Đi trên thủy tinh: "10 năm dạy không có sự cố nào"
Theo tiến sĩ Phan Quốc Việt – chủ biên cuốn sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1, đi trên thủy tinh bằng chân trần không nguy hiểm.
Mới đây, cuốn sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 được dư luận quan tâm. Trong đó, có nội dung dạy trẻ tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thuỷ tinh.
Ngay khi được tung lên mạng xã hội, câu chuyện đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng việc đi trên thủy tinh không nguy hiểm, khi vượt qua, học sinh sẽ có sự tự tin, sẵn sàng đương đầu với thử thách. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản đối cách dạy này vì lo sợ trẻ gặp nguy hiểm.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Phan Quốc Việt – chủ biên cuốn sách Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1 – người sáng lập Tâm Việt Group chia sẻ, cuốn sách được xuất bản năm 2013. Trong đó, ông là chủ biên và đồng tác giả Nguyễn Thị Thùy Dương biên soạn, sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành.
Bài học về lòng dũng cảm trong cuốn sách dạy kỹ năng sống cho học sinh lớp 1.
“Phương pháp dạy đi chân trần trên thủy tinh được chúng tôi nghiên cứu kỹ và đã có hơn 10 năm dạy cho nhiều thế hệ học viên mà chưa có trường hợp nào bị làm sao cả. Do đó, chúng tôi đã đưa phương pháp này vào chương trình dạy kỹ năng sống cho học sinh lớp 1”, ông Việt cho hay.
Ông lý giải, theo nguyên tắc vật lý, mảnh vỡ thủy tinh to cỡ 3cm và độ dày từ 3-5mm thì khi đặt bàn chân lên sẽ rất khó bị cắt vào da thịt. Trên mảnh thủy tinh, mảnh nào nhọn, thiết diện bé, áp suất lớn sẽ nằm ở dưới, còn mảnh nào nằm ngang, thiết diện lớn, áp suất bé sẽ nằm ở bên trên. Như vậy, đi trên mảnh thủy tinh sẽ không bị đau, có khi còn êm chân.
TS Phan Quốc Việt: “Tôi đã từng dạy cho trẻ mầm non đi chân trần trên mảnh thủy tinh mà không làm sao. Các mẹ nhìn thấy con đi qua mảnh thủy tinh vẫn hạnh phúc”.
Theo ông Việt, con người thường bị ám ảnh bởi mảnh chai gây đứt chân, chảy máu,... nên khi thấy dạy kỹ năng sống cho các con lớp 1 đi trên thủy tinh, nhiều người cho là nguy hiểm. Để vượt qua nỗi sợ hãi, ám ảnh thì cần phải thực hiện bài thực hành ở lứa tuổi càng nhỏ càng tốt. Bởi sau 6 tuổi, tính cách ít thay đổi sẽ khó sửa nỗi ám ảnh, sợ hãi.
“Do đó, tôi đưa bài tập này vào cuốn sách nhằm truyền tải đến học viên lòng dũng cảm, dám đương đầu, đối mặt với khủng hoảng và thách thức. Đạo đức cần phải có thực tế, không thể dạy học sinh đạo đức bằng cách học thuộc lòng”, ông Việt nói.
Ông Việt cho biết thêm, hiện nay trong các tai nạn thường xảy ra, đa số đều dính đến thủy tinh. Nếu chúng ta cứ sợ, không dám đối mặt, vượt qua nó thì nguy hiểm đến chính mình chứ chưa nói cứu được ai.
Người sáng lập Tâm Việt Group cho hay, ngoài việc đi trên thảm thủy tinh, còn nhiều bài học về lòng dũng cảm như lấy kim tiêm tự đâm vào tay, rút ra, sau đó tự bôi thuốc và dùng bông băng lại; nhảy lên con lăn lấy thăng bằng; đội cốc, chai thủy tinh trên đầu và chấp nhận rơi xoảng một cái. "Đó là cách chúng tôi dạy các em kiềm chế cảm xúc. Khi các em kiềm chế được cảm xúc, sẽ nhanh chóng làm chủ được bản thân để vượt qua khủng hoảng", ông Việt chia sẻ
"Năm 2015, chúng tôi đã tái bản, điều chỉnh bổ sung và bỏ bài tập cho học sinh đi trên mảnh thủy tinh, thay vào đó là bài tập bơi”, Tiến sĩ Việt cho hay.