Dịch sởi ở Mỹ: Bùng phát từ bệnh viện
Nhiều phòng khám vẫn để cho bệnh nhân mắc sởi tiếp xúc với nhiều người khác.
Trong tuần vừa qua, một chuyên gia dịch tễ học tại thành phố New York, Mỹ đã cảnh báo rằng đợt bùng phát dịch sởi hiếm hoi gần đây ở thành phố này có thể xuất phát từ chính các cơ sở y tế do việc cách ly bệnh nhân không kịp thời của các y bác sĩ.
Bác sĩ Jay Varma, Phó Trưởng ban Kiểm soát Dịch bệnh thành phố New York cho hay các điều tra viên đang xem xét việc 20 bệnh nhân sởi chủ yếu tập trung ở bắc Manhattan có phải bị lây bệnh từ các cơ sở y tế hay không.
Sởi là một trong những căn bệnh dễ lây nhất và mầm bệnh vẫn có thể tồn tại trong không khí suốt hai giờ sau khi người nhiễm bệnh rời khỏi phòng.
Một bệnh nhi mắc bệnh sởi ở Mỹ
Bác sĩ Varma nói: “Chúng tôi biết đã có nhiều người nhiễm bệnh và có khả năng họ bị lây tại phòng khám của bệnh viện, nơi họ không được cách ly kịp thời với các bệnh nhân bị sởi trước đó.”
Ca bị sởi đầu tiên trong năm nay được phát hiện ở thành phố New York là vào hồi đầu tháng Hai.
Ngày 12/3, Trung tâm Y tế Đại học Columbia đã gửi một email cho các nhân viên cho biết một số bệnh nhi và người trưởng thành mắc bệnh sởi đang được điều trị tại đây, khiến “gần 600 bệnh nhân khác có nguy cơ bị lây nhiễm sởi”.
Đính kèm email này là một số bức ảnh chụp bệnh nhi với những nốt phát ban màu đỏ khắp cơ thể và những hướng dẫn cụ thể trong cách chẩn đoán bệnh sởi. Bản hướng dẫn này nhấn mạnh rằng khi phát hiện bất cứ bệnh nhân nào nghi bị sởi, y bác sĩ cần phải lập tức cho người đó đeo khẩu trang và đưa toàn bộ người nhà vào phòng cách ly.
Trung tâm Y tế Đại học Columbia các nhân viên bảo vệ đã được bố trí tại cửa để kịp thời phát hiện các bệnh nhân có triệu chứng bệnh sởi và hướng dẫn họ đeo khẩu trang.
Bác sĩ Yoko Furuya, Trưởng khoa Lây tại bệnh viện NewYork-Presbyterian cho hay bệnh viện này đã chữa trị cho 10 bệnh nhân mắc bệnh sởi, trong đó có một số bệnh nhân đã tiếp xúc với nhiều người khác tại phòng khám trong thời gian ngắn.
Hồi đầu tháng Ba, Trung tâm Y tế Montefiore ở Bronx cũng đã tiếp nhận một cháu bé 15 tháng tuổi có triệu chứng mắc bệnh sởi. Các bác sĩ cho biết cháu bé này chưa được tiêm phòng đầy đủ vì bị ốm, và cháu đã bị lây bệnh sởi tại khu Washington Heights.
Nhiều bệnh nhân mắc sởi vì không được tiêm phòng đầy đủ
Triệu chứng đầu tiên của bệnh sởi là sốt, ho, chảy nước mũi. Bệnh nhân bị đỏ mắt, chảy nước mắt và sau đó là phát ban. Người ta có thể bị lây trước khi các nốt phát ban xuất hiện, và các bác sĩ khuyên bệnh nhân không nên tiếp xúc với người khác trong vòng 21 ngày sau khi phơi nhiễm. Bệnh sởi có thể dẫn đến chứng nhiễm trùng tai, tiêu chảy, viêm phổi, sẩy thai, viêm não và thậm chí tử vong.
Sau khi dịch sởi bùng phát, nhà chức trách New York đã phát hiện 9 trẻ em và 11 người lớn bị nhiễm bệnh. Bác sĩ Varma cho biết 2 người trưởng thành mắc bệnh sởi đầu tiên có thể đã lây nhiễm cho nhau tại một sân bay ở Mỹ, và họ đã tới các trung tâm y tế ở khu Manhattan để khám, và từ đây dịch sởi bắt đầu lan nhanh.
Nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, nước Mỹ đã tuyên bố loại trừ dịch sởi vào năm 2000. Tuy nhiên, sau đó thỉnh thoảng vẫn bùng phát những đợt dịch nhỏ giữa những người chưa được tiêm vaccine. Nhiều phụ huynh ở Mỹ không chịu đưa con đi tiêm chủng vì lý do tôn giáo, và một số người tin rằng tiêm chủng có thể gây ra chứng tự kỷ ở trẻ.