Đi trên đảo cát đang "cựa quậy"

Sự kiện: Quảng Nam

Còn gì kỳ thú hơn là được dạo chân trần trên một hòn đảo mới nhô lên khỏi mặt biển cách đây mới có… mấy chục ngày! Hòn đảo cát đang thở và cựa quậy như một cơ thể sống tràn trề sức lớn. Cảm giác như phù sa tươi ròng đang sinh nở nơi chót Mũi Cà Mau. Đảo cát chưa kịp gọi tên ấy nằm cách bờ biển Cửa Đại chừng 1,5km, như một tiền án hướng đông, hậu chẩm là phố cổ Hội An phía tây...

Đi trên đảo cát đang "cựa quậy" - 1

Đảo cát từ trên cao. Ảnh: Minh Hải

Trung tá Hiến của Biên phòng Cửa Đại cầm lái chiếc cano chở chúng tôi ra đảo cát. Buối sáng, sóng khá săn. Chiếc cano lượn một vòng quanh để cho ông Nguyễn Sự và ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch Hội An tranh thủ “khảo sát” cái sự cựa quậy của đảo cát độc lạ này. Theo những cánh tay chỉ, thì chỗ này bờ cát đang sạt xuống này, cây cọc tiêu bằng sắt dài 5 mét cắm sâu 2 mét nay mất tiêu đâu rồi. Còn bên kia thì cát đang bồi lên tươi rói, mấp mé chuẩn bị ngoi lên mặt biển.

Đi trên đảo cát đang "cựa quậy" - 2

Những cây phi lao đầu tiên mọc trên đảo cát. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Sự bảo, vậy là “nó” vẫn đang lớn dần, lớn về phía Đông và Đông Bắc. Có nghĩa cát được bồi từ ngoài biển vào, chứ không phải từ bờ ra. Cát từ bờ đổ theo sông cuốn ra còn có lý, chứ từ biển vào thì cát ở đâu? Nhớ bữa trước ngay sau đợt khảo sát mới nhất, ông Sự điện thoại cho tôi, báo ngay rằng “Hạt cát lớn, là cát biển bồi vào”. Đó cũng là nhận định hôm ấy của GS. Tanaka – chuyên gia nghiên cứu thủy văn môi trường nổi tiếng của Nhật Bản, người đã coi Hội An là quê hương thứ hai của mình.

Và trùng hợp với phán đoán trước đó của GS.TS Vũ Trọng Hồng (nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT) mà tôi đọc được, rằng nước thủy điện chiếm hết rồi còn đâu nước để đẩy cát từ trong ra ngoài. Phải xem hạt cát lớn hay nhỏ, so sánh với cát trong bờ, để biết cát từ đâu đến. Nếu hạt cát khác nhau thì chứng tỏ biển lấn vào…

Trung tá Hiến cho chiếc cano lướt sát mép bờ cát. Chúng tôi bước lên đảo, cát bắt đầu chín dưới mặt trời nóng sực đôi chân trần. Có một bức không ảnh của phóng viên Minh Hải báo Quảng Nam chụp toàn cảnh đảo cát này mà nhiều báo vẫn lấy dùng. Nhìn từ trên cao, đảo cát nom y hệt một con khủng long khổng lồ thời tiền sử, màu vàng, đầu hướng về cửa sông Thu Bồn Duy Nghĩa (Duy Xuyên) phía nam, đuôi quẫy về phía bắc có núi Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.

Nhưng khi bước chân lên mình con “khủng long” ấy, thì bất chợt thấy mình khá nhỏ bé. Theo đo đếm mới nhất của các chuyên gia, đảo cát nhô cao lên khỏi mặt nước biển 2m, có chu vi trên 3,5km, diện tích phần nổi trên 12,3 hecta, chiều dài hai điểm xa nhất cách nhau gần 1,2km, điểm rộng lớn nhất 220m. Với diện tích ấy, nhiều người gọi một cách hợp lý là cồn, cồn cát. Nhưng tôi cứ thích gọi là đảo. Như cái hòn Mù Cu ở Lý Sơn, nhõn một bãi đá nhô ra mà vẫn được gọi là “hòn” – một trong 3 địa danh chính của đảo ngang với đảo Lớn, đảo Bé.

Đi trên đảo cát đang "cựa quậy" - 3

Hồ nước trên đảo cát. Ảnh: Trần Tuấn

Bước chân lên đảo cát đã gặp…rác. Là vài manh lưới rách, mảnh phao bằng xốp, là chai nhựa chai thủy tinh, chiếc giày da mà hàu đã bám vào từ thời nào như chiếc bình gốm cổ Chu Đậu từng chìm dưới lòng biển Cù Lao Chàm từ mấy trăm năm xưa dưới những con tàu đắm. Là cả thân cây gỗ to gần người ôm thớ nâu sẫm vặn như dây chão nửa chìm nửa nổi trên cát. Nhưng tất cả không phải người trong bờ thải ra (chưa mấy ai được ra đây vì có lệnh hạn chế), mà từ biển dạt vào. Mang theo những chiếc giày, mảnh phao ấy là bao nhiêu câu chuyện biển khơi.

Nhà báo, nhà thơ Võ Kim Ngân lại còn tỉ mẩn lật lên từng chiếc chai lấp ló trong lòng cát để xem bên trong đó có…bức thư từ biển khơi nào không! Cũng chị, còn “sáng kiến” đặt tên đảo cát này là đảo Trình. Là nơi trình diện với thiên nhiên trước khi rũ mình thanh sạch để ra Cù Lao Chàm. Như đền Trình ở nhiều nơi chốn chùa chiền tôn nghiêm khác!

Ý tưởng “đảo Trình” của chị Ngân bỗng chốc hợp cảnh với cái ý đầy tinh tế của ông Sự. Ông nói, khi chúng tôi vừa đặt chân lên đảo, rằng với đảo cát/cồn cát này, phải chọn cách ứng xử, chứ không phải tìm giải pháp.

Điều mà kết thúc hội thảo khoa học về đảo/cồn cát đặc biệt này hồi trung tuần tháng 4 mới đây, Phó chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh vẫn chưa hết băn khoăn vì chưa có câu trả lời thích đáng. Những câu hỏi mà Quảng Nam muốn tìm lời giả, đó là việc hình thành bãi bồi Cửa Đại là bình thường hay dị thường? Cồn cát tạo ra từ nguồn vật chất nào? Nên để thuận theo tự nhiên hay can thiệp bằng một công trình?

Bình thường hay dị thường? Tâm lý ngàn đời vốn “sợ” những cái dị thường của tự nhiên. Khoa học đến đâu thì con người vẫn quá nhỏ bé trước thiên nhiên và tự nhiên. Phó Chủ tịch thành phố Hội An Nguyễn Thế Hùng thì cho rằng việc xuất hiện cồn cát kiểu này là hiện tượng bình thường, được “nói đi nói lại hoài”. Vì từng có nhiều cồn/đảo cát xuất hiện và biến mất. Nhưng có những chuyên gia từng nhiều năm theo dõi, nghiên cứu tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại lại cho rằng việc hình thành nhanh một đảo cát trên biển là hiện tượng “không bình thường”, khác với chuyện bồi lở các cồn, lạch nơi cửa sông! Nên cần nghiên cứu kỹ. Và quan điểm với đảo cát này là cần bảo vệ nguyên trạng, không nên khai thác hay làm đảo nhân tạo.

Ông Sự bảo, nói “giải pháp” là thiên về khắc chế, và khai thác. Còn chọn cách “ứng xử”, tức là tôn trọng thiên nhiên, tự nhiên, sống chung hài hòa với nó. Ông Sự cứ đau đáu với câu chuyện từ hồi 24 năm về trước. Lần ấy tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1995, ông Nguyễn Hưng khi ấy là Bí thư Thị ủy thị xã Hội An đã thẳng thắn phát biểu đại ý rằng tỉnh phải có tính đến việc giữ lấy rừng, không được để mất rừng. Nhiều vị tại cuộc họp đã tỏ ra khó chịu, rằng “ông ở dưới biển sao lại cứ lo chuyện trên rừng!”. Lần ấy ông Hưng “bạc” đã không trúng vào Tỉnh ủy viên. Đó là khi chưa có thủy điện, nạn phá rừng chưa dữ dội như bây giờ. Còn bây giờ, chúng ta đã nhận nhiều bài học về “rừng hại biển” là thế nào. 

Rời đảo cát về theo tuyến bờ biển Cửa Đại, tôi giật mình khi cùng ông Sự ông Hùng ghé thăm lại nơi ông Sự từng “lạy cát” hồi tháng 3/2017. Trước mắt nơi chúng tôi vui mừng vì “cát về” hồi ấy nay mênh mông sóng vỗ, cách bờ cả hơn trăm mét! Bãi biển Cửa Đại vẫn vậy, cụt ngủn trơ khấc kè đá, túi cát… Những dãy nhà của resort vẫn bật gốc đổ gục nghiêng nghiêng sát mặt sóng trắng. 

Không “dã tràng” nào hay con người nào có thể xây nên hay chở mất đi một hòn đảo cát. Cát về tự nhiên, mà cát đi cũng không cưỡng lại được. Chỉ có thể cưỡng lại bằng cách sống thuận tự nhiên, đừng tàn phá.

Tôi nhớ mãi chuyện chính quyền Hội An “nhanh tay” mua lại cánh đồng Chùa ở Cù Lao Chàm từ mười mấy năm trước. Cánh đồng lúa duy nhất trên đảo rộng mười mấy hecta ở khu Bãi Làng ấy được các đại gia nhăm nhe dụ bà con nông dân bán để xây khu du lịch. Hội An khi ấy bèn mua lại hết của dân. Mua sòng phẳng chứ không phải dạng “giải tỏa đền bù”. Mua rồi “để không” cho dân canh tác, cho đến giờ. Nếu không có “chiêu” ấy, giờ không biết chốn “Bồng lai” ấy đã “mọc” lên những gì?

Như hơn 200 hecta ruộng ngoại vi phố cổ dẫn về làng rau Trà Quế ra biển Hà My bây giờ, vẫn được giữ nguyên. Ông Nguyễn Thế Hùng kể, có doanh nghiệp gửi công văn, rằng thấy đất “bỏ hoang phí phạm” nên xin được đầu tư. Tất nhiên là khách sạn, biệt thự, resort. Nghe “mà muốn nổi điên”. Thử hỏi Hội An chỉ có mấy dãy nhà cổ, mà không có không gian thoáng rộng với mùi hương đồng ruộng, hương đất đai, mùi lúa lên đòng, lúa chín, để cho du khách thong thả đạp xe, thì khách nào đến nữa.

Những cánh hải âu cứ chiu chít bay lượn trên đảo cát. Tôi mang về từ hòn đảo kỳ lạ ấy mấy hạt cây dừa nước đen nhánh trôi dạt ra từ rừng dừa nước Bảy Mẫu phía Cẩm Thanh trong đất liền. Chỉ để lại những dấu chân trần. Những dấu chân trên đảo cát nhỏ nhoi đang kỳ sinh nở… 

Giữa đảo cát có một hồ nước lớn trong vắt, dưới có cá bống, có ghẹ có cua. Chi chit dấu chân cùng tổ những con còng gió mà anh Hùng nói là rất lớn, đem hấp nhậu thì ghẹ cũng “chào thua”. Đây đó bên mép biển là những hạt cây dừa nước to bằng vốc tay con nít đen nhánh trôi dạt ra từ trong rừng dừa nước Cẩm Thanh phía xa kia. Loài cây nước lợ này tất nhiên không thể mọc giữa chốn biển khơi mặn mòi. Nhưng từng vạt muống biển đã tiên phong bò lê la phủ xanh trên cát. Một bụi cỏ voi đầu tiên và duy nhất giữa đảo cát. Gần đó là  chục gốc phi lao nhỏ, ông Sự bảo có người mang ra trồng... 

Chưa lý giải được việc xuất hiện đảo cát dài 3km giữa biển Hội An

Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ NNPTNT nghiên cứu, kiểm tra vì sao xuất hiện đảo cát ở biển Hội An.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Tuấn ([Tên nguồn])
Quảng Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN