"Điểm mặt" các đại án về trái phiếu, chứng khoán và thao túng đấu thầu
Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp; nổi lên là sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu và đấu thầu.
Ngày 8-11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 (từ ngày 1-1-2021 đến 30-9-2022).
Một trong những nội dung được đề cập là tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022. Ảnh: QUOCHOI
Theo báo cáo, trong giai đoạn trên, Chính phủ đã chỉ đạo tập trung điều tra các vụ án, vụ việc kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ các sai phạm có tác dụng lan tỏa, mang tính chất cảnh tỉnh trong những lĩnh vực nhạy cảm.
Số liệu cho thấy đã phát hiện 5.117 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 36,68%; 523 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ, tăng 40,97% .
Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán (vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC; vụ Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings; Vụ án Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Công ty cổ phần ASA), phát hành trái phiếu doanh nghiệp (vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8000 tỉ của hơn 6000 nhà đầu tư).
Hay như sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần. Điển hình là vụ kit test Việt Á, vụ Công ty AIC…
Ngoài ra, tội phạm, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại ngày càng lớn như quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, đất đai, tài chính, ngân hàng, tài nguyên, khoáng sản, thuế lợi dụng chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh...
Cùng với đó, buôn lậu, vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới, gian lận xuất xứ; lợi dụng thương mại điện tử để trốn thuế, buôn bán hàng cấm, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ; tội phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 gia tăng, nhất là các loại vật tư, trang thiết bị y tế và các mặt hàng thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch; trục lợi trong tổ chức tiêm vacxin, xét nghiệm COVID-19; lợi dụng việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước để trục lợi...
Đáng chú ý là có sự chuyển hướng rõ rệt của tội phạm buôn lậu từ phương thức truyền thống qua đường mòn, lối mở sang lợi dụng pháp nhân thông qua cửa khẩu chính ngạch để hoạt động; tội phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu xăng dầu diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường đấu tranh các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; triển khai toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu…
Phiên họp sáng 7/11, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô qua đấu giá.
Nguồn: [Link nguồn]