Dịch Covid-19 tối 22/4: Việt Nam không còn tỉnh thành thuộc nhóm “nguy cơ cao”
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chỉ còn 4 tỉnh thuộc nhóm nguy cơ, 59 tỉnh còn lại thuộc nhóm nguy cơ thấp.
Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh Covid-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày. |
+ Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định, Hà Nội là địa phương nằm trong nhóm có nguy cơ, nhưng một số nơi ở Hà Nội có nguy cơ cao như Hạ Lôi (Mê Linh), Thường Tín... cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Như vậy, không còn tỉnh nào nằm trong nhóm nguy cơ cao; có 4 tỉnh thành nằm trong nhóm nguy cơ gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hà Giang, Bắc Ninh; 59 địa phương còn lại nằm trong nhóm nguy cơ thấp.
Đối với nhóm nguy cơ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với nhóm nguy cơ thấp: Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện giãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng, chống dịch của cơ sở do mình quản lý.
+ Tính đến 19h30 tối 22/4, Việt Nam ghi nhận 268 ca nhiễm Covid-19. Như vậy, đã trải qua 6,5 ngày không có ca nhiễm mới, chưa có trường hợp nào tử vong.
Cùng ngày, Bộ Y tế công bố thêm 7 bệnh nhân được chữa khỏi bệnh, nâng tổng số ca khỏi bệnh tại Việt Nam lên 223 ca. Trong 7 bệnh nhân (BN) mới khỏi bệnh, 6 người tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gồm: BN 184, BN 215, BN 216, BN 227, BN 246, BN 266; 1 người tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh là BN 252.
Trong số 45 ca bệnh đang được điều trị, 12 ca đã có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính, 9 ca kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2.
+ Ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan; Quyết định khởi tố bị can; Lệnh khám xét và Lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, đối với bị can Nguyễn Nhật Cảm, (SN 1963, Giám đốc CDC Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội).
Theo Bộ Công an, ngoài ông Cảm, cơ quan công an cũng khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng khác có liên quan tới vụ án.
+ Sở GTVT TP.HCM cho biết, tiếp tục tạm ngưng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, xe buýt, xe hợp đồng (trừ xe dưới 9 chỗ) và xe du lịch (trừ xe dưới 9 chỗ) từ nay đến hết 3/5 (trừ một số trường hợp đặc biệt được hoạt động về lý do công vụ, xe chở thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết...).
Đối với xe taxi, xe hợp đồng (dưới 9 chỗ) và xe du lịch (dưới 9 chỗ) được phép hoạt động trở lại kể từ ngày 23/4. trên địa bàn TP.HCM. Hành khách buộc phải khai báo y tế và đeo khẩu trang khi sử dụng dịch vụ theo đúng quy định.
+ Để phòng chống dịch Covid-19, ngày 22/4, UBND huyện Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã ban hành quyết định phong tỏa toàn bộ thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn) vì có liên quan đến bệnh nhân mắc Covid-19 số 268. Diện tích phong tỏa là gần 27.500 ha, gồm 1.629 hộ với khoảng 7.623 người. Thời gian phong tỏa từ 9h sáng 22/4 đến khi có thông báo của ngành y tế.
Trạm Y tế xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) cũng bị phong tỏa do cách ly 2 người từ Trung Quốc về để phòng dịch.
+ Theo Reuters, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte hôm 21/4 thông báo, quốc gia châu Âu này có thể bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 4/5. Dù vậy việc nới lỏng, được người dân chờ đợi từ lâu, cần thận trọng và phải được tính toán kỹ lưỡng.
Theo thống kê mới nhất từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Italia có hơn 183.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 24.600 ca tử vong và 56.000 ca khỏi bệnh. Quốc gia này hiện đứng đầu ở châu Âu về số ca tử vong vì Covid-19 và đứng thứ 2 về số ca nhiễm.
+ Theo số liệu của ĐH Johns Hopkins (Mỹ), khu vực Đông Nam Á đến nay đã có hơn 30.000 trường hợp nhiễm Covid-19. Trong số này, Philippines, Malaysia và Singapore chiếm gần 87,9% tổng số ca nhiễm.
Dù các số liệu này vẫn còn kém xa so với Mỹ và một số quốc gia châu Âu, tuy nhiên các nghiên cứu vẫn cho thấy hàng chục ngàn ca nhiễm có thể chưa được phát hiện do tỉ lệ xét nghiệm tại một số quốc gia ở khu vực này khá thấp, đặc biệt là Indonesia và Philippines.
+ Hãng Reuters hôm 22/4 đưa tin, ông Robert Redfield, giám đốc CDC của Mỹ nhận định, đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 có thể xảy ra vào các tháng mùa đông năm nay, trùng thời điểm với bệnh cúm mùa. Sự kết hợp không mong muốn của 2 dịch bệnh này sẽ gây áp lực lớn cho hệ thống y tế gấp nhiều lần so với đợt bùng phát đầu tiên.
+ 3 công dân Mỹ bao gồm Richard Kling, Gennaro Purchia và Steve Rotker sống tại New York mới đây đã đệ đơn kiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tòa án liên bang White Plains. Những người này cho rằng, họ phải chịu những “tổn thương, thiệt hại và mất mát” vì Covid-19 và WHO phải bồi thường. Vụ án hiện đã được tòa án liên bang thụ lý.
+ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, việc bang Missouri (Mỹ) kiện chính phủ Trung Quốc về công tác xử lý dịch Covid-19 là “vô lý và không có cơ sở”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cho biết, công tác xử lý dịch Covid-19 của Bắc Kinh “không thuộc thẩm quyền phán xét của tòa án Mỹ” và khẳng định, Trung Quốc đã cung cấp thông tin về dịch Covid-19 cho Mỹ kể từ ngày 3/1.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Cơ quan điều tra bước đầu xác định các đối tượng đã câu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu...