Dịch COVID-19 tối 10/5: Vũ Hán xuất hiện ca nhiễm mới sau hơn 1 tháng dỡ lệnh phong tỏa
Sau hơn 1 tháng dỡ lệnh phong tỏa, TP Vũ Hán – nơi từng được coi là tâm dịch COVID-19 của thế giới đã phát hiện 1 ca nhiễm mới.
Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh COVID-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày. |
+ Trung Quốc đã công bố 1 ca nhiễm COVID-19 mới tại TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) sau hơn 1 tháng dỡ lệnh phong tỏa (8/4). Bệnh nhân là nam, 89 tuổi, tên Gao, được phát hiện dương tính hôm 9/5. Hiện bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Ông Gao cho biết, mình đã không rời khỏi khu dân cư đang sống kể từ Tết Nguyên đán. Khu dân cư nơi ông Gao sống hiện đã được phong tỏa để thực hiện kiểm dịch.
Ngày 9/5, Ủy ban Y Tế Quốc gia Trung Quốc thông báo có 14 ca nhiễm COVID-19 mới, mức tăng cao nhất kể từ ngày 28/4.
Ngoài ca nhiễm mới ở TP Vũ Hán, một ổ dịch mới với 11 ca nhiễm cũng mới xuất hiện tại TP Thư Lan, tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc).
Chính quyền tỉnh Cát Lâm đã ra lệnh đình chỉ mọi hoạt động, dịch vụ không thiết yếu ở Thư Lan. Ngoại trừ các nhân viên y tế và lao động làm việc trong những ngành nghề thiết yếu, tất cả người dân tại Thư Lan đều không được phép ra khỏi nhà. Mỗi gia đình sẽ cử một người đi mua nhu yếu phẩm hằng ngày.
+ Tính đến 20h tối 10/5, Việt Nam ghi nhận 288 ca nhiễm COVID-19, tức đã qua 24,5 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Trong số đó, 241 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh/xuất viện, chưa có trường hợp nào tử vong.
Hiện, còn 47 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định. Trong đó, 6 ca âm tính lần 1, 14 ca âm tính 2 lần trở lên, 27 ca dương tính.
+ Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, chiều 10/5, bệnh nhân số 19 (bác bệnh nhân số 17) ở Trúc Bạch, Hà Nội đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh đã chuyển từ tình trạng nguy kịch sang tình trạng nặng, thở oxy không xâm nhập, phục hồi tốt, giao tiếp tốt. Hiện bệnh nhân không sốt, phổi thông khí rõ, kiểm soát huyết áp tốt, tự túc ăn cơm, uống nước, được bù nước điện giải, điều trị hỗ trợ…
Đây là bệnh nhân COVID-19 có số ngày điều trị nhiều nhất ở nước ta. Bệnh nhân nhập viện từ ngày 7/3, đến nay đã qua hơn 2 tháng điều trị. Trong đó không ít lần bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch, ngừng tuần hoàn 3 lần, phải đặt ECMO, lọc máu.
+ Ngày 10/5, cuộc hội chẩn liên viện để đánh giá tình hình sức khoẻ và khả năng ghép phổi cho bệnh nhân 91 mắc COVID-19 đã diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực của Việt Nam.
Bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vẫn đang trong tình trạng rất nguy kịch. Hiện tại bệnh nhân nằm yên/an thần, không sốt. Siêu âm tim phổi co bóp đồng bộ, phổi phải hết tràn khí, xẹp thùy sau dưới, ít dịch màng phổi phải…
Các chuyên gia đề xuất xem xét khả năng chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị nội khoa tích cực.
+ Mỹ đã công bố đòn trừng phạt mới nhất nhằm vào Trung Quốc, đó là siết chặt các quy định về visa đối với các phóng viên Trung Quốc tác nghiệp ở Mỹ. Các quy định mới có hiệu lực ngay từ ngày 11/5.
Quy định mới do Bộ An ninh Nội địa (DHS) ban hành, giới hạn visa của các phóng viên Trung Quốc trong thời gian 90 ngày, nhưng họ có thể nộp đơn gia hạn thêm tối đa 90 ngày. Trước đó, hầu hết các nhà báo, phóng viên Trung Quốc đại lục tác nghiệp ở Mỹ được cấp visa kéo dài theo thời gian làm việc.
Đây là đòn trừng phạt mới nhất Mỹ nhằm vào Trung Quốc trong bối cảnh hai nước liên tục có những bất đồng trong các vấn đề thương mại, báo chí và dịch bệnh COVID-19.
+ Một nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết, cảm thấy “sốc và tiếc” khi Washington (Mỹ) hôm 8/5, quyết định quay lưng với dự thảo ứng phó dịch COIVD-19 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trong vòng 6 tuần qua, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã nỗ lực để đạt thỏa thuận trong một dự thảo mới. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại chững lại do việc Trung Quốc và Mỹ tranh cãi có nên nhắc đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay không. Một số nhà ngoại giao cho biết, trong khi Mỹ phản đối, Trung Quốc khăng khăng phải có cả WHO, dù chuyện này chỉ là vấn đề nhỏ.
+ Trong cuộc điện thoại với các cựu quan chức trong chính quyền cũ kéo dài 30 phút, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ trích cách chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối phó với đại dịch COVID-19.
Ông cho rằng, phản ứng của chính quyền hiện tại với đại dịch toàn cầu lần này là yếu ớt và không đồng nhất. Đó là một thảm họa hỗn loạn tuyệt đối.
Ông Obama kêu gọi các cựu quan chức trong chính quyền cũ cùng tham gia chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
+ Quân đội Ethiopia thừa nhận họ đã bắn nhầm một chiếc máy bay Kenya chở hàng y tế và viện trợ nhân đạo (phòng, chống dịch COVID-19) vì tưởng máy bay này chuẩn bị tấn công tự sát, khiến tất cả 6 người trên khoang thiệt mạng, hãng tin quốc tế Anadolu Agency (trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin ngày 9/5.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Chiều 10/5, Bộ Y tế đã thông tin về tình hình điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam.
Nguồn: [Link nguồn]