Dịch cúm A/H7N9: Còn quá ít thông tin
"Những thông tin về virus cúm A/H7N9 vẫn còn quá ít và chưa được làm rõ".
TS.Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định tại cuộc họp giữa Bộ Y tế và WHO về tình hình dịch cúm A/H7N9 và các biện pháp phòng ngừa diễn ra sáng nay (12/4).
Theo TS.Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, WHO cũng rất quan tâm tới dịch cúm A/H7N9 vì đây là lần đầu tiên virus này xuất hiện ở người.
WHO phân tích gen của loại virus này, kết quả cho thấy, virus cúm A/H7N9 tiến hóa từ virus cúm gia cầm và có dấu hiệu thích ứng nhanh với các loại động vật có vú.
TS.Takeshi Kasai, cũng lo ngại những thông tin về virus cúm A/H7N9 vẫn còn quá ít và chưa được làm rõ như: Vì sao người nhiễm cúm A/ H7N9 lại có bệnh nặng hơn người nhiễm cúm A/ H5N1; hiệu quả của thuốc kháng virus Tamiflu đối cúm A/H7N9...
Đại diện WHO cũng lo ngại, hiện có 6 loại vắc-xin phòng ngừa đối với chủng virus H7 nhưng vắc-xin hiện tại không có tác dụng với virus cúm H7N9 trên người nên cần phải nghiên cứu.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng lo ngại dịch cúm A/H7N9 bùng phát
Trưởng đại diện WHO cũng cho biết, hiện nay Trung Quốc đang tích cực điều tra, nghiên cứu về loại virus cúm này và hy vọng Trung Quốc sẽ chia sẻ cho các quốc gia khác bộ test về trình tự gen. Ngoài ra, WHO cũng có hệ thống phòng xét nghiệm hiện đại sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia trong việc xét nghiệm chẩn đoán xác định loại virus cúm A/H7N9, cùng như việc bào chế vaccine phòng chống.
Theo ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay công tác giám sát dịch bệnh đang được đặt lên hàng đầu. Bộ Y tế giám sát dịch bệnh của hành khách nhập cảnh vào nước ta cho tới việc giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm.
Ông Long cũng cho rằng, virus cúm A/H7N9 chưa ghi nhận ở Việt Nam nhưng đối với các chủng virus cúm khác như H3N2, H1N1, H5N1 vẫn đang xuất hiện.
Ông Long lo ngại Việt Nam đã có một trường hợp tử vong vì virus H5N1. Đồng thời với phát hiện chim yến ở Ninh Thuận nhiễm virus H5N1 khiến nguy cơ virus này lan rộng là rất cao khi ổ dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra rải rác.
Theo Thứ trưởng, chủng virus mới cúm A/H7N9 có nguồn gốc gen từ virus gia cầm, dễ biến đổi và có tính thích nghi cao, cũng như nguy cơ nhiễm từ người sang người có thể xảy ra. Hơn nữa, dịch bệnh cúm A/H7N9 ở Trung Quốc ngày càng phức tạp, bệnh nhân mắc và tử vong liên tục gia tăng rải rác ở nhiều địa phương gây khó khăn cho việc kiểm soát sự lan truyền và khống chế.
Tính đến hôm nay (12/4), Trung Quốc đã phát hiện 38 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có 10 ca tử vong. Trong khi đó, Việt Nam giáp Trung Quốc nên việc buôn bán, nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm khó kiểm soát, giao lưu đi lại qua biên giới của người dân nhiều, trong khi cộng đồng chưa có miễn dịch.
Trước đó ngày (10/4), Bộ Y tế cũng ban hành phác đồ điều trị cúm A/H7N9 và yêu cầu các cơ sở y tế tích cực chuẩn bị cơ sở vât chất, nhân lực, thuốc men, máy móc để sẵn sàng ứng phó với nguy cơ cúm A/H7N9 xuất hiện ở Việt Nam.