Dịch Covid-19 sáng 26/4: Mỹ lập kỷ lục về số ca nhiễm, dân vẫn biểu tình phản đối phong tỏa

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ lập kỷ lục khi tăng thêm 36.008 ca trong vòng 24 giờ, trong khi đó, người dân vẫn ra ngoài vui chơi, thậm chí xuống đường biểu tình phản đối phong tỏa.

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh Covid-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

+ Nước Mỹ vừa ghi nhận một kỷ lục không ai muốn liên quan đến đại dịch Covid-19 khi số ca nhiễm tăng thêm 36.008 ca trong vòng 24 giờ, tính đến cuối ngày 24/4 (giờ địa phương).

Còn tính đến 9h30 sáng 26/4, Mỹ đã ghi nhận 960.651 ca nhiễm Covid-19, trong đó 54.256 người đã tử vong.

Bất chấp số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 không ngừng gia tăng ở Mỹ, hàng ngàn người dân ở bang California vẫn đổ xô tới các bãi biển trong điều kiện thời tiết nắng nóng ngay cả khi Thống đốc Gavin Newsom thúc giục họ ở nhà.

Trong khi đó, một số bang như Wisconsin và Nam Carolina tiếp tục chứng kiến các cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa. Nhiều bang đã thông báo mở cửa lại một phần, bắt đầu các bước đi nhằm nới lỏng lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, phớt lờ cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ hai.

+ Tính đến 9h30 sáng 26/4, Việt Nam ghi nhận 270 ca nhiễm. Tính từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng.

Bộ Y tế đã công bố 230 người được chữa khỏi bệnh, trong đó có 5 bệnh nhân dương tính trở lại; chưa có trường hợp nào tử vong.

+ Bộ Y tế đã có công văn lần 2 đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thu thập bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo về kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống trên địa bàn về Bộ Y tế. Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả các hợp đồng đã được ký kết từ ngày 1/3/2018 đến 29/2/2020 (2 năm).

Báo cáo của các đơn vị đề nghị gửi khẩn về Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế trước ngày 28/4, đồng thời gửi file mềm qua mail để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.

+ Từ 0h ngày 23/4, TP.HCM đã chuyển từ nhóm nguy cơ cao sang nhóm nguy cơ nhưng vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ... Các quán nhậu ở TP đã bắt đầu mở cửa trở lại, người dân tụ tập nhậu đông nghịt, ngồi san sát nhau tuy nhiên, không thấy ai nhắc nhở hoặc xử phạt vi phạm khoảng cách và không đeo khẩu trang.

+ CDC Quảng Ninh là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động, được đầu tư mới từ kinh phí phòng, chống dịch của tỉnh.

Chỉ sau khoảng 3 ngày, từ ngày 31/1 đến ngày 3/2, CDC Quảng Ninh đã được trang bị máy Realtime PCR tự động và mồi đặc hiệu. Theo lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh, hiện nay, phía tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa thanh quyết toán tiền mua máy xét nghiệm Realtime PCR tự động với nhà cung cấp. Tuy nhiên, phía nhà cung cấp khẳng định, giá của bộ thiết bị này (gồm máy xét nghiệm và bộ tách chiết mẫu) đều thấp hơn khoảng trên/dưới 2 tỷ đồng so với mức giá 7 tỷ đồng mà CDC Hà Nội đã mua sắm.

+ Đến ngày 25/4, Bỉ ghi nhận tổng cộng 45.325 ca nhiễm Covid-19 với 6.917 trường hợp tử vong. Mặc dù chỉ có dân số 11 triệu người, Bỉ lại ghi nhận số người tử vong do Covid-19 cao hơn Trung Quốc - quốc gia với 1,3 tỷ dân (gấp khoảng 118 lần so với Bỉ).

+ Các trường hợp nhiễm mới và tử vong do Covid-19 đang tràn ngập tại các bệnh viện, nhà xác, nghĩa trang trên khắp Brazil. Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng, các trường hợp nhiễm virus thực tế tại quốc gia 211 triệu dân này còn cao hơn nhiều so với thống kê do việc xét nghiệm không được làm đầy đủ.

Trong bối cảnh ấy, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn bảo lưu quan điểm rằng, Covid-19 không mấy nguy hiểm và các biện pháp giãn cách xã hội là không cần thiết.

Đến ngày 25/4, Brazil đã ghi nhận tổng cộng 54.043 ca nhiễm Covid-19 với 3.704 trường hợp tử vong.

+ Các quan chức Lầu Năm Góc và tình báo Mỹ cho biết, họ đang tập trung điều tra khả năng kẻ thù có thể sử dụng Covid-19 như một loại vũ khí sinh học. Tuy nhiên, việc điều tra này không có nghĩa là họ cho rằng Covid-19 là sản phẩm nhân tạo và được sản xuất với mục đích làm vũ khí.

Cộng đồng tình báo Mỹ vẫn đang điều tra nguồn gốc của Covid-19, nhưng hiện chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh giả thuyết rằng, virus này thoát ra từ một phòng thí nghiệm.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Thế giới gần 3 triệu ca nhiễm Covid-19, Việt Nam chỉ còn 29 ca dương tính với SARS-CoV-2

Bộ Y tế cho biết, sáng nay (26/4), Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, còn hơn 52 nghìn người đang cách ly, theo dõi sức...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN