Điểm danh nơi “bà hoả” ẩn mình, chờ cháy ở TP.HCM: Đừng để tiếp diễn những nỗi đau!

Vụ việc thương tâm xảy ra tại karaoke An Phú (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương) khiến dư luận không khỏi nhớ lại ký ức kinh hoàng của trận hỏa hoạn lịch sử tại chung cư Carina (Q.8, TPHCM) vào năm 2018 làm 13 người thiệt mạng, hay vụ cháy tòa cao ốc ITC (Q.1, TPHCM) vào đầu những năm 2000, đã tước đi sinh mạng của 60 người.

Trong khi dư luận vẫn còn chưa hết bàng hoàng với những gì đang diễn ra ở Bình Dương thì tại TPHCM trong chiều 07-9, một chung cư hiện đại tại P.An Lạc, Q.Bình Tân bất ngờ bị “bà hỏa” ghé thăm. Một lần nữa, nguy cơ cháy, nổ tiềm ẩn ở những dự án cao tầng lại gióng lên hồi chuông cảnh báo. Hơn bao giờ hết, cuộc chiến với “giặc lửa” đang thật sự trở nên nguy nan và cấp bách.

Từ thảm kịch Carina đến hiện tại

Trong sáng hôm qua (ngày 08-9), phiên xét xử vụ hỏa hoạn xảy ra tại chung cư Carina cách đây 4 năm làm 13 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương đã được Tòa án nhân dân TPHCM ra quyết định tạm hoãn. Nguyên nhân chính thức vẫn chưa được công bố. Nhưng một số nguồn tin riêng của phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM tiết lộ, lý do có thể đến từ việc tòa chưa thể gửi thông báo xét xử cho tất cả bị hại. Viện kiểm sát nhân dân TPHCM sau đó đã ra quyết định truy tố với 2 cá nhân là Nguyễn Văn Tùng (SN1977; nguyên Giám đốc Công ty Hùng Thanh) và Nguyễn Quốc Tuấn (SN 1985; nguyên Trưởng Ban quản lý chung cư Carina Plaza) cùng về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy".

Bên trong hiện trường đám cháy tại chung cư Carina vào ngày 22-3-2018

Bên trong hiện trường đám cháy tại chung cư Carina vào ngày 22-3-2018

Lật lại hồ sơ vụ hỏa hoạn kinh hoàng ở Carina vào ngày 22-3-2018, nguyên nhân cháy bước đầu được Công an TPHCM (CATP) xác định phát ra từ một chiếc xe mô tô được đặt ở dưới khu tầng hầm. Lửa lớn nhanh chóng lan ra diện rộng nhưng hệ thống cảnh báo cháy gần như bị… vô hiệu. Luồng khí nóng, độc hại theo buồng thang thoát hiểm nhanh chóng dẫn lên các tầng cao của chung cư khiến nhiều người không kịp thoát chạy. Lửa dữ được dập tắt cũng là lúc cả xã hội tiếc thương, vĩnh biệt 13 cư dân xấu số. Hậu quả về người và tài sản là rất lớn nhưng nỗi đau cho gia đình người ở lại còn nặng nề và đau đớn hơn.

Nhiều lần sau khi vụ cháy kết thúc, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã cố gắng tìm cách quay trở lại hiện trường vụ việc để ghi nhận. Quả thật, nhiều hạng mục xây dựng và cả hệ thống cảnh báo và phòng cháy đã phát lộ quá nhiều lỗ hổng. Ghi nhận đã được chúng tôi thực hiện vào đầu tháng 11 cùng năm. Mức độ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại những tòa nhà cao tầng, các dự án căn hộ chung cư được xây dựng mới từ sau năm 2010 đang trở thành mối quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội.

Ghi nhận nhanh của phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM tại chung cư Carina vào năm 2018

Ghi nhận nhanh của phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM tại chung cư Carina vào năm 2018

Phải vượt qua được các bài kiểm tra về tiêu chí bảo đảm an toàn cháy, nổ được cơ quan có thẩm quyền đưa ra thì chủ dự án mới có thể đưa công trình vào sử dụng chính thức. Tuy nhiên, khi xảy ra hỏa hoạn, gần như hệ thống cảnh báo từ sớm gần như tê liệt, không hoạt động. Hồi đầu năm nay, CATP qua rà soát đã phát hiện 315 cơ sở, công trình có vi phạm quy định an toàn về PCCC. Đáng nói, trong bảng danh sách này có quá nửa là các tòa chung cư cao tầng.

Bên trong chung cư Carina vào năm 2018 có nhiều hạng mục không đạt chất lượng

Bên trong chung cư Carina vào năm 2018 có nhiều hạng mục không đạt chất lượng

Cụ thể, chung cư Khang Gia do Công ty CP đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia làm chủ đầu tư tại số 59 Hồ Thành Biên (P.4, Q.8), dù chưa được cấp giấy kiểm định phương tiện PCCC đối với các cửa chống cháy được lắp đặt tại công trình nhưng đã được đưa vào hoạt động từ năm 2019. Vì vậy Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH đã không chấp thuận nghiệm thu PCCC đối với dự án này.

Còn tại dự án căn hộ La Bonita (P.25, Q.Bình Thạnh) do Công ty TNHH BĐS Nam Thị làm chủ đầu tư; chung cư Nguyễn Quyền nằm trên đường Phan Anh (P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân); chung cư 584 ở ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh… còn chưa thi công xong hệ thống PCCC nhưng đã cho dân vào ở từ nhiều năm nay…

Một chung cư hiện đại trên đường Kinh Dương Vương (P.An Lạc, Q.Bình Tân) bất ngờ bị “bà hỏa” ghé thăm

Một chung cư hiện đại trên đường Kinh Dương Vương (P.An Lạc, Q.Bình Tân) bất ngờ bị “bà hỏa” ghé thăm

Trong khi dư luận vẫn còn chưa hết bàng hoàng với những gì đang diễn ra ở Bình Dương thì tại TPHCM trong chiều 07-9, một chung cư hiện đại trên đường Kinh Dương Vương (P.An Lạc, Q.Bình Tân) bất ngờ bị “bà hỏa” ghé thăm. Một số nhân chứng cho biết, khoảng 14 giờ cùng ngày, đám cháy bùng phát tại một căn hộ được cho là nằm ở tầng 8 chung cư. Phát hiện sự việc, nhiều cư dân đã cầm bình chữa cháy xông vào dập lửa, một số người tháo chạy. Tuy nhiên, do bên trong chứa nhiều vật liệu dễ cháy nên việc tiếp cận hiện trường khó khăn.

Nhận tin báo, Đội Cảnh sát PCCC & CNCH CAQ.Bình Tân khẩn trương huy động lực lượng có mặt tại hiện trường dập lửa. Cảnh sát dùng xe thang để tiếp cận hiện trường chữa cháy, rất đông cư dân tập trung theo dõi. Vụ hỏa hoạn được dập tắt ngay sau đó, không có thiệt hại về người nhưng một lần nữa, nguy cơ cháy, nổ tiềm ẩn ở những dự án cao tầng lại được gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Nguy cơ cháy, nổ ở những khu chung cư cũ

Nhiều câu hỏi được đặt ra về khả năng phòng chống cháy nổ tại những khu chung cư, nhất là với những khu chung cư cũ được xây dựng từ trước 1975 đang tồn tại trên địa bàn TPHCM. Toàn thành phố có tới khoảng 400 chung cư cũ, trong số này có tới hàng chục khu nằm trong diện xuống cấp nghiêm trọng, trở thành điểm nóng dễ phát sinh cháy nổ.

Những dự án chung cư cũ trước năm 1975 ở TPHCM tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ

Những dự án chung cư cũ trước năm 1975 ở TPHCM tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ

Mặc dù có diện tích sinh hoạt nhỏ hẹp song các khu chung cư này lại là nơi ở của số đông nhân khẩu khiến tình trạng lấn chiếm, cơi nới xảy ra gây mất an toàn. Mọi khoảng không đều được cư dân tận dụng. Nhiều người lo sợ nếu có cháy xảy ra thì việc tiếp cận của lực lượng cứu hộ sẽ gặp nhiều khó khăn. Một sáng đầu tháng 9-2022, phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM có mặt tại một dự án chung cư cũ trên đường Tôn Thất Đạm. Tòa nhà được xây dựng từ trước những năm 1975 đang dần xuống cấp. Men theo đường vào chật hẹp, thiếu ánh sáng, phóng viên căng mắt để tìm ra khu vực có lắp đặt thiết bị PCCC. Thế nhưng, chỉ có dây điện loằng ngoằng che kín một khoảng không trên đầu.

Hệ thống dây điện chằng chịt, gồng gánh trên người hàng trăm thứ cáp viễn thông gây nên tình trạng dễ phát sinh nguy hiểm

Hệ thống dây điện chằng chịt, gồng gánh trên người hàng trăm thứ cáp viễn thông gây nên tình trạng dễ phát sinh nguy hiểm

Cô L (ngụ tại chung cư) bộc bạch: “Hỏa hoạn thì ai cũng sợ cả nhưng đã quen với cuộc sống ở đây rồi thì phải chấp nhận, tìm cách vượt qua khó khăn. Nhưng thú thật là những thiết bị chữa cháy tụi tôi không biết cách sử dụng”. Thiết bị mà bà L. nói đến là những vòi phun nước, bình chữa cháy. Nhưng dạo quanh chung cư này, chúng tôi không thấy có hệ thống phun nước dập lửa, không có đèn lẫn còi báo cháy. Khi xuống hầm gửi xe, chúng tôi tìm đỏ mắt mới thấy ở phía sau có một vài bình chữa cháy được vứt chỏng chơ dưới đất và không có vòi phun nước.

Địa chỉ tiếp theo mà chúng tôi đến là chung cư Quốc Thanh trên đường Nguyễn Trãi (Q1). Tại đây, các phương tiện được người dân để lấn chiếm lối đi, làm cho diện tích di chuyển bị thu hẹp đáng kể. Bằng mắt thường, chúng tôi có thể nhận ra hệ thống PCCC tại chung cư trên đã xuống cấp, chưa được bảo trì, dẫn đến tình trạng bong tróc. Tủ đựng vòi phun nước chữa cháy đang trong tình trạng bị hư hại nặng.

Điểm danh nơi “bà hoả” ẩn mình, chờ cháy ở TP.HCM: Đừng để tiếp diễn những nỗi đau! - 7

Trưa cùng ngày, phóng viên cũng khảo sát tại nhiều khu chợ như: Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Kim Biên (Q.5) hay Bình Tây (Q.6). Dù kinh doanh ngành nghề rất dễ gây ra cháy, nổ là quần áo, hàng gia dụng, hóa chất nhưng hầu hết các sạp hàng ở đây đều không được trang bị bình chữa cháy hoặc các dụng cụ chuyên dụng khác. Còn hệ thống PCCC của chợ thì sao? Chúng tôi đi tìm câu trả lời, nhưng kết quả cũng chẳng khá khẩm hơn.

Phải rất cố gắng, phóng viên mới tìm thấy vài bình chữa cháy đang nằm trơ trọi phía sau các gian hàng. “Mới mấy ngày mà nghe cháy liên tục, hãi lắm! Tôi bán quần áo ở đây khá lâu rồi nhưng không được ai phổ biến gì về việc PCCC cả. Mấy thiết bị cứu hỏa ở đây thật ra để “làm cảnh” cho có, chứ nếu xảy ra cháy thật chắc tôi cũng lớ ngớ, mà người những người xung cũng không khác gì hơn” - chị T. (chủ sạp hàng ở chợ Phạm Văn Hai) - thú thật.

Điểm danh nơi “bà hoả” ẩn mình, chờ cháy ở TP.HCM: Đừng để tiếp diễn những nỗi đau! - 8

Tại chợ Kim Biên (Q5), địa điểm được người dân Sài Gòn đặt tên là “quả bom nổ chậm”, bởi nơi đây buôn bán nhiều loại vật liệu dễ gây cháy, nổ. “Sạp mình có bình cứu hỏa không vậy chị?”, chúng tôi hỏi chủ một sạp hàng. Nghe vậy, chị chủ sạp luống cuống, đi tìm bình cứu hỏa nhưng tìm mãi không thấy.

Bên trong một sạp hàng kinh doanh ở chợ Kim Biên

Bên trong một sạp hàng kinh doanh ở chợ Kim Biên

Những hình ảnh trong vụ cháy khu Chợ Gà (Q.1) thiêu rụi hàng chục ngôi nhà và sạp kinh doanh vào năm 2015 gây ra cảnh khốn cùng cho hàng trăm tiểu thương. Nguyên nhân dẫn đến thảm họa này từ sự vô ý thức của một số hộ dân kinh doanh khiến lửa lớn nhanh chóng bao trùm cả một vùng rộng lớn. Những tưởng đây sẽ là bài học lớn để công tác PCCC ở các khu chợ được quan tâm đúng mức, nhưng thực tế công tác này vẫn còn bị nhiều nơi lơ là.

(Còn tiếp)

Nguồn: [Link nguồn]

Điểm danh nơi “bà hoả” ẩn mình, chờ cháy ở TP.HCM: Những ”lồng sắt” không lối thoát

Không phải đến khi TP.HCM hay những tỉnh, thành xảy ra những vụ hoả hoạn kinh hoàng, để lại biết bao tấm thảm kịch về người và tài sản thì mối nguy về cháy, nổ mới được...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nam - Phù Sa ([Tên nguồn])
Điểm danh nơi “bà hoả” ẩn mình, chờ cháy ở TP.HCM Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN