Thanh Hoá: “Diễn biến mới” vụ “phá Giếng Ngọc” tại đền thờ Lê Văn Hưu

Sự kiện: Thời sự Thanh Hóa

Việc nhà thầu phá bỏ “Giếng Ngọc”, xây giếng mới tại đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) đã vấp phải làn sóng phản đối của nhân dân và dư luận. Đến nay, hạng mục này đang phải dừng thi công, chờ phương án bổ sung, điều chỉnh.

Nhiều ý kiến trái chiều

Việc thi công cải tạo giếng cổ, còn được gọi là Giếng Ngọc tại đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) là hạng mục thuộc giai đoạn 3 của Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thế nhưng, trong quá trình thi công nhà thầu bỏ hoàn toàn giếng cũ, thay vào đó là xây 1 giếng mới có đường kính bé hơn. 

Lý giải về vụ việc này, chủ đầu tư là UBND huyện Thiệu Hóa khẳng định, dự án này về hồ sơ, thủ tục được lập rất chặt chẽ, đúng quy trình, quy định và đã được thống nhất qua biên bản lấy ý kiến nhân dân sở tại.

Nhà thầu thi công gói thầu số 3 là Công ty Cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt.

Nhà thầu thi công gói thầu số 3 là Công ty Cổ phần Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, cũng như người dân địa phương cho rằng việc phá bỏ giếng cổ để thay thế bằng một giếng mới là một việc làm bỏ qua yếu tố lịch sử, tâm linh, nhất là nguyện vọng của người dân thôn 3, xã Thiệu Trung.

Theo một nhà nghiên cứu lịch sử tỉnh Thanh Hóa, trong khu vực đền thờ Lê Văn Hưu trước đây vốn tồn tại một cái giếng. Việc bảo tồn và giữ gìn giếng cổ là việc làm hết sức quan trọng, nên trong quá trình tu bổ, tôn tạo phải bảo tồn được yếu tố gốc, vì nó không chỉ có giá trị về mặt phong thủy mà còn quan trọng trên phương diện niên đại của di sản. Hình ảnh giếng cổ đã nằm trong ký ức của cộng đồng dân cư làng Kẻ Rỵ từ bao đời nay, bây giờ giếng không còn nữa thì không gian di sản sẽ bị phá hủy, yếu tố linh thiêng cũng bị mất đi.

Cụ Trần Thị Tương (95 tuổi), thôn 3, xã Thiệu Trung cho biết: "Giếng Ngọc đã có từ xa xưa, nước giếng lúc nào cũng trong xanh, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian của người dân trong làng". Nhìn vào thực tại, việc tôn tạo xây dựng không còn đúng theo nguyên trạng khiến người dân như cụ Tương không khỏi buồn phiền.

Nói về Giếng Ngọc, ông Trần Văn Hinh (75 tuổi), Bí thư chi bộ kiêm thôn Trưởng thôn 3 cho biết, theo tương truyền từ các thế hệ đi trước trong làng và quan điểm của ông thì giếng đã có từ thời cụ Lê Văn Hưu, cụ thể là khi cụ về đây ở thì xây dựng nên, đến nay cụ sắp kỷ niệm 700 năm tuổi thì giếng phải có niên đại lên tới 740 năm chứ không phải ít.

Có mặt tại đền thờ Lê Văn Hưu, PV ghi nhận quá trình thi công tại khu di tích vẫn đang được tiếp diễn, riêng hạng mục Giếng Ngọc vẫn tạm dừng thi công gần 1 tháng nay do vấp phải làn sóng phản ứng từ người dân, dư luận. 

Mặc dù Giếng Ngọc đã bị phá dỡ gần như hoàn toàn, nhưng vẫn có thể nhìn thấy những mảng tường đá nhuốm màu thời gian qua các mảnh vỡ thành giếng còn sót lại. Qua đó, có thể hình dung ra chiếc giếng cũ cổ kính đã trường tồn cùng nhiều thế hệ người dân nơi đây, nhưng hiện tại đã gần như biến mất, thay vào đó là một chiếc giếng nhỏ mới toanh đang xây dang dở.

Trước nhiều ý kiến trái chiều, mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Thanh Hóa đã có công văn gửi Cục Di sản văn hóa, Bộ (VH,TT&DL) về việc tu bổ Giếng Ngọc thuộc Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Đền thờ Lê Văn Hưu, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá.

Theo đó, đền thờ Lê Văn Hưu (hay còn gọi là chùa ông Hưu) trước kia có quy mô rộng lớn, cây cối um tùm, có hồ, có giếng, có gác chuông. Tuy nhiên, sau cải cách, tiền đường đã bị dỡ để làm một căn nhà tách biệt ở bên cạnh đền làm nơi họp hành làng, xã và làm một nơi đón tiếp khách về viếng thăm.

Như vậy, lý lịch di tích Đền thờ Lê Văn Hưu được ghi là có hồ, có giếng (không có Giếng Ngọc). Căn cứ vào hồ sơ khoa học di tích, Đền thờ Lê Văn Hưu được Bộ Văn hoá (nay là Bộ VH,TT&DL) công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1990, có hạng mục giếng và chưa có tài liệu nào chứng minh giếng của Đền thờ Lê Văn Hưu là giếng cổ nghìn năm.

Tạm dừng thi công Giếng Ngọc để điều chỉnh thiết kế

Về quá trình thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lê Văn Hưu, tháng 3/2019, UBND H.Thiệu Hóa phê duyệt dự án đầu tư 9 hạng mục, gồm: đền thờ chính, nhà bia, nhà từ đền, cổng tứ trụ, bình phong, am hóa vàng, nhà vệ sinh, cổng sang chùa.

Theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công giai đoạn 1 (dự án chia làm 3 giai đoạn) của dự án được Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) thỏa thuận, thẩm định, trong đó có lưu ý: "Về phương án mặt bằng tổng thể di tích: đối chiếu với bản vẽ mặt bằng đánh giá hiện trạng kiến trúc cảnh quan khuôn viên di tích với bản vẽ bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng, vị trí giếng rồng đã bị dịch chuyển từ vị trí chếch bên trái đền sang vị trí chếch bên phải đền. Do đó, cần điều chỉnh thiết kế để tu bổ giếng rồng tại vị trí hiện có đảm bảo yếu tố gốc là vị trí giếng…".

Sau khi vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, cơ quan chức năng yêu cầu tạm thời dừng thi công Giếng Ngọc để điều chỉnh thiết kế

Sau khi vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, cơ quan chức năng yêu cầu tạm thời dừng thi công Giếng Ngọc để điều chỉnh thiết kế

Đến giai đoạn 3, khi thực hiện hạng mục Giếng Ngọc, Cục Di sản văn hóa thẩm định, trong đó có lưu ý "điều chỉnh vị trí thiết kế Giếng Ngọc để hạn chế tối đa việc dịch chuyển giếng".

Trong quá trình thi công giai đoạn 3, do vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của nhân dân và dư luận nên Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đã cho tạm dừng thi công hạng mục Giếng Ngọc. Đồng thời, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đề nghị Cục Di sản văn hóa sớm tổ chức kiểm tra thực tế và có ý kiến chỉ đạo cụ thể để địa phương và Sở VH-TT-DL Thanh Hóa có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

Mới đây, ngày 4/4/2022 UBND tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản số 4427/UBND-VX về việc điều chỉnh thiết kế hạng mục công trình thuộc dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu. Theo đó, giao UBND huyện Thiệu Hoá căn cứ quy định của pháp luật, ý kiến kết luận của lãnh đạo Cục Di sản văn hoá tại hội nghị 28/3/2022 và văn bản số 1203/SVHTTDL ngày 28/3/2022 của Sở VH-TT-DL để chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, lập hồ sơ bổ sung,điều chỉnh thiết kế hạng mục: giếng, tường rào, nhà bia thuộc Dự án, nhất là hạng mục giếng.

Trong đó yêu cầu việc bổ sung, điều chỉnh phải phù hợp mục tiêu, nhiệm vụ dự án đã phê duyệt, tuân thủ quy chuẩn, quy phạm về thiết kế đối với di tích và tình hình thực tế, tránh gây lãng phí. Sau khi hồ sơ nêu trên hoàn thành, UBND huyện Thiệu Hoá tổ chức tham vấn ý kiến Sở VH-TT-DL, cộng đồng dân cư nơi có di tích để tạo sự thống nhất và đồng thuận, trước khi trình Cục Di sản văn hoá theo quy định.

Vụ phá giếng cổ ở đền Lê Văn Hưu: Có giếng, nhưng không có giếng cổ ngàn năm?

Báo cáo gửi Cục Di sản, Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa khẳng định tại di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu có giếng, tuy nhiên không có giếng Ngọc và chưa có tài liệu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Hưng - Mạnh Linh ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN