Điểm danh những cây cầu đẹp nổi tiếng trên đất Cảng lúc Xuân về

Sự kiện: Hải Phòng

Thời gian qua, TP. Hải Phòng khánh thành, đưa vào sử dụng hàng loạt cây cầu lớn, đẹp tạo nên nét đặc trưng riêng của thành phố Cảng.

Thành phố Hải Phòng với đặc trưng có mạng lưới sông ngòi dày đặc, với 16 sông chính tỏa rộng khắp địa bàn thành phố với tổng độ dài trên 300 km, là nơi tất cả hạ lưu của sông Thái Bình đổ ra biển.

Để thuận lợi cho việc lưu thông, thời gian qua Bộ GTVT và TP. Hải Phòng khánh thành, đưa vào sử dụng hàng loạt cây cầu mang tính biểu tượng góp phần kết nối giao thông, chỉnh trang đô thị:

Cầu Rào 1, cây cầu kết nối nội thành Hải Phòng với đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, khu du lịch Đồ Sơn

Cầu Rào 1, cây cầu kết nối nội thành Hải Phòng với đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, khu du lịch Đồ Sơn

Cầu Rào 1 - Cánh sóng vươn xa

Ngày 25/1, Hải Phòng tổ chức thông xe kỹ thuật cầu Rào 1, cây cầu kết nối nội thành Hải Phòng với đường cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, khu du lịch Đồ Sơn.

Cầu Rào 1 được Hải Phòng quyết định đầu tư thay cho cây cầu cũ vượt sông Lạch Tray trên trục đường Lạch Tray (quận Ngô Quyền), kết nối trung tâm Hải Phòng với đường Phạm Văn Đồng (quận Dương Kinh) để ra cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, khu du lịch Đồ Sơn.

Cầu Rào 1 được thiết kế hình “cánh sóng vươn xa”, được xác định là biểu tượng cho ý chí, khát vọng vươn xa của Hải Phòng theo định hướng phát triển kinh tế gắn với biển.

Công trình được xác định là điểm nhấn kiến trúc, mở rộng cảnh quan xanh tại cửa ngõ phía Nam của thành phố, góp phần thay đổi diện mạo đô thị thành phố theo hướng văn minh, hiện đại; từng bước cụ thể hoá các mục tiêu xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cầu Hoàng Văn Thụ - Cánh chim biển

Cầu Hoàng Văn Thụ

Cầu Hoàng Văn Thụ

Cầu Hoàng Văn Thụ là cây cầu bắc qua sông Cấm nối phường Minh Khai, Hồng Bàng với xã Tân Dương, Thủy Nguyên.

Được khởi công từ tháng 1/2017, cầu Hoàng Văn Thụ là một trong các hạng mục chính của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị Bắc sông Cấm.

Cầu có hình dáng "cánh chim biển", có vòng thép nhồi bê tông, rộng 33,5 m bao gồm 2 lề đi bộ, 2 làn xe hỗn hợp và 4 làn xe cơ giới.

Sau hơn 2 năm thi công, cầu được chính thức khánh thành ngày 15/10/2019 và trở thành một trong những cây cầu đẹp nhất Hải Phòng.

Đặc biệt, đây là dự án góp phần mở rộng sự chỉnh trang và phát triển đô thị, đưa Hải Phòng lên một vị trí mới, tạo nền tảng phát triển trong tương lai.

Cầu Lê Hồng Phong - Cầu vượt vòm thép dây văng

Cầu vượt Lê Hồng Phong

Cầu vượt Lê Hồng Phong

Cầu Lê Hồng Phong là cây cầu huyết mạch mở rộng không gian đô thị Hải Phòng, nằm trong dự án đầu tư xây dựng trục đường Hồ Sen - Cầu Rào 2, là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị phía Nam và Đông Nam thành phố.

Theo thiết kế, cầu vượt có kiến trúc cầu vòm, chiều dài cầu 288,2m, nhịp chính dài 100m và mặt cầu rộng 19m, đoạn tường chắn hai đầu cầu rộng từ 16,5m - 19m; mặt đường rộng 7,5m, hè đường rộng 3m, là công trình giao thông cấp 1, có tổng mức đầu tư 1.405 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách của thành phố.

Trục giao thông này góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, giảm lưu lượng giao thông cho tuyến đường Cầu Đất - Lạch Tray - Cầu Rào, phát huy hiệu quả khai thác cầu Rào 2, tăng năng lực vận tải cho hệ thống cảng biển Hải Phòng.

Cầu Lê Hồng Phong được trang trí hệ thống đèn led trên các dây văng và tạo được dấu ấn kiến trúc cho Hải Phòng. Đây cũng là một trong những điểm nút giao thông quan trọng của Hải Phòng.

Cầu vượt Lê Hồng Phong được thiết kế với kết cấu vòm thép dây văng 5 nhịp, chiều rộng 16 m với 4 làn xe cơ giới. Cầu Lê Hồng Phong có ý nghĩa vô cùng quan trong việc xóa điểm đen của an toàn giao thông, giúp người dân đi lại thuận tiện và an toàn.

Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện - Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện là cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện là cây cầu vượt biển có chiều dài lớn nhất Việt Nam và là một trong những cây cầu vượt biển lớn nhất Đông Nam Á. Phần cầu vượt biển dài 5,44 km, phần đường dẫn dài 10,19 km với chiều rộng 16m với 4 làn xe ô tô.

Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Bộ GTVT triển khai tại TP. Hải Phòng. Không những phục vụ cho nền kinh tế Hải Phòng, cầu Tân Vũ – Lạch Huyện còn góp phần quan trọng trong sự phát triển du lịch cho huyện đảo Cát Bà.

Tổng mức đầu tư dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện là 11.849 tỷ đồng từ vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Cầu Tam Bạc song song cầu Quay

Cầu Tam Bạc lung linh khi về đêm

Cầu Tam Bạc lung linh khi về đêm

Khi nhắc đến những cây cầu nổi tiếng ở Hải Phòng, chúng ta không thể không nhắc đến cầu Quay – cây cầu của lịch sử bắc qua sông Cấm. Được xây dựng cách đây hơn 100 năm từ thời Pháp thuộc, cầu được gọi với cái tên cầu xe lửa, cầu có thể quay được, trụ quay đặt ở giữa cầu với hệ thống ròng rọc. Chứng kiến biết bao thăng trầm trong lịch sử dân tộc, cầu Quay vẫn hiên ngang ở đó và trở thành niềm tự hào của dân tộc.

Năm 2013, Hải Phòng xây dựng cầu đường bộ Tam Bạc song song cầu Quay nhằm phục vụ nhu cầu đi lại giữa hai quận Hồng Bàng và Lê Chân, giảm tải người và phương tiện qua cây cầu trăm tuổi này.

Cầu Rào 2 - Điểm nhấn kiến trúc phía đông nam thành phố

Cầu Rào 2 bắc qua sông Lạch Tray

Cầu Rào 2 bắc qua sông Lạch Tray

Cầu Rào 2 bắc qua sông Lạch Tray, cách cầu Rào cũ khoảng 1 km về phía thượng lưu, nối với đường Hồ Sen - Cầu Rào II và nối với đường 353 (đường Phạm Văn Đồng) từ Hải Phòng đi Đồ Sơn.

Dự án được xây dựng theo quy hoạch phát triển không gian đô thị thành phố, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Cầu Rào 2 hoàn thành cùng lúc với tuyến đường cầu Rào 2 - nút giao Nguyễn Văn Linh đã góp phần tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối kết nối trung tâm thành phố với đường Phạm Văn Đồng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Dự án góp phần thúc đẩy sự phát triển các khu công nghiệp, kinh tế, du lịch. Hai bên tuyến đường cầu Rào 2 - nút giao Nguyễn Văn Linh đã và đang hình thành những khu đô thị mới, những trung tâm thương mại hiện đại của các Tập đoàn lớn trong và ngoài nước làm thay đổi từng ngày diện mạo đô thị của khu vực phía Nam thành phố.

Bên cạnh đó, 2 bên tuyến đường đang được xây dựng các khu độ thị mới, các trung tâm thương mại hiện đại góp phần tạo nên không gian hiện đại và sự thay đổi từng ngày của khu vực phía Nam thành phố.

Cầu vượt Nguyễn Văn Linh - xoá cảnh ùn tắc giao thông ra cảng biển

Điểm danh những cây cầu đẹp nổi tiếng trên đất Cảng lúc Xuân về - 7

Cầu vượt Nguyễn Văn Linh nút giao thông ngã ba Cầu Rào 2 nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, tuyến Quốc lộ 5 (QL5) qua trung tâm TP Hải Phòng. Đây là tuyến đường huyết mạch nối với cảng biển Hải Phòng, nơi mỗi ngày có hàng chục ngàn chuyến xe qua lại đặc biệt phần lớn là xe container do đó thường xuyên gây xung đột ùn tắc giao thông tại các điểm nút giao cắt.

Việc xây dựng cầu vượt Nguyễn Văn Linh này sẽ góp phần hoàn thiện trục giao thông kết nối khu vực trung tâm thành phố với QL 5, đường Phạm Văn Đồng và khu vực phía Nam thành phố.

Đặc biệt là giải thoát được tình trạng ùn tắc giao thông khi mỗi ngày có hàng chục ngàn xe tải container đi và đến Cảng Hải Phòng.

Cầu Bính chấm dứt cảnh đi phà qua sông Cấm

Cầu Bính bắc qua sông Cấm

Cầu Bính bắc qua sông Cấm

Cầu Bính cũng là cây cầu đã góp phần vào việc giảm tải hệ thống giao thông đường bộ cho Quốc lộ 5, Quốc lộ 10. Nó cũng đóng góp cho chiến lược phát triển vùng tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khu đô thị Bắc sông Cấm.

Được khánh thành vào năm 2005, cầu Bính được xây dựng với chiều dài 25 m, rộng 22,5 m, đã giúp người dân chấm dứt cảnh qua sông bằng phà, rút ngắn được quãng đường và thời gian cho người dân trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.

Sau khi cầu Bính hoàn thành, các khu công nghiệp, đô thị phía Bắc sông Cấm đã hình thành, tạo điều kiện rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Thuỷ Nguyên nói riêng và TP Hải Phòng nói chung.

Diện mạo 6 cây cầu trọng yếu bắc qua sông Hồng

Sau 67 năm giải phóng Thủ đô (1954-2021), Hà Nội đã từng bước chuyển mình, vươn lên phát triển toàn diện cả về chính...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Hòa ([Tên nguồn])
Hải Phòng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN