Dịch COVID-19 sáng 3/5: Loại thuốc “phế phẩm” được Mỹ duyệt làm thuốc đặc trị

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Một loại thuốc từng bị coi là “phế phẩm” giờ lại được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) duyệt trở thành thuốc đặc trị COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp.

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh COVID-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

+ Remdesivir – loại thuốc ban đầu được nghiên cứu để điều trị viêm gan, Ebola và một số bệnh khác do virus gây ra, đã thất bại trong hàng ngàn thử nghiệm. Remdesivir sau đó bị coi là vô dụng và nằm lẫn trong đống dược liệu phế phẩm, bị lãng quên bởi chính các nhà khoa học tại công ty dược phẩm Gilead Science từng nghiên cứu ra nó.

Tuy nhiên, từ thứ thuốc từng bị coi là “phế phẩm”, Remdesivir giờ lại được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt trở thành thuốc đặc trị COVID-19 trong trường hợp khẩn cấp, là thuốc đặc trị cho bệnh nhân COVID-19 với hiệu quả cao.

+ Theo Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 3/5, Việt Nam có tổng cộng 130 ca mắc được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 30.530, trong đó: cách ly tập trung tại bệnh viện: 246; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 5.748; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 24.192.

Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân tiếp tục thực hiện tốt 5 điểm sau để phòng, chống COVID-19:

1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

4. Thường xuyên vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc, sinh hoạt lành mạnh.

5. Thực hiện khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe hằng ngày, giữ liên hệ thường xuyên với cán bộ y tế, cơ sở y tế.

+ Tính đến 9h20 ngày 3/5, trên thế giới đã ghi nhận 3.483.347 người mắc COVID-19; 244.761 người tử vong, trong đó các quốc gia có người mắc COVID-19 số lượng lớn trên thế giới là Mỹ (1.160.774 người mắc - 67.444 người tử vong); Tây Ban Nha (245.567 người mắc - 25.100 người tử vong); Italy (209.328 người mắc; 28.710 người tử vong); Anh (182.260 người mắc - 28.131 người tử vong).

+ Theo tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch VABIOTECH, ngay từ khi Việt Nam ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên, các nhà khoa học của công ty đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc-xin phòng virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ vector virus. Nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus này.

Kháng nguyên của SARS-CoV-2 trong thành phần vắc-xin khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vắc-xin. Các nhà khoa học Việt Nam đã tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

+ Ngày 3/5, các cơ quan chức năng của Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) phối hợp với cơ quan chức năng UAE đưa về nước gần 300 công dân Việt Nam trên chuyến bay mang số hiệu VN88, khai thác bằng tàu Boeing 787. Máy bay đã hạ cánh thành công tại sân bay Cần Thơ, các hành khách đã được kiểm tra sức khỏe, đưa đi cách ly tập trung ngay sau khi hạ cánh.

+ 273 công dân Việt Nam trở về từ Canada vừa được đưa về khu cách ly tập trung tại Ninh Bình để phòng, chống dịch COVID-19 sau khi những người này đáp xuống sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh.

+ Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, việc chi trả tiền hỗ trợ cho 3 đối tượng (người có công; hộ nghèo và cận nghèo; bảo trợ xã hội) trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã hoàn tất.

Tuy nhiên, theo ông Dân, vấn đề khó khăn nhất hiện nay chính là việc rà soát, thống kê lên danh sách đối tượng lao động tự do mất việc làm, gặp khó khăn trong mùa dịch bệnh COVID-19.

Cấp xã, phường hiện nay vẫn đang tiếp tục rà soát thống kê lao động tự do, chủ yếu bám vào điều kiện “mất việc làm do dịch bệnh COVID-19”. Về điều kiện “có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo”, ông Dân cho rằng rất khó xác minh vì những đối tượng này làm việc tự do, không phải như lao động ký hợp đồng trong các doanh nghiệp.

+ Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, Sở GTVT Hà Nội vừa chấp thuận cho xe buýt được hoạt động bình thường trở lại từ 4/5, với 100% chuyến, lượt theo các chỉ tiêu đặt hàng và đấu thầu đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

+ Tiến sĩ Anne Schuchat, một trong những quan chức lãnh đạo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng, việc hạn chế xét nghiệm và chậm trễ khi đưa ra những khuyến cáo về di chuyển đối với những vùng dịch bên ngoài Trung Quốc là nguyên nhân khiến số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ tăng vọt kể từ cuối tháng 2.

+ Tờ SCMP hôm 2/5 đưa tin, nghiên cứu mới cho thấy "đàn ông hoặc béo phì là yếu tố quan trọng liên quan tới việc tử vong vì COVID-19 ở các bệnh viện tại Anh".

Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các giáo sư tới từ 3 trường đại học Anh: Đại học Edinburgh, Đại học Liverpool và Đại học hoàng gia London. Nghiên cứu căn cứ vào dữ liệu thu thập được của gần 17.000 bệnh nhân COVID-19 ở 166 bệnh viện tại Anh trong khoảng thời gian từ ngày 6/2 đến ngày 18/4.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, người béo phì nhiễm COVID-19 dễ tử vong hơn nhóm người khác vì họ dễ bị giảm chức năng phổi và bị viêm nhiều hơn ở mô mỡ. Điều này sau đó góp phần tạo nên "cơn bão cytokine" (hay hội chứng giải phóng cytokine). Đây là tình trạng hệ miễn dịch giải phóng ồ ạt các chất trung gian gây viêm có nguồn gốc từ các tế bào tham gia đáp ứng miễn dịch (cytokine). Trước hiện tượng này, các cơ quan trong cơ thể có thể "gục ngã" vì chính hệ miễn dịch của mình.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Việt Nam thử nghiệm tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trên chuột

Công ty TNHH MTV Vắc-xin và sinh phẩm số 1 VABIOTECH (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam bước đầu thành công trong việc nghiên cứu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Sơn (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN