Dịch COVID-19 sáng 18/5: Người mới khỏi bệnh nên kiêng quan hệ tình dục trong 30 ngày
Chuyên gia y tế đã khuyến cáo người mới khỏi COVID-19 nên kiêng quan hệ tình dục trong khoảng 30 ngày và kiêng luôn cả hôn.
Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh COVID-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày. |
+ Veerawat Manosutthi, một chuyên gia y tế cấp cao ở Cục kiểm soát dịch bệnh Thái Lan, đã khuyến cáo các bệnh nhân khỏi COVID-19 nên tránh quan hệ tình dục trong khoảng 30 ngày, nếu quan hệ thì nên sử dụng bao cao su.
Lời khuyên của chuyên gia y tế Thái Lan căn cứ vào một kết quả nghiên cứu gần đây tại Trung Quốc cho thấy virus SARS-CoV-2 có trong tinh dịch người nhiễm bệnh.
Ngoài tinh dịch, virus SARS-CoV-2 có thể được tìm thấy trong các giọt bắn ở đường hô hấp. Vì vậy, hôn cũng có thể làm tăng khả năng lây nhiễm.
Chia sẻ với Mirror, Simran Deo, một bác sĩ Anh làm việc tại Zava UK cũng kêu gọi người Anh tránh hôn nhau và ăn chung đồ ăn, thức uống.
+ Tính đến 10h sáng 18/5, Việt Nam ghi nhận 320 ca nhiễm COVID-19, không tăng ca nào so với 12h trước. Như vậy, đã qua 32 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, 260 ca đã được công bố khỏi bệnh, 60 ca còn lại đang điều trị thì 2 ca đã âm tính lần 1, 12 ca âm tính lần 2 trở lên và 46 ca dương tính.
+ Tối 17/5, thông tin từ Tiểu Ban Điều trị cho biết, tình hình sức khoẻ của nam bệnh nhân phi công người Anh (BN91) mắc COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh diễn biến lâm sàng cải thiện tốt hơn.
Bệnh nhân hiện không sốt, có đáp ứng khi kích thích, không chảy máu, tiểu tốt, EF bình thường, không tràn khí màng phổi (bệnh nhân đã ngừng dẫn lưu màng phổi từ ngày 16/5), diện đông đặc phổi không tăng lên (hiện diện đông đặc 2 phổi của bệnh nhân khoảng 90%), men gan bình thường.
Kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 của BN91 đã âm tính 10 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải dùng noradrenalin, giãn thất phải, phổi còn đông đặc, bạch cầu máu còn tăng, còn phải dùng kháng sinh, kháng nấm, tăng GGT (tổn thương gan do thuốc), còn phải lọc máu ECMO.
+ Trung Quốc vẫn đang điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lúa mạch Úc và dọa có thể áp mức thuế nhập khẩu lên tới 80% đối với đối với mặt hàng này. Hôm 12/5, Trung Quốc đã ngưng nhập khẩu thịt bò từ 4 công ty chế biến Úc.
Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham đã tìm cách đàm phán với Trung Quốc về vấn đề áp thuế - một động thái được cho là “trả đũa” của Bắc Kinh khi Úc nhiều lần kêu gọi điều tra về nguồn gốc dịch bệnh COVID-19.
Hôm 17/5, ông Simon Birmingham nói rằng, nỗ lực của mình đã bị Trung Quốc “phớt lờ” và ông nhấn mạnh, Úc sẽ không ngần ngại kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nếu Trung Quốc quyết tăng thuế.
+ Các chuyên gia y tế đánh giá Pháp là một trong những quốc gia điển hình đang gặp khó khăn trong đại dịch vì quá phụ thuộc vào nguồn cung y tế nước ngoài. Pháp hiện không thể đảm bảo đáp ứng đủ vật tư y tế chống dịch trong vài tuần sắp tới, đặc biệt là còn phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm lần 2.
Sự đảo ngược trong chính sách sản xuất đã khiến Pháp hầu như không thể đẩy mạnh sản xuất khẩu trang, bộ dụng cụ xét nghiệm, máy thở trong nước. Thậm chí, đến cả nhiệt kế điện tử, thuốc giảm đau, Pháp cũng phải trông chờ vào nhập khẩu.
Bộ Y tế cho biết, đến 6h ngày 18/5, thế giới ghi nhận 4.794.668 ca nhiễm COVID-19 trong đó có 316.370 ca tử vong.
Nguồn: [Link nguồn]