Dịch Covid-19 tối 26/4: Nghiên cứu mới về khả năng lây qua đường tình dục của SARS-CoV-2

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Các nhà khoa học quốc tế của Mỹ và Trung Quốc đã làm nghiên cứu để xem virus SARS-CoV-2 có khả năng lây qua đường tình dục như Zika và Ebola hay không.

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh Covid-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

+ Theo kết quả vừa được công bố trên tạp chí Fertility and Sterility (tạp chí về vấn đề sinh sản), một nhóm các nhà khoa học quốc tế của Mỹ và Trung Quốc không tìm thấy bằng chứng của Covid-19 trong tinh dịch của 34 người đàn ông Trung Quốc trưởng thành. Phát hiện mới này đã loại Covid-19 khỏi nhóm những bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục như Zika và Ebola.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, những người tham gia vào nghiên cứu hiện tại chỉ là những trường hợp mắc virus SARS-CoV-2 ở thể từ nhẹ đến trung bình và có thể (nhưng chưa được chứng minh) những người mắc bệnh ở thể nặng hơn có thể truyền bệnh qua quan hệ tình dục.

Tiến sỹ Hotaling cho biết: “Có thể một người đàn ông mắc Covid-19 ở thể nặng sẽ mang lượng virus cao hơn, dẫn đến khả năng lây nhiễm qua tinh dịch nhiều hơn. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho trường hợp này, tuy nhiên, việc không phát hiện sự lây lan qua tinh dịch trong số các bệnh nhân đang hồi phục từ các thể bệnh nhẹ đến trung bình cũng đã cho thấy những tín hiệu để an tâm.”

+ Tính đến 19h30 tối 26/4, Việt Nam ghi nhận 270 ca nhiễm Covid-19. Như vậy, tính từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số đó, 230 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong.

+ Bệnh nhân 91 là phi công của Vietnam Airlines đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân tạm ổn định, không sốt, phổi trái đông đặc 1/2 dưới. Kết quả xét nghiệm PCR ngày 25/4 dương tính.

Bệnh nhân tiếp tục thở máy, can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu và sử dụng kháng sinh, kháng nấm. Tiên lượng của bệnh nhân còn rất nặng, các bác sĩ chưa thể nói trước được khả năng bình phục trong thời gian tới.

+ Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho hay, TP chưa phê duyệt kế hoạch đấu thầu, cũng như chưa chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 liên quan đến máy xét nghiệm Realtime PCR. Hiện, việc thẩm định dự toán gói thầu cũng chưa có kết quả.

+ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM  báo cáo, tính đến ngày 26/4, TP.HCM trải qua 19 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nhiễm mới. Số trường hợp nhiễm Covid-19 trên địa bàn tổng số 54 ca, trong đó 53 ca đã xuất viện, chỉ còn 1 trường hợp là bệnh nhân 91 phi công người Anh. Tổng số trường hợp nghi nhiễm là 392, đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

+ Tuần báo The Nation của Mỹ nhận định: “Việt Nam có thể là nước có giải pháp ứng phó hiệu quả nhất với dịch bệnh Covid-19”.

Bài viết phân tích rằng, Việt Nam có dân số hơn Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cộng lại, nhưng số ca nhiễm chỉ là 270 (tính đến 24/4) so với 10.702 ca ở Hàn Quốc, 11.178 ca ở Singapore và 427 ca ở Đài Loan.

+ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 25/4 tuyên bố rằng không có bằng chứng nào cho thấy người khỏi bệnh Covid-19 có thể tránh được lây nhiễm khi đợt dịch Covid-19 thứ 2 bùng phát.

+ Hãng CNBC News đưa tin, tỷ phú Bill Gates đã ví đại dịch Covid-19 như một cuộc chiến tranh và cho rằng thế giới phải chú trọng tới 5 điều quan trọng, gồm: Thuốc điều trị, vaccine phòng bệnh, làm xét nghiệm, lần dấu người tiếp xúc gần, và chọn thời điểm thích hợp để mở cửa nền kinh tế với toàn cầu.

+ Trong báo cáo đăng trên tạp chí y khoa New England, nhóm các nhà khoa học Trung Quốc cho biết, tỷ lệ biểu hiện các triệu chứng nặng khi nhiễm Covid-19 ở các phụ nữ mang thai tại Vũ Hán là 8% và toàn Trung Quốc là 15,7%.

+ Khối Liên minh châu Âu (EU) đã xóa bỏ một phần trong báo cáo Covid-19 về chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc vì lo sợ Bắc Kinh sẽ đáp trả bằng việc giữ lại thiết bị y tế, báo South China Morning Post (SCMP) dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ ngày 25/4.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Chiều nay (26/4), Việt Nam không có thêm ca nhiễm Covid-19, còn hơn 50 nghìn người đang cách ly

Bộ Y tế cho biết, từ 6h đến 18h ngày 26/4, Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN