Điểm tựa của cảnh sát biển

Người thân ở quê nhà luôn dõi theo chồng, con mình làm nhiệm vụ trên các tàu cảnh sát biển. Họ nguyện là hậu phương vững chắc để các cán bộ, chiến sĩ yên tâm trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trời miền Trung những ngày cuối tháng 5 này nắng như đổ lửa. Trong cái nắng như thiêu như đốt, chúng tôi tìm về nhà bà Nguyễn Thị Tuất (ngụ xóm Thái Bình, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), mẹ của thiếu úy Nguyễn Xuân Tuyển, chiến sĩ tàu CSB 2012.

Không thể chùn bước

Gia đình bà Tuất những ngày này luôn có nhiều người thân, hàng xóm đến chia sẻ, động viên khi biết anh Tuyển đang ngày đêm cùng các chiến sĩ cảnh sát biển trên tàu CSB 2012 kiên cường bảo vệ chủ quyền của đất nước trên vùng biển Hoàng Sa.

“Ngày nào tôi cũng xem bản tin thời sự phát về tình hình căng thẳng ở Biển Đông. Là một người mẹ, khi con mình hằng ngày đối diện với nguy hiểm, ai mà không lo. Ngày tàu CSB 2012 bị tàu Trung Quốc đâm và bị hư, phải đưa về Đà Nẵng sửa chữa, Tuyển có điện về nhà. Nghe cháu khỏe mạnh, gia đình mừng lắm. Thấy Tuyển lo cho sức khỏe của bố mẹ, tôi đã động viên cháu không phải lo chuyện gia đình, cố gắng giữ gìn sức khỏe, yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị giao. Bố mẹ, vợ con, làng xóm ở quê luôn ủng hộ và ở bên con trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước” - bà Tuất tâm sự.

Điểm tựa của cảnh sát biển - 1

Bà Nguyễn Thị Tuất (mẹ thiếu úy Nguyễn Xuân Tuyển) hằng ngày luôn theo dõi tin tức ở vùng biển Hoàng Sa

Ông Nguyễn Văn Linh, cha của thiếu úy Tuyển, thổ lộ: “Nhà chỉ có một mình Tuyển là con trai nên bố con rất hiểu nhau. Tôi luôn động viên cháu hãy vững vàng, yên tâm làm nhiệm vụ. Hơn bao giờ hết, những lúc này Tổ quốc rất cần những người như con và các chiến sĩ cảnh sát biển khác”.

Ở cùng xóm Thái Bình và là hàng xóm của bà Tuất là nhà ông Nguyễn Văn Trung - cha của thiếu úy Nguyễn Trung Thành, chiến sĩ tàu CSB 4033. Mới đây, vào ngày 29/5, anh Thành đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng huy hiệu “Tuổi trẻ Dũng cảm” vì đã có hành động dũng cảm trong lúc làm nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Khi nhắc về người con trai của mình, ông Trung bộc bạch: “Mỗi lần vào đất liền, cháu lại gọi điện về cho gia đình. Những lúc nói chuyện với Thành, ngoài việc hỏi thăm sức khỏe tình hình công việc hằng ngày thì tôi luôn động viên an ủi cháu cứ yên tâm công tác, mọi công việc ở nhà đều bình thường, cháu không phải lo lắng. Tâm sự với tôi, cháu hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ được đơn vị giao”.

Theo ông Trung, trong những lần trò chuyện qua điện thoại với Thành, ông đều căn dặn anh là dù có vất vả, nguy hiểm cũng không thể chùn bước, phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. “Tôi dặn con cứ yên tâm làm nhiệm vụ. Mọi người trong gia đình, họ tộc, xóm làng luôn ủng hộ việc làm dũng cảm của con và các đồng đội đang làm nhiệm vụ trên các tàu cảnh sát biển” - ông nói.

Điểm tựa của cảnh sát biển - 2

Ông Nguyễn Văn Trung (cha của thiếu úy Nguyễn Trung Thành) cùng vợ con anh tại quê nhà

Tại xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, bà Nguyễn Thị Tình - mẹ của trung úy Phan Khả Đăng, thuyền phó tàu CSB-4033  - đang phải chống chọi với căn bệnh ung thư da giai đoạn cuối. Cha anh Đăng là ông Phan Khả Thảo bị tai biến mạch máu não đang phải điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng Hà Tĩnh. Nghe tin cha mẹ ở quê nhà mắc bạo bệnh, giữa tháng 4/2014, khi tàu CSB 4033 về Đà Nẵng để sửa chữa hư hỏng do bị tàu Trung Quốc đâm lúc đang làm nhiệm vụ vào đầu tháng 4-2014, trung úy Đăng đã xin đơn vị về thăm.

Dù bệnh tật hiểm nghèo, hàng giờ, hàng ngày phải chống chọi để giành giật sự sống, thế nhưng khi chủ quyền của đất nước bị đe dọa, cha mẹ của trung úy Đăng đã động viên con sớm trở về đơn vị, lên tàu ra điểm nóng nơi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép làm nhiệm vụ. Ông Thảo cho biết: “Ngày Đăng trở vào đơn vị, thấy cháu lo lắng cho sức khỏe của bố mẹ, tôi đã nói với cháu là con yên tâm, ở nhà bố mẹ đã có vợ con và các em lo”. Ngày 26/5, trung úy Đăng đã vào đơn vị để nhận công tác.

Hãy vững vàng, yên tâm giữ biển

“Anh ấy thường lên tàu đi làm nhiệm vụ vào lúc nửa đêm nhưng lúc đó gọi điện thoại sợ mẹ con em tỉnh giấc nên anh chỉ nhắn tin về động viên…” - nói rồi chị Phan Thị Tuyết, vợ của thiếu úy Nguyễn Trung Thành, đưa cho chúng tôi xem tin nhắn mà anh gởi cho chị lúc 3 giờ ngày 13/5. Lúc ấy, anh chuẩn bị cùng các chiến sĩ cảnh sát biển lên tàu CSB 4033 ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta làm nhiệm vụ.

Tin nhắn của anh Thành ngắn gọn nhưng chan chứa tình yêu thương của một người lính, một người chồng, người cha có trách nhiệm với Tổ quốc, với gia đình. “Bố xuất phát rồi, lúc nào có sóng bố sẽ gọi điện về, bố yêu mẹ con nhiều”. Chị Tuyết và anh Thành cưới nhau vào năm 2010. Anh chị đã có 2 cháu nhỏ (lớn hơn 3 tuổi, nhỏ gần 1 tuổi). Hiện chị Tuyết đang công tác tại Trạm Y tế xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc.

Chị Tuyết cho biết từ đầu tháng 5/2014 tới nay, ngày nào chị cũng cập nhật thông tin về tình hình thực địa nơi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981. “Anh ấy lên tàu, điện thoại không liên lạc được, nhiều lúc đến cả nửa tháng, gia đình không có tin tức của anh ấy. Lo lắng nên ngày nào tôi cũng đọc báo, nghe đài, xem thời sự về diễn biến trên biển tại khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Ngày 27-8, tàu CSB 4033 về Đà Nẵng, anh ấy gọi điện về nhà, cả gia đình đều rất mừng. Anh kể rất nhiều về những ngày đêm anh cùng đồng đội giáp mặt với tàu Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nghe anh kể, tôi đã khóc. Tôi nói với anh là hãy yên tâm làm nhiệm vụ, đừng lo lắng nhiều cho mẹ con em. Anh đừng bao giờ chùn bước trước mọi khó khăn thử thách, hãy vững vàng, yên tâm giữ biển chủ quyền của Tổ quốc” - chị Tuyết thổ lộ.

Cha mẹ chồng bệnh nặng, chồng đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ, các em thì đang phải đi học ở xa nên chị Nguyễn Thị Mận (giáo viên Trường Mầm Non quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), vợ của trung úy Phan Khả Đăng, đã xin cơ quan tạm nghỉ việc về chăm sóc ông bà. Trong những ngày qua, khi nghe tin cha mẹ của trung úy Phan Khả Đăng, thuyền phó tàu CSB 4033, mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân đã đến thăm hỏi, tặng quà động viên gia đình anh. Ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, cho biết đại diện sở đã tới thăm, trao phần quà của Bộ trưởng Bộ Y tế tới gia đình trung úy Phan Khả Đăng. Toàn bộ việc chăm sóc chữa trị cho bố mẹ của trung úy Đăng sẽ được miễn phí.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Chửng, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Trị, khẳng định: “Chính quyền thường xuyên quan tâm, thăm hỏi bố mẹ trung úy Phan Khả Đăng. Chúng tôi động viên 2 bác chữa trị để chóng khỏi bệnh, để là điểm tựa vững vàng cho anh Đăng yên tâm thực hiện nhiệm vụ khó khăn của mình”.

Liên tục bị tàu Trung Quốc tấn công

Điểm tựa của cảnh sát biển - 3

Ông Nguyễn Văn Linh (cha thiếu úy Nguyễn Xuân Tuyển) và con của anh

Tàu CSB 4033 và tàu CSB 2012 - nơi các anh Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Xuân Tuyển, Phan Khả Đăng đang làm nhiệm vụ - là những tàu của lực lượng cảnh sát biển thường xuyên có mặt tại điểm nóng Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Trong lúc làm nhiệm vụ, tàu CSB 4033 và tàu CSB 2012 đã nhiều lần bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng, uy hiếp và đâm vào khiến cả 2 tàu đều bị hư hỏng. Tuy nhiên, sau khi được sửa chữa, cả 2 tàu liền ra vùng biển Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép để tiếp tục làm nhiệm vụ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Ngọc (Người Lao Động)
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN