

“Chúng tôi có thể đảm bảo rằng tổ hợp máy xây dựng tại Ninh Thuận sẽ an toàn gần như tuyệt đối”, ông Boyarkin nhấn mạnh.

Ông Boyakin giải thích, công nghệ mà Rosatom hiện nay đang sử dụng và cung cấp là công nghệ 2 chu kỳ. So với loại công nghệ 1 chu kỳ đã cũ thì công nghệ này an toàn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, công nghệ này cũng đắt hơn nhiều so với công nghệ 1 chu kỳ.

“Trong khoảng 20 năm trở lại đây, các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng trên thế giới đều chuyển sang công nghệ 2 chu kỳ. Nước Nhật là nước duy nhất tiếp tục xây dựng nhà máy điện hạt nhân 1 chu kỳ. Nhà máy Fukushima trong thảm họa vừa xảy ra năm ngoái cũng là một nhà máy được xây dựng theo công nghệ 1 chu kỳ”, ông Boyarkin nói.

Để củng cố thêm luận điểm của mình, người đại diện cho Rosatom tại Việt Nam khẳng định: “Những tính toán trên máy tính cho thấy tỉ lệ xảy ra sự cố chỉ là một lần trong 10 triệu năm. Tuy nhiên, nếu trong 10 triệu năm ấy sự cố có xảy ra thì thiết kế của nhà máy điện hạt nhân vẫn có thể đảm bảo các chất phóng xạ không bị rò rỉ ra ngoài môi trường”.

Ông Boyar cũng không quên nhấn mạnh rằng, cùng là công nghệ mới nhất và hiện đại nhất, tuy nhiên, giá thành xây dựng điện hạt nhân mà Rosatom đưa ra bao giờ cũng rẻ hơn so với các hãng cạnh tranh. Lý do được ông Boyar đưa ra là, Rosatom xây dựng các nhà máy điện hạt nhân theo kiểu seri, một chuỗi các nhà máy cả ở Nga lẫn nước ngoài. Việc sản xuất hàng loạt bao giờ cũng có giá thành rẻ hơn.

Điện hạt nhân Ninh Thuận an toàn "gần như tuyệt đối"? - 2

Gian hàng của Rosatom tại Triển lãm Quốc tế Điện hạt nhân 2012. Ảnh: L.V.

Ông Boyarkin cũng cho biết thêm, hiện tại, phía Rosatom đã hoàn thành hồ sơ đánh giá mức độ an toàn của địa điểm xây dựng nhà máy. Bước tiếp theo trong báo cáo dự án khả thi, hai bên sẽ tiến hành lựa chọn công nghệ và tính toán chi phí.

Bên cạnh việc hợp tác trong việc triển khai xây dựng NMĐHN, phía Nga cũng đang nỗ lực giúp đỡ Việt Nam trong việc xây dựng các quy chế pháp luật, đào tạo nhân lực cũng như trao đổi về nghiên cứu điện hạt nhân. “Chúng tôi không chỉ xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mà còn chia sẻ tất cả các kinh nghiệm của mình với đối tác Việt Nam”, ông Boyarkin nói.

Ông Boyarkin cũng khẳng định, Rosatom sẽ không chỉ giúp Việt Nam xây dựng, đào tạo, tư vấn hoàn thiện các quy định pháp quy mà còn hỗ trợ thu hồi các thanh nguyên liệu đã qua sử dụng, hỗ trợ vận hành, sửa chữa và cải tiến nhà máy điện hạt nhân. “Sự khác biệt lớn nhất giữa Rosatom và các đối tác khác chính là Nga là hãng duy nhất thu hồi lại các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng”, ông Boyarkin cho hay.

Trên thực tế, những khẳng định của ông Boyarkin chỉ nên xem xét với tư cách của một đối tác “cung cấp sản phẩm”. Những đảm bảo và hỗ trợ từ phía Rosatom sẽ được chứng minh khi dự án NMĐHN Ninh Thuận chính thức được triển khai vào năm 2014 tới đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Văn (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN