Dịch COVID-19 sáng 26/5: Lý do WHO dừng thử nghiệm loại thuốc Tổng thống Mỹ từng khen chữa bệnh hiệu quả
Nguyên nhân khiến WHO dừng thử nghiệm thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine trên các bệnh nhân COVID-19 là do lo ngại về an toàn.
Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh COVID-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày. |
+ Trang ABC hôm 26/5 đưa tin, Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết đã cho dừng thử nghiệm hydroxychloroquine (thuốc chống sốt rét) trên bệnh nhân COVID-19. Nguyên nhân khiến WHO dừng thử nghiệm thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine trên các bệnh nhân COVID-19 là do lo ngại về an toàn.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến hôm 25/5, ông Tedros tuyên bố "tạm dừng" thử nghiệm lâm sàng với nhánh sử dụng thuốc hydroxychloroquine sau khi một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí y khoa hàng đầu The Lancet.
Nghiên cứu kết luận người sử dụng hydroxychloroquine sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim và tử vong.
Tổng giám đốc WHO cho biết thêm, các nhánh thử nghiệm thuốc khác của WHO như remdesivir vẫn tiếp tục để sớm tìm ra thuốc điều trị COVID-19.
WHO từng khuyến cáo không sử dụng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 hoặc phòng ngừa lây lan virus SARS-CoV-2, ngoại trừ việc thử nghiệm lâm sàng.
Hồi tháng 3 và 4/2020, hydroxychloroquine được Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số chuyên gia khen ngợi như một loại thuốc đầy hiệu quả trong việc chữa trị cho bệnh nhân COVID-19.
Hôm 18/5, ông Trump khiến các phóng viên ngạc nhiên khi tuyên bố đang sử dụng hydroxychloroquine, dù sau đó vài ngày Tổng thống Mỹ nói đã ngừng dùng loại thuốc này.
+ Tính đến 10h sáng 26/5, Việt Nam ghi nhận 326 ca nhiễm COVID-19, tức không tăng ca nào trong 12h qua. Như vậy, đã trải qua 40 ngày, không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, 272 ca đã được công bố khỏi bệnh; trong số 54 ca còn lại đang điều trị thì 7 ca đã âm tính lần 1, 4 ca âm tính lần 2 trở lên, 43 ca vẫn dương tính.
+ Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, chiều mai (27/5), 3 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại bệnh viện này tiếp tục được công bố khỏi bệnh.
Đặc biệt, đáng chú ý là bệnh nhân 19 (nữ, 63 tuổi, Trúc Bạch - Ba Đình - Hà Nội). Đây là bác của bệnh nhân số 17. Đây là bệnh nhân mắc COVID-19 có thời gian điều trị dài ngày nhất ở nước ta. Bệnh nhân số 19 cũng là người nặng nhất trong số các bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tính đến thời điểm này.
Bệnh nhân nhập viện từ ngày 7/3, đến nay đã qua hơn 2 tháng điều trị. Trong đó không ít lần bệnh nhân rơi vào trạng thái nguy kịch, ngừng tuần hoàn 3 lần, phải đặt ECMO, lọc máu.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân đã có nhiều lúc rơi vào nguy kịch tưởng như không thể qua khỏi. Trong ba lần ngừng tim, có lần bệnh nhân ngừng tim tới 40 phút, các bác sĩ phải nỗ lực ép tim liên tục để bệnh nhân có tim đập trở lại. Nhờ vào sự giám sát theo dõi tuyệt vời về chỉ số sinh tồn của người bệnh, các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời đưa bệnh nhân thoát khỏi cửa tử.
+ Về tình hình COVID-19 trên thế giới, đến 6h ngày 26/5, thế giới ghi nhận 5.581.290 ca mắc, 347.530 ca tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia đứng số 1 thế giới về số ca mắc với 1,705,668 ca và cả số ca tử vong với 99,782 ca.
Đứng ngay sau Mỹ là Brazil với số ca mắc là 374,898 ca và số ca tử vong 23.473 ca. Nga đứng thứ 3 thế giới với số ca mắc là 353.427, số ca tử vong là 3.633 ca.
+ Ở Thái Lan, 2.928 bệnh nhân, chiếm hơn 96% tổng số người nhiễm COVID-19 (3.042 ca tính đến 25/5) đã được chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, một hệ lụy nghiêm trọng đã xuất hiện và số người chết vì hệ lụy này được dự đoán có thể vượt số người tử vong vì dịch COVID-19, đó là tình trạng tự tử gia tăng.
Nhóm học giả của Đại học Chiang Mai và Đại học Chulalongkorn nghiên cứu, chỉ trong 20 ngày, ít nhất 38 trường hợp đã tìm cách tự tử, 28 trong số này đã tử vong. Nhóm nghiên cứu cũng tranh luận về hai mặt của việc phong tỏa khi nó giúp giảm đáng kể số lượng ca nhiễm COVID-19 nhưng lại khiến nhiều người mất việc vì các hàng quán đều đóng cửa.
Tawanchai Jirapramukpitak, một nhà dịch tễ học kiêm tâm thần học tại Viện nghiên cứu dân số và xã hội, Đại học Mahidol (Thái Lan) cho hay, các biện pháp y tế công cộng để ngăn dịch lan rộng, trong đó có việc phong tỏa và cách ly xã hội kéo dài hàng tháng, khiến một số bệnh nhân có các bệnh tâm thần trước đó càng bị nặng hơn.
+ Brazil hiện đang là nước đứng thứ 2 thế giới về số ca nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro lại cho rằng, COVID-19 chỉ là “một loại cúm vặt” và phản đối thực hiện các biện pháp cách ly xã hội. Ông Bolsonaro thậm chí còn kêu gọi người dân biểu tình chống phong tỏa và chỉ trích nặng nề thống đốc bang nào áp đặt giãn cách xã hội.
Mới đây, ông Bolsonaro đề nghị các bang mở cửa tất cả phòng thể dục, thẩm mỹ viện, hiệu cắt tóc… nhưng chẳng thống đốc nào tuân theo.
Hai Bộ trưởng Y tế tại Brazil đã từ chức sau khi yêu cầu chính phủ có nhiều biện pháp hỗ trợ cho các bệnh viện hơn và tổ chức xét nghiệm diện rộng nhưng không được Tổng thống chấp thuận.
Một số nghị sĩ Quốc hội Brazil, ngay cả những người cùng đảng với ông Bolsonaro đang kêu gọi luận tội Tổng thống. Khảo sát của tờ Datafolha cho biết, gần một nửa số người Brazil được hỏi ủng hộ điều tra và bãi nhiệm Tổng thống Bolsonaro.
Alexandr Korolkov – chuyên gia của Hội đồng đối ngoại Nga – cho rằng, nếu cứ hành xử như vậy, ông Bolsonaro có khả năng trở thành “vật tế thần” và phải chịu trách nhiệm về số người tử vong cao do COVID-19.
“Việc luận tội đối với Tổng thống Brazil hoàn toàn có thể xảy ra. Phe đối lập có thể cáo buộc ông Bolsonaro coi thường mối nguy dịch bệnh và lạm quyền”, ông Alexandr Korolkov nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngày 26/5, 3 bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp tục được công bố khỏi bệnh...