Đi tìm lời giải chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất
Đại diện Ban quản lý sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) khẳng định, bên trong sân bay có cơ sở hạ tầng rất tốt. Ngập nước nếu có là do đường dẫn bên ngoài.
Một cán bộ an ninh thuộc Cục Hàng không miền Nam cho biết, vị trí của sân bay Tân Sơn Nhất rất cao so với nhiều khu vực khác trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, hạ tầng trong phạm vi nội bộ cảng cũng rất tốt, thoát nước nhanh. Tuy nhiên, đường thoát nước bên ngoài sân bay đang còn nhiều bất cập.
Ngập đang đe dọa sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Gia Minh)
Hiện, có 2 đường thoát nước chính cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Đầu tiên là đường thoát nước qua kênh Nhật Bản. Đoạn hướng về phía Căn cứ 26, Q.Gò Vấp đã bị người dân xả rác nhiều. Đoạn qua chợ Tân Sơn Nhất cũng ngoài phạm vi của sân bay, hiện nay đang bị tắc nghẽn dòng chảy.
Thứ hai là đường thoát nước qua kênh A41 với hai nhánh khác nhau. “Đoạn đi qua lưu vực P.4, Q.Tân Bình người ta đổ rác, xà bần khắp nơi. Vậy nên thoát nước không được khi trời mưa lớn là do bên ngoài chứ bên trong sân bay đã làm rất tốt”, một cán bộ an ninh thuộc Cục Hàng không miền Nam nói.
Cũng theo vị đại diện này, việc nạo vét đường thoát nước ở bên ngoài sân bay có những khó khăn nhất định, như những vị trí không thể nạo vét được do người dân đã lấn chiếm làm nhà (tuyến kênh A41). Do đó quá trình xử lý còn liên quan tới việc giải phóng mặt bằng.
Theo đánh giá của ông Phạm Vũ Cường - Phó Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đây cũng được xem là những nguyên nhân gây ngập cục bộ khoảng 20cm tại sân bay Tân Sơn Nhất sau các cơn mưa lớn ngày 15, 16.8 và 9.10.
Trong khi đó, đại diện Trung tâm Chống ngập nước TP.HCM cho biết: “Trước đây từng có tình trạng sân bay Tân Sơn Nhất bị ngập. Trung tâm đã đi khảo sát, tham mưu cho UBND TP.HCM. Sau đó UBND thành phố đã chỉ đạo cho ban quản lý sân bay phải làm gì bên trong, trung tâm chống ngập phải làm gì bên ngoài và UBND quận Tân Bình phải làm gì”.
Cụ thể, về phía sân bay Tân Sơn Nhất, phải khẩn trương nạo vét, duy tu hệ thống thoát nước bên trong nội bộ sân bay. Trung tâm Chống ngập nước TP.HCM tiếp tục nạo vét hai tuyến nhánh thuộc kênh A41 phía bên ngoài sân bay. UBND Q.Tân Bình có trách nhiệm tháo dỡ các công trình lấn chiếm, xây dựng trái phép dọc kênh A41, trả lại hiện trạng cũ.
Nói rõ hơn về các giải pháp chống ngập bên trong sân bay, đại diện Cục Hàng không miền Nam cho biết: Bên trong sân bay, các đường thoát nước ra đã được khai thông, san ủi, cắt cỏ cho dòng nước chảy nhanh. Các mương thoát cũng đã hoàn chỉnh và được bê tông hóa.
“Bây giờ quan trọng là xử lý việc thoát nước ở đường ra bên ngoài chứ bên trong sân bay thì yên tâm. Thậm chí còn có máy bơm dự phòng ngay trong khu vực sân bay”, vị đại diện Cục Hàng không miền Nam nói.
Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất bì bõm nước vào chiều 2.11. (Ảnh: Facebook M.T)
Tuy nhiên, theo đại diện Trung tâm Chống ngập nước TP.HCM, bên trong sân bay do ban quản lý sân bay thực hiện chứ trung tâm không thể vào được vì lý do an ninh. Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện nhiều sỏi, đá, bao cát và các vật dụng xây dựng tồn đọng bên trong cống thoát nước nội bộ của sân bay Tân Sơn Nhất.
Còn bên ngoài, trung tâm sẽ nạo vét theo hiện trạng, kế hoạch mỗi năm vét tối thiểu 2 lần tại các đường dẫn kênh A41, kênh Hy Vọng và kênh Nhật Bản; nhưng cũng sẽ linh động nạo vét ngay khi phát hiện đọng nước.
Riêng tại một số khu vực bị lấn chiếm ở Q.Tân Bình thì để thực hiện được, UBND Q.Tân Bình phải có giải pháp giải phóng mặt bằng các nhà dân xây dựng lấn chiếm. Trong trường hợp cố gắng nạo vét, có thể gây sạt lở, nguy hiểm tới nhà dân.
Trả lời PV sáng 5.11, đại diện của hai đơn vị trên đều khẳng định, vấn đề quan trọng hiện nay là giải phóng mặt bằng ở những nơi đang bị nhà dân lấn chiếm. Khi đó, việc nạo vét, duy tu đường dẫn bên ngoài sân bay sẽ dễ dàng hơn. Kết hợp với hệ thống thoát nước bên trong nội bộ sân bay Tân Sơn Nhất hoạt động tốt thì sẽ không phải lo lắng về sự cố ngập trong tương lai.